Doanh nghiệp Việt bắt đầu than khó vì ảnh hưởng chiến sự Nga – Ukraine

DOANH NGHIỆP Việt nAM
15:54 - 08/03/2022
Chiến sự Nga – Ukraine kéo dài đã ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Chiến sự Nga – Ukraine kéo dài đã ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc xung đột Nga – Ukraine có dấu hiệu kéo dài và ngày càng căng thẳng đang bắt đầu cho thấy tác động đến tình hình kinh tế Việt Nam, khi một số doanh nghiệp gặp khó khăn về giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển hoặc thị trường xuất khẩu.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xin giảm chỉ tiêu xuất khẩu điều năm 2022 từ 3,8 tỉ USD xuống còn 3,2 tỉ USD, thấp hơn 400 triệu USD so với năm 2021. Vinacas dẫn lý do lo ngại bất ổn chính trị thế giới, trong đó có xung đột Nga - Ukraine.

Theo Vinacas, xuất khẩu hạt điều sang Nga chiếm 1,63% tổng lượng điều xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch năm 2021 là 61,8 triệu USD. Dù Nga không phải thị trường chủ lực nhưng cũng gây tác động dây chuyền với các thị trường khác và ảnh hưởng đến giá mua điều nguyên liệu trong nước khi tháng 3 này là thời điểm thu hoạch chính.

Các lô hàng đã xuất bến tại Việt Nam lúc này không thể đến trực tiếp cảng Nga mà phải thông qua cảng trung gian tại Đức hoặc Hà Lan. Tại đó, hàng hóa sang Nga sẽ phải đợi để đi tiếp nhưng chưa rõ thời gian cụ thể. Các khách Nga đã dừng đặt đơn hàng mới. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng không dám ký hợp đồng mới với Nga bởi quá rủi ro.

Xuất khẩu điều sang Nga đang phải tạm dừng.

Xuất khẩu điều sang Nga đang phải tạm dừng.

Các doanh nghiệp thủy sản mạnh về xuất khẩu cũng đang như “ngồi trên đống lửa” khi chiến sự Nga – Ukraine đang mang lại những trở ngại lớn. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết năm 2021, Nga và Ukraina đang là 2 trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam. Riêng Nga là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 13, với giá trị xuất khẩu trong 10 năm qua đã tăng từ 364.000 USD (năm 2012) lên hơn 14 triệu USD năm 2021, tăng gấp hơn 39 lần.

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Nga chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước, tăng 58% so với năm 2020, và cao hơn cả so với năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Riêng trong tháng 1/2022, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng 427% so với cùng kỳ. Trong tháng 1/2022, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng 427% so với cùng kỳ.

Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Ukraine cũng đã tăng gấp 58 lần trong 10 năm qua, từ mức 115.000 USD lên 6,8 triệu USD. Riêng năm 2021 tăng 106% so với năm 2020 và tăng gấp 3 lần so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 1% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cá nước. Đây là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 19 của Việt Nam.

Theo VASEP, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina nổ ra đã khiến một số đơn hàng gửi đi phải quay trở lại, các hợp đồng mới đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng. Chưa kể đến việc Nga và Ukraina là nhà cung cấp dầu hướng dương quan trọng nhất cho thị trường toàn cầu. Giá dầu thực vật nói chung và giá dầu hướng dương nói riêng đang bị đẩy lên rất cao, khiến chi phí sản xuất cá ngừ đóng hộp/túi tăng theo.

VASEP

VASEP

Tương tự cá ngừ, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng đang phải đối mặt với sự sụt giảm nguồn cầu khi Việt Nam là một trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng lớn nhất cho Nga (sau Argentina và Trung Quốc). Nhu cầu nhập khẩu cá tra phile đông lạnh của Nga từ Việt Nam tăng mạnh trong năm 2021 do tác động và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; đạt giá trị 32,5 triệu USD, tăng 72,5% so với năm 2020.

Theo VASEP, đầu năm 2022, có 5 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia xuất khẩu sang thị trường Nga. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, đặc biệt là sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thì tình hình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này đang tạm thời bị gián đoán và gặp rất nhiều khó khăn. Trong tháng 1/2022, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này chỉ đạt 2,18 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Một số doanh nghiệp phản ánh về VASEP rằng, sau khi các nước phương Tây đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào các ngân hàng Nga thì đồng Ruble đã giảm gần 30%, xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng USD, với mốc gần 95 Ruble đổi 1 USD trong ngày 1/3. Do đồng Ruble mất giá mạnh nên nhiều nhà nhập khẩu không muốn trả tiền đơn hàng. Tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các doanh nghiệp gần như tê liệt, một số nhà nhập khẩu có tài khoản ở các nước khác nhưng việc thanh toán không hề dễ dàng.

Hiện các doanh nghiệp đã tạm ngưng kí các đơn hàng cá tra xuất khẩu đi Nga cho dù nhiều nhà nhập khẩu vẫn mong muốn không gián đoạn hợp tác. Vì các hãng tàu biển đã thông báo không nhận vận chuyển container hàng đi Nga do rủi ro rất cao khi các lô hàng có thể bị giữ lại tại Cảng Rotterdam trước khi tới được hai cảng biển lớn của Nga là Saint Petersburg và Vladivostok.

Ngoài ra, khi Nga bị cấm vận thì doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng ở thị trường này mà còn ảnh hưởng tới các thị trường lân cận. Nếu phải đi đường vòng trong tình hình giá nhiên liệu đang tăng như hiện nay thì chi phí sẽ tăng vọt, ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận.

VASEP

VASEP

Không chỉ các ngành mạnh về xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong nước cũng gặp khó do tác động từ cuộc chiến sự đang căng thẳng. Như các doanh nghiệp gỗ, cao điểm xuất khẩu gỗ là vào tháng 4 – 5 hàng năm nên thời điểm này các doanh nghiệp phải tăng tốc chuẩn bị đơn hàng. Tuy nhiên năm nay nhiều công ty gỗ vẫn đang chật vật vì nguồn cung nguyên liệu khan hiếm.

Giá xăng dầu tăng đẩy cước vận chuyển lên cao đã khiến giá gỗ nhập khẩu tăng mạnh. Như giá gỗ bạch đàn xẻ đang được chào bán ở mức giá 215 USD/m3, trong khi mức giá cao nhất trước đó chỉ là 172 - 175 USD/m3. Đồng thời áp lực tăng giá nguyên liệu và cước vận chuyển cũng làm giảm sức cạnh tranh của gỗ Việt trên thị trường quốc tế.

Hay các doanh nghiệp du lịch đang khai thác thị trường Nga và Ukraine. Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam cho biết so với thời điểm chưa xảy ra chiến sự, lượng khách hủy tour tăng lên khoảng 30%. Công ty TNHH Lữ hành Pegas Misr Việt Nam đang khởi động lại bộ máy để đưa du khách Nga đi nghỉ dưỡng ở Việt Nam thì chiến sự xảy ra nên lại phải tạm hoãn.

Ngoài lo sợ căng thẳng địa chính thì việc đồng Rúp giảm giá trị với USD và EUR cũng khiến các công ty mất đi một lượng du khách Nga phân khúc tầm trung và thấp lo ngại kinh tế khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đang “kêu cứu” khi từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng, dầu tăng gần 50% và có thể sẽ tăng tiếp theo biến động trên thế giới. Ước tính cước vận tải phải điều chỉnh tăng khoảng 10% nhưng mất thời gian rất lâu vì phải thương lượng với khách hàng, thậm chí là bị hủy hợp đồng hoặc chịu lỗ.

Các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sớm có giải pháp bình ổn giá xăng, dầu, đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét cơ cấu về thuế, phí để điều hành giá xăng, dầu, giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vận tải.

Tin liên quan

Đọc tiếp