Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao triển vọng kinh doanh tại Việt Nam

ĐẦU TƯ Việt nAM
21:14 - 10/02/2021
Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao triển vọng kinh doanh tại Việt Nam
Vừa qua, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) - Văn phòng Hà Nội đã có buổi làm việc với Bộ Công thương báo cáo kết quả Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2020, trong đó có Việt Nam.

Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội – ông Takeo Nakajima cho biết: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng sâu sắc, nên có 52,8% doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 30,1%; tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp dự báo có lãi là 49,6% và 20,3% doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cân bằng.

“So với các quốc gia trong khu vực, tỷ lệ lãi của doanh nghiệp tại Việt Nam bị suy giảm nhưng vẫn thuộc mức tiêu chuẩn cao trong ASEAN” – ông Takeo Nakajima nói.

Theo Báo cáo của JETRO, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, sẽ cải thiện là 53,9%, song có 12,6% doanh nghiệp dự báo suy giảm do lo ngại về các tác động trong tương lai.

Cùng với đó, trong xu thế dịch chuyển đầu tư, Việt Nam hiện đang là điểm đến được doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, ngoài Thái Lan; ngoài ra, có tới 50% doanh nghiệp đánh giá cao lợi thế thị trường của Việt Nam, 46,8% doanh nghiệp Nhật Bản đã có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam cho 1 đến 2 năm tới, dù tỷ lệ mở rộng thấp hơn so với năm 2019, nhưng cao thứ 4 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; riêng tỷ lệ doanh nghiệp cho biết thu nhỏ, chuyển sang quốc gia khác chỉ chiếm 6,1%, đây là tỷ lệ thấp trong khu vực.

Bên cạnh đó, đại diện JETRO còn cho biết, một số thay đổi của doanh nghiệp Nhật Bản, như: Về phương thức triển khai hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp sẽ xem xét lại đơn vị bán hàng, lý do đưa ra là bởi lo ngại sự lây lan của dịch Covid-19 chiếm 49,5%, do thay đổi môi trường giao thương chiếm 16,3%; Về phát triển kinh doanh trong tương lai, tỷ lệ doanh nghiệp chế tạo dự định đánh giá lại nơi thu mua chiếm 22,3% với lý do dịch Covid-19 và sự thay đổi môi trường thương mại. Trong đó, đối tượng doanh nghiệp muốn thay đổi đơn vị thu mua, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam đứng thứ 4, chiếm 4,3%; sau khi thay đổi đơn vị thu mua số doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam đứng thứ nhất, chiếm 18,8%.

Ngoài ra, theo Báo cáo từ JETRO, đề cập về thời kỳ bình thường hóa kinh doanh, tại Việt Nam, 86% các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, tới năm 2021 sẽ bình thường hóa, 10% cho rằng vào năm 2022 trở đi. Về hợp tác kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm và mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp của Việt Nam để gia tăng giá trị cho sản phẩm, dịch vụ.

Đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam, hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản chỉ ra là nhờ tiềm năng thị trường, tiềm năng tăng trưởng, tình hình chính trị, xã hội ổn định, chi phí nhân công giá rẻ…

Theo Takeo Nakajima, thời gian tới, nhằm tạo cơ hội mở rộng hợp tác cho doanh nghiệp, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giúp doanh nghiệp Nhật Bản tìm được nguồn cung ứng từ các đối tác Việt Nam, Văn phòng JETRO tai Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp hai nước. Tuy vậy, để các hoạt động giao thương đạt hiệu quả, JETRO mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, Bộ Công Thương sẽ xem xét các lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền và sớm có điều chỉnh, cải thiện kịp thời, cũng như đề xuất, báo cáo Chính phủ đưa ra giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản…

Đọc tiếp