Đông Nam Á đối mặt với làn sóng Covid-19 trong mùa lễ hội

COVID-19 ĐÔNG NAM Á
21:00 - 17/04/2023
Người dân tham gia lễ hội té nước Songkran tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters
Người dân tham gia lễ hội té nước Songkran tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Giới chức các nước Đông Nam Á đang chuẩn bị tinh thần trước sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 vào dịp nghỉ lễ truyền thống, trong bối cảnh biến thể phụ XBB.1.16, một nhánh phụ của Omicron, đang lây lan với tốc độ nhanh chóng.

Straits Times đưa tin, Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan (DDC) ngày 16/4 dự báo số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc sẽ tăng sau lễ hội đón năm mới (Tết té nước Songkran), bắt đầu từ tuần trước.

Lễ hội Songkran năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng sau nhiều năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Riêng tại thủ đô Bangkok, có gần 200 địa điểm chính thức tổ chức lễ hội té nước. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha cũng gây bất ngờ khi ông xuất hiện tại đường Khao San, Bangkok và tham gia vào “đại chiến té nước” cùng người dân.

Đông Nam Á đối mặt với làn sóng Covid-19 trong mùa lễ hội ảnh 1

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cầm súng nước tham gia lễ hội Songkran. Ảnh: Reuters

Tổng giám đốc CDC Thái Lan Thares Krasanairawiwong nhận định số ca mắc Covid-19 trên cả nước sau kỳ nghỉ Songkran có thể cao hơn so với sau Tết Nguyên đán, khi các biện pháp phòng chống dịch bệnh được nới lỏng. Những người tham gia Tết Songkran không phải xét nghiệm Covid-19, cũng như hầu hết không còn đeo khẩu trang.

Bangkok Post dẫn lời ông Thares cho biết, từ ngày 9-15/4, Thái Lan ghi nhận 435 ca mắc mới nhập viện, cao gấp gần 3 lần so với tuần trước. Trong đó, 30 người bị viêm phổi, 19 người thở máy và 2 trường hợp tử vong.

Tại Indonesia, giới chức đang ghi nhận sự gia tăng nhẹ về số lượng ca mắc Covid-19, khi báo cáo hơn 900 ca mỗi ngày kể từ ngày 11/4, theo Jakarta Post. Trong đó, nước này ghi nhận 2 ca Covid-19 nhập cảnh nhiễm biển thể phụ XBB.1.16 hay còn gọi là “Arcturus”, một nhánh phụ của Omicron.

Tổng thống Joko Widodo kêu gọi tất cả những người tham gia lễ Hari Raya Aidilfitri (đánh dấu kết thúc tháng ăn chay của người Hồi giáo) cần hoàn thành tiêm vaccine Covid-19.

Khi hầu hết các hạn chế dịch bệnh được dỡ bỏ, ước tính có khoảng 120 triệu người Indonesia dự kiến sẽ hành hương đoàn tụ với gia đình hoặc xuống đường để ăn mừng lễ hội. Đây có thể là dòng người tham gia lễ Aidilfitri có quy mô lớn nhất tại nước này kể từ khi đại dịch bắt đầu năm 2020.

“Điều quan trọng nhất là tiêm vaccine, đặc biệt là các mũi nhắc lại. Vì vậy, những người chưa được tiêm phòng phải thận trọng. Họ cần phải tiêm gấp để mọi người được an toàn trước Covid-19”, ông Widodo nói.

Theo Jakarta Post, 174 triệu người dân Indonesia đã hoàn thành các mũi vaccine cơ bản và 68 triệu người đã tiêm mũi nhắc lại đầu tiên.

Trong khi đó, Singapore được cho là đã ở trong làn sóng Covid-19 kể từ hồi tháng 3. Tuần trước, nước này ghi nhận số ca mắc hàng ngày tăng từ khoảng 1.400 ca lên khoảng 4.000 ca. Trong số đó, có khoảng 30% ca tái nhiễm, cao hơn tỷ lệ 20-25% trong đợt bùng dịch trước đó, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung hôm 14/4 cho biết.

Đông Nam Á đối mặt với làn sóng Covid-19 trong mùa lễ hội ảnh 2

Singapore ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng trở lại. Ảnh: CNA

Số bệnh nhân Covid-19 nhập viện cũng tăng từ 80 người trong tháng 3 lên 220 người. Tuy nhiên, ông Ong cho biết con số này vẫn “thấp hơn nhiều” so với con số trong thời kỳ cao điểm bệnh dịch, cũng như bệnh nhân nhập viện vì các bệnh không lây nhiễm.

“Những gì đang xảy ra là minh chứng cho thấy chúng ta đã tiến được bao xa trong việc đối phó với Covid-19. Ngay cả trong làn sóng Covid-19 hiện tại, chúng ta vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường, không bận tâm về số ca nhiễm. Đây mới là tính chất đặc hữu của bệnh”, ông Ong nhận định.

Quan chức y tế này cũng giải thích, khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành thì đồng nghĩa nó luôn lưu hành trong cộng đồng. Điều thúc đẩy làn sóng dịch mới ở địa phương không phải do các ca mắc nhập cảnh mà là do hiện tượng tái nhiễm.

“Khi khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm từ vaccine hoặc từ những lần nhiễm bệnh tự nhiên suy yếu theo thời gian, mọi người sẽ bị tái nhiễm. Điều đó khiến số ca mắc Covid-19 tăng lên và tạo ra một làn sóng mới”, ông Ong nói.

Bộ trưởng Y tế Singapore cũng cho biết nước này tiếp tục tiến hành giải trình tự gene của các mẫu virus, đặc biệt lưu ý đến biến chủng XBB.1.16. Tuy nhiên, Singapore chưa ghi nhận có biến chủng chiếm ưu thế, không có bằng chứng chúng gây ra triệu chứng nặng hơn.

CNA đưa tin, tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cho biết số ca mắc Covid-19 đã tăng 87,5% chỉ trong 14 ngày (từ ngày 27/3-8/4). Trong đó, số ca Covid-19 nhập viện tăng 30,5%, còn số ca tử vong do Covid-19 tăng 25%. Tính đến ngày 8/4, cả nước này có 13.000 ca mắc Covid-19.

Trong tuyên bố tuần trước, Bộ trưởng Y tế Malaysia Zaliha Mustafa kêu gọi kêu gọi người dân nên đeo khẩu trang ở những nơi đông người, do lo ngại làn sóng lây lan tại lễ hội Hari Raya Aidilfitri.

Ông Zainal Ariffin Omar, cố vấn của Tổ chức Y tế Công cộng Malaysia, cũng khuyến cáo rằng, ngoài việc đeo khẩu trang, người dân nên thực hiện các biện pháp khác như tránh tụ tập nơi đông người, tự xét nghiệm Covid-19 và tự cách ly khi mắc bệnh, đặc biệt đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Khi được hỏi có nên tái áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc hay không, ông Zainal cho biết: “Việc đeo khẩu trang vẫn là tùy chọn, nhưng được khuyến khích mạnh mẽ, Tình hình Covid-19 không còn tệ như trước và tỷ lệ đeo khẩu trang trong cộng đồng cũng khá tốt”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ XBB.1.16, một nhánh phụ của Omicron, đang gây ra sự gia tăng các ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ và cũng được phát hiện ở hơn 20 quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước Đông Nam Á. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy biến thể này đã tăng khả năng lây nhiễm cũng như gây bệnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.