'Đọc vị' cổ phiếu bất động sản tạo sóng thị trường đầu năm

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
08:59 - 11/01/2022
Thời gian qua, dòng tiền chứng khoán chảy mạnh vào cổ phiều bất động sản.
Thời gian qua, dòng tiền chứng khoán chảy mạnh vào cổ phiều bất động sản.
0:00 / 0:00
0:00
"Cơn sốt" cổ phiếu bất động sản vẫn tiếp tục sục sôi với đà tăng bứt tốc. Hàng loạt mã tăng bằng lần chỉ sau thời gian ngắn, thậm chí vượt xa giá trị nội tại của doanh nghiệp. Đáng nói là nhà đầu tư dường như vẫn đang rất say xưa với “cơn sóng” này.

CII

Đây là mã cổ phiếu của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM. Từ 10/12/2021 đến 10/1/2022, giá của CII đã tăng hơn 100 %, từ mức 28.000 đồng lên 60.000 đồng/cổ phiếu và thuộc nhóm tăng nóng nhất trong 1 tháng trở lại đây. Đây cũng là mức giá kỷ lục mà CII đạt được kể từ khi chào sàn năm 2013. 11 tháng của năm 2021, mã này cũng không có gì nổi bật, thậm chí có thời điểm còn rớt xuống 16.000 đồng.

Tận dụng đà tăng của cổ phiếu, loạt lãnh đạo và cổ đông lớn của Công ty đồng loạt bán ra. Theo đó, ngày 8/1, phía CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM thông báo bán hết hơn 44,3 triệu cổ phiếu quỹ, mục đích phục vụ nhu cầu tài chính của Công ty. Nếu tính theo giá hiện tại, Công ty có thể lãi hơn 1.500 tỷ đồng vì lúc mua vào CII chỉ có giá bình quân 19.500 đồng.

Trước đó, Quỹ VIAC (no.1) Limited Partnership (Singapore) cũng báo cáo đã hoàn tất bán ra 5,5 triệu cổ phiếu CII trong phiên giao dịch ngày 4/1; đồng thời tiếp tục đăng ký bán 5,5 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu về hơn 6 triệu cổ phiếu (tương đương 2,59% vốn điều lệ.

Đà tăng của CII mạnh mẽ từ tháng 12.

Đà tăng của CII mạnh mẽ từ tháng 12.

Về tình hình kinh doanh của CII, 9 tháng đầu năm 2021, CII có doanh thu 2.220 tỷ đồng và lãi sau thuế 125 tỷ đồng, lần lượt giảm khoảng 25% và 73% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được lý giải là do dịch bệnh khiến các dự án giao thông tạm ngừng thu phí; các dự án hạ tầng, bất động sản cũng ngừng thi công.

Mặc dù CII khẳng định những nguyên nhân trên không ảnh hưởng dài hạn khi dịch được kiểm soát. Tuy nhiên khó khăn tài chính là thấy rõ khi ợi nhuận kinh doanh cốt lõi không đủ bù đắp dòng tiền trả lãi vay trong những năm gần đây. Tính từ 31/12/2017 tới 30/9/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tại CII tăng từ 9.389 tỷ đồng lên 17.661 tỷ đồng, tức bằng 226,7% vốn chủ sở hữu.

DIG

DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng gây nhiều chú ý thời gian gần đây khi giá liên tục thiết lập đỉnh mới kèm theo thanh khoản nhảy vọt. Chỉ trong 1 tháng qua, thị giá DIG đã tăng gần gấp đôi, từ mức 68.900 đồng (10/12) lên 125.000 đồng (10/1). Nếu so với mức giá đáy trong năm 2021, ở vùng giá gần 20.000 đồng, thị giá DIG đến đầu năm nay đã cao gấp hơn 5 lần.

Về kết quả kinh doanh, sau 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu của DIG đạt 1.655 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 184 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 139 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, DIG đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.444 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Công ty mới hoàn thành được 12,7% kế hoạch.

Từ tháng 12 đến nay, DIG đã tăng gần gấp đôi.

Từ tháng 12 đến nay, DIG đã tăng gần gấp đôi.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh chính của DIG âm 263,5 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư dương 67,86 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 2.184,7 tỷ đồng nhưng chủ yếu do công ty tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Tính đến thời điểm 30/9/2021, DIG đã tăng vay nợ ngắn hạn và dài hạn thêm 1.814,9 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 119,8% so với đầu năm và chiếm 23,9% tổng nguồn vốn.

LDG

Trong phiên 7/1, cổ phiếu LDG của Công ty cổ phần Đầu tư LDG đạt đỉnh 27.400 đồng sau chuỗi ngày tăng nóng. Nếu không tính thời điểm hiện tại thì từ khi chào sàn năm 2016, thị giá cao nhất của mã này là hồi tháng 3 năm 2018, chỉ đạt 16.300 đồng.

Khi thị giá cổ phiếu được nâng lên trong thời gian ngắn, Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng LDG đều đăng ký bán ra. Cụ thể, ông Ngô Văn Minh - Phó Tổng Giám hoàn tất bán ra 123.100 cổ phiếu vào trung tuần tháng 12, giảm sở hữu từ 0,086% về còn 0,034% vốn điều lệ. Ngay trước ông Minh, ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT cũng đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu từ mức 30 triệu cổ phiếu xuống còn 27 triệu đơn vị, tương đương 11,29% vốn.

Hiện tại chính là thời điểm thăng hoa nhất của LDG từ khi chào sàn.

Hiện tại chính là thời điểm thăng hoa nhất của LDG từ khi chào sàn.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2021, LDG ghi nhận doanh thu đạt 251,52 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 31,74 tỷ đồng, lần lượt giảm 78,9% và tăng 152,5% so với cùng kỳ. Trước đó, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu thuần là 1.574 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 301 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, LDG mới hoàn thành 10,5% kế hoạch lợi nhuận.

Xét về dòng tiền, 9 tháng năm 2021, dòng tiền kinh doanh chính của LDG âm 479,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 89,54 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do công ty tiếp tục gia tăng khoản phải thu ngắn hạn. Nếu nhìn rộng ra, năm 2019 dòng tiền kinh doanh chính của doanh nghiệp cũng âm 1.769,6 tỷ đồng, năm 2020 âm 96,5 tỷ đồng.

CEO

“Làm mưa làm gió” trong những tháng cuối năm vẫn chưa đủ, mã chứng khoán của Tập đoàn C.E.O vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư trong những phiên đầu năm mới. Phiên 7/1, CEO tiếp tục leo lên đỉnh cao nhất với thị giá gần 93.000 đồng. Với mã này, khi mới ở mức giá 70-80 nghìn đồng, quỹ ngoại PYN Elite Fund chốt lời 24,85 triệu cổ phiếu đã thu được khoảng 1.700 tỷ đồng; lãi 7 lần sau 6 năm.

Cũng giống như các công ty bất động sản trên, tình hình kinh doanh của C.E.O trái ngược với đà tăng cổ phiếu. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, CEO Group ghi nhận doanh thu gần 124 tỷ đồng; lãi gộp đạt 13,4 tỷ đồng, chỉ bằng 1/8 con số cùng kỳ. Doanh thu tài chính cũng giảm, trong khi chi phí tăng. Khấu trừ, CEO lỗ sau thuế 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 7 tỷ.

CEO cũng giống LDG.

CEO cũng giống LDG.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng, giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, công ty lỗ sau thuế 224 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gấp đôi con số lỗ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó hồi đầu năm, CEO đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. Với 3 quý liên tiếp thua lỗ thì khả năng đạt được kế hoạch kinh doanh của CEO dường như là không thể.

Vì sao nhà đầu tư đặt cược vào cổ phiếu bất động sản?

Ngoài các mã tiêu biểu trên thì thời gian qua, rất nhiều cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản khác cũng tăng vọt, dù sức khỏe tài chính sa sút hoặc không quá nổi bật.Như VHG (Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Trung Nam) đang có chuỗi ngày tăng giá “bất thường” sau khi HĐQT ra một số nghị quyết về việc thông qua định hướng chuyển đổi hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty, từ trồng và kinh doanh cao su sang bất động sản.

Từ đầu tháng 12/2021 đến nay, giá VHG đã tăng gần gấp đôi, từ 7.000 đồng lên 13.000 đồng/cp. Trong khi đó, nếu nhìn vào báo cáo tài chính, VHG chưa ghi nhận doanh thu trong suốt gần 2 năm qua (từ đầu năm 2020 đến quý 3/2021). Trong 9 tháng đầu năm 2021, VHG thua lỗ gần 34 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 25 tỷ đồng.

Hay cổ phiếu ROS của Xây dựng FLC Faros, từ mức giá khoảng 2.500 đồng/cp hồi đầu năm 2021 đã tăng vọt lên 16.000 đồng (+540%). Trong khi báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 cho thấy doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 780 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do giá vốn, phí quản lý doanh nghiệp... đội lên cao, nên lãi sau thuế chỉ còn gần 190 triệu đồng, thấp hơn 86% so với cùng kỳ năm trước.

HUT của CTCP Tasco cũng gây chú ý khi có biến động giá tăng hơn 100% lên 21.700 đồng, dù sau ba quý đầu năm 2021, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 134 tỉ đồng. Doanh nghiệp cũng gánh khoản nợ phải trả hơn 7.000 tỉ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.

Dự án DIC Victory City Hậu Giang của DIC Corp khởi công hồi tháng 11/2021.
Dự án DIC Victory City Hậu Giang của DIC Corp khởi công hồi tháng 11/2021.

Diễn biến tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu các doanh nghiệp bất động sản được cho là xuất phát từ kỳ vọng của giới đầu tư về triển vọng phát triển quỹ đất và dự án doanh nghiệp. Đặc biệt là sau sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm, những công ty địa ốc có “suất” ở khu này càng được quan tâm. Như CII hiện đang là chủ đầu tư một số dự án căn hộ, nhà phố và shophouse tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2.

DIC Corp thì có tổng quỹ đất lên tới hơn 8.000 ha, trải dài nhiều tỉnh, thành phố, từ Nam ra Bắc. C.E.O cũng sở hữu quỹ đất lên đến 962.1 ha chủ yếu tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng.

Ngoài yếu tố quỹ đất, kỳ vọng của nhà đầu tư vào bất động sản còn đến từ tín hiệu sau thời gian ảnh hưởng bởi giãn cách do dịch Covid-19, hàng loạt dự án được triển khai giúp thanh khoản thị trường bất động sản sớm được hồi phục. Thêm vào đó là gói hỗ trợ đầu tư công và kế hoạch kích cầu tiêu dùng tạo đà cho các giao dịch địa ốc.

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định, mặt bằng giá bất động sản dự báo sẽ ghi nhận xu hướng tăng tích cực trong năm 2022 dựa trên những yếu tố sau: Tình trạng thiếu cung kéo dài, đặc biệt tại các đô thị lớn; mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản như một kênh đầu tư hấp dẫn; gói kích thích kinh tế quy mô lớn và các dự án hạ tầng được đẩy mạnh...

Tuy nhiên theo các chuyên gia phân tích, sở dĩ có rất nhiều "sóng" cổ phiếu bất động sản là do những nhà đầu tư cá mập tạo lập và khi họ rút chân ra, nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ bị "nhấn chìm" đầu tiên. Để tránh tình trạng đó, nhà đầu tư không nên dồn hết tiền vào một mã đã tăng giá quá mạnh. Bởi nếu cổ phiếu đã tăng sốc thì cũng rất dễ giảm sâu và "quay về nơi bắt đầu" nếu không đi kèm yếu tố nội tại.

Ngoài ra, nhà đầu tư cần chú ý giai đoạn cận Tết âm lịch, thị trường có thể rung lắc mạnh theo chiều hướng sụt giảm. Đặc biệt là khi kết quả kinh doanh quý 4/2021 được công bố có thể sẽ phơi bày thực trạng kinh doanh thua lỗ, dự án kém khả quan của nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.