Thụy Điển, Đan Mạch tìm cách chấm dứt biểu tình đốt kinh Koran

Biểu tình Bắc Âu
08:29 - 01/08/2023
Tòa nhà Bộ Ngoại giao Đan Mạch tại Copenhagen. Ảnh: Reuters
Tòa nhà Bộ Ngoại giao Đan Mạch tại Copenhagen. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh ngày càng nhiều vụ đốt kinh Koran xảy ra tại Thụy Điển và Đan Mạch, chính phủ các nước Bắc Âu đang xem xét một số biện pháp nhằm hạn chế các hành động này và giảm căng thẳng với các quốc gia Hồi giáo.

Những tuần trở lại đây, Đan Mạch và Thụy Điển liên tục chứng kiến một số cuộc biểu tình nơi các bản sao của kinh Koran bị đốt cháy hoặc hư hại. Ngày 31/7, các vụ đốt kinh Koran tiếp tục diễn ra ở cả hai quốc gia trên. Cụ thể tại Stockholm, một người tị nạn Iraq đứng sau một số cuộc biểu tình trong những tuần gần đây đã đốt một bản kinh Koran bên ngoài quốc hội Thụy Điển vào ngày đầu tuần. Trong khi đó tại Đan Mạch, những người biểu tình chống Hồi giáo đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Saudi Arabia ở Copenhagen.

Việc này gây ra sự phản đối lớn khi các quốc gia Hồi giáo yêu cầu các chính phủ Bắc Âu chấm dứt việc này, đồng thời khiến quan hệ các bên trở nên căng thẳng. Ngoài ra do luật theo hiến pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận, các nước Bắc Âu lên án việc đốt kinh Koran nhưng không thể ngăn chặn nó.

Vì vậy, chính phủ Đan Mạch ngày 30/7 tuyên bố sẽ tìm kiếm một "công cụ pháp lý" có thể cho phép chính quyền can thiệp vào các cuộc biểu tình đốt kinh Koran nếu nó được coi như một sự kiện gây ra "hậu quả tiêu cực đáng kể cho Đan Mạch, đặc biệt là về an ninh".

Tới ngày 31/7, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen bên lề một cuộc họp với các diễn giả về chính sách đối ngoại của Quốc hội tiếp tục tái khẳng định: “Trên thực tế, chúng tôi đang báo hiệu cho cả những người tại Đan Mạch và những người nước ngoài rằng chúng tôi đang nỗ lực giải quyết vấn đề này với hy vọng giúp giảm thiểu việc leo thang các vấn đề mà chúng tôi đang gặp phải”.

Hãng tin Reuters trích dẫn ông cho biết Đan Mạch làm việc này “không phải vì chúng tôi cảm thấy bị áp lực buộc phải làm vậy” mà theo phân tích chính trị của nước này, động thái đảm bảo hạn chế việc kinh Koran bị đốt mang tới “lợi ích tốt nhất” cho tất cả mọi người. Ông khẳng định: "Chúng ta không nên chỉ ngồi và chờ cho nó bùng nổ”.

Chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển cũng đang xem xét các thay đổi pháp lý cho phép các cơ quan chức năng ngăn chặn các vụ cháy tiếp theo trong các tình huống đặc biệt. Chính phủ Thụy Điển trong tháng 7 cho biết đang xem xét một giải pháp tương tự. Tuy nhiên, chúng vấp phải sự phản đối từ các đảng cánh hữu do một số người cho rằng quyền tự do ngôn luận không thể bị xâm phạm.

Ngày 31/7, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết ông đã gửi thư tới tất cả 57 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để giải thích quyền hội họp của Thụy Điển và lên án các hành vi bài Hồi giáo. Các bộ trưởng ngoại giao của OIC đã triệu tập một phiên họp bất thường trong cùng ngày để thảo luận về những diễn biến gần đây và lên án mạnh mẽ các vụ đốt kinh Koran.

Sau khi cuộc họp kết thúc, OIC kêu gọi các quốc gia thành viên có hành động thích hợp, dù là chính trị hay kinh tế, tại các quốc gia nơi kinh Koran đang bị báng bổ trong khi các Ngoại trưởng Đan Mạch và Thụy Điển tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại với OIC. Ông Billstrom cũng viết trong bài đăng ngày 31/7 trên Twitter rằng Thụy Điển sẽ nghiên cứu kỹ các nghị quyết và khuyến nghị của OIC.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.