EU ghi nhận gần 1 triệu đơn xin tị nạn năm 2022

Tị nạn eu
14:43 - 23/02/2023
Số lượng người nộp đơn xin tị nạn tới EU trong năm 2022 tăng 50% so với năm 2021. Ảnh: AP
Số lượng người nộp đơn xin tị nạn tới EU trong năm 2022 tăng 50% so với năm 2021. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Dữ liệu công bố ngày 22/2 của Cơ quan Tị nạn Liên minh châu ÂU (EUAA) cho thấy khối này đã tiếp nhận gần 1 triệu đơn xin tị nạn của người dân từ các quốc gia trên thế giới trong năm 2022, đánh dấu mức tăng 50% so với năm 2021.

Cụ thể, EUAA cho biết Liên minh châu Âu đã tiếp nhận 966.000 đơn xin tị nạn tại 27 quốc gia EU cũng như ở Na Uy và Thụy Sĩ trong năm 2022, tăng 50% so với năm 2021. Theo tờ Independent, số lượng gần 1 triệu đơn xin tị nạn của năm 2022 đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ năm 2015 – 2016 và đồng thời cũng đánh dấu số lượng đơn đăng ký chờ xét duyệt cao kỷ lục kể từ năm 2017.

EUAA cho biết nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng gia tăng số người tị nạn chính là việc nhiều nơi nới lỏng các hạn chế đi lại hậu Covid-19 cũng như lạm phát gia tăng, mất an ninh lương thực và xung đột địa chính trị căng thẳng.

Trong số các quốc gia có đông người tới xin tị nạn ở châu Âu nhất trong năm 2022, Syria là quốc gia dẫn dầu. Sau hơn một thập kỷ chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, người dân Syria đã nộp 133.000 đơn xin tị nạn tới EU. Trong khi đó, số lượng đơn xin tị nạn từ người dân Afghanistan đang rời bỏ các rắc rối về an ninh, nhân đạo và tài chính kể từ khi Taliban tiếp quản hồi tháng 8/2021 chiếm thứ 2 với 129.000 đơn đăng ký.

Đứng thứ 3 trong danh sách là người xin tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ với số lượng đơn ghi nhận được là 55.000. Người dân Venezuela, Colombia, Bangladesh và Gruzia cũng nộp đơn xin tị nạn với số lượng kỷ lục vào năm 2022 cùng với những người dân từ Morocco, Tunisia và Ai Cập. Đặc biệt, có khoảng 4% người xin tị nạn vào năm 2022 được xác định trên đơn đăng ký là trẻ vị thành niên không có người đi cùng.

Trên hết, các thống kê bên trên vẫn chưa bao gồm hơn 4 triệu người tị nạn Ukraine tại khắp các quốc gia EU thông qua Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời - một cơ chế đặc biệt được kích hoạt để tránh làm sụp đổ các hệ thống tị nạn vốn đã tồn đọng.

Một gia đình người tị nạn đặt chân tới đảo Lesvos của Hy Lạp. Ảnh: UNHCR

Một gia đình người tị nạn đặt chân tới đảo Lesvos của Hy Lạp. Ảnh: UNHCR

Mặt khác, hầu hết những người xin tị nạn tới EU một cách hợp pháp thông qua máy bay và thị thực du lịch, cũng có nhiều trường hợp người tị nạn vượt biên giới trên bộ và trên biển một cách bất hợp pháp thông qua vùng Tây Balkan và Địa Trung Hải.

Do ảnh hưởng của trận động đất kinh hoàng gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến 46.000 người tử vong và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, nhiều dự đoán cho rằng châu Âu sẽ sớm chứng kiến một làn sóng vượt biên trái phép vào Hy Lạp.

Hồi đầu tháng 2, Đức đã đề nghị nới lỏng tạm thời các hạn chế về thị thực đối với một số người sống sót sau trận động đất trong khi Tây Ban Nha hứa sẽ tái định cư một nhóm nhỏ gồm 100 người tị nạn Syria dễ bị tổn thương từ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang có tới 4 triệu người tị nạn.

Dù vậy, ở nhiều nơi tình trạng quá tải vẫn xảy ra và người tị nạn buộc phải lang thang trên đường phố. Để tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia thành viên, EUAA đã tăng gấp 4 lần các khoản trợ cấp của mình kể từ năm 2019. Hiện có tổng cộng 13 quốc gia thành viên EU được hưởng trợ giúp từ EUAA bao gồm Áo, Bỉ, Bulgaria, Cyprus, Cộng hòa Czech, Hy Lạp, Italy, Malta, Hà Lan, Litva, Romania, Slovenia và Tây Ban Nha.

Đọc tiếp