G7 sẽ cấm nhập khẩu kim cương Nga

Kim cương NGA
09:14 - 16/09/2023
Lệnh cấm kim cương Nga của G7 có khả năng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2024. Ảnh: Bloomberg
Lệnh cấm kim cương Nga của G7 có khả năng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2024. Ảnh: Bloomberg
0:00 / 0:00
0:00
Lệnh cấm nhập khẩu kim cương Nga mà nhóm G7 đã xem xét trong hơn một năm kể từ khi nước này bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine dự kiến sẽ được thông qua trong 2 đến 3 tuần tới.

Theo Reuters dẫn lời một quan chức Bỉ ngày 15/9, quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2024. Một khi có hiệu lực, việc mua hàng sẽ chịu ảnh hưởng của lệnh cấm trực tiếp trong khi lệnh cấm vấn gián tiếp sẽ từ từ được tiến hành sau đó.

Lệnh cấm gián tiếp sẽ đưa ra một hệ thống theo dõi bao gồm kiểm tra thực tế các gói hàng chứa đá quý và dữ liệu truy xuất nguồn gốc bắt buộc đối với các nhà sản xuất và kinh doanh kim cương. Biện pháp này được thiết kế để hạn chế hoạt động buôn bán xuyên biên giới đối với đá quý của Nga trong khi kim cương có nguồn gốc hỗn hợp cũng sẽ bị cấm khỏi thị trường G7 theo kế hoạch.

Chính quyền phương Tây còn có quyền truy cập vào hệ thống theo dõi kim cương thông qua sổ cái công khai đang được phát triển – một hệ thống tương tự như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT giữa các ngân hàng.

Nguồn gốc của một viên kim cương chỉ có thể được truy tìm từ khởi đầu của chuỗi cung ứng khi chứng chỉ Kimberley Process, vốn được thiết kế để ngăn chặn việc buôn bán “kim cương máu”, được cấp cho một viên đá quý thô. Nguyên nhân là do sau quá trình này, kim cương sẽ được cắt và đánh bóng và sau đó được chuyển qua các thị trường và nhà kinh doanh khác, khiến việc theo dõi xuất xứ khó hơn rất nhiều.

Nhận định về tác động của lệnh cấm, quan chức này cho biết nó sẽ chia rẽ thị trường kim cương tiêu dùng toàn cầu trong bối cảnh G7 – khu vực chiếm 70% thị trường - sẽ không còn chấp nhận kim cương từ nước sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới là Nga. Ông cho biết các nhà lãnh đạo G7 đang nhắm tới mục tiêu cuối cùng là “tái cơ cấu thị trường toàn cầu” và “cắt giảm dòng tài chính từ lĩnh vực này của Nga”.

Lệnh cấm nhập khẩu kim cương Nga đã được các quốc gia G7 cân nhắc trong nhiều tháng. Hồi tháng 5/2023, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh quyết tâm này một lần nữa khi đưa ra cam kết hạn chế buôn bán kim cương được khai thác, xử lý hoặc sản xuất ở Nga nhằm nỗ lực cắt giảm thêm doanh thu của Moscow. Nhóm này cũng đồng thời tuyên bố sẽ hạn chế hoạt động buôn bán kim cương trị giá 4,5 tỷ USD của Nga bằng cách sử dụng các phương pháp truy tìm công nghệ cao.

Mỹ và Anh hiện đã cấm nhập khẩu kim cương thô của Nga. Tuy nhiên, Washington vẫn cho phép nhập khẩu đá quý được khai thác ở Nga nếu chúng đã bị thay đổi đáng kể ở các nước khác. Canada và New Zealand cũng áp dụng các biện pháp tương tự nhằm chống lại công ty khai thác đá quý khổng lồ Alrosa của Nga.

Tuy nhiên, nó gặp phải sự phản đối từ các nhà nhập khẩu đá quý lớn như Bỉ, nơi có trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới ở Antwerp. Khoảng 85% kim cương thô của thế giới đi qua Antwerp trên đường đến tay người tiêu dùng.

Chính quyền Bỉ trước đây đã lập luận rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mà không xây dựng hệ thống toàn cầu để theo dõi đá quý sẽ là vô nghĩa do thương mại kim cương từ Nga hoàn toàn có khả năng chuyển hướng sang các thị trường khác như Ấn Độ và Trung Quốc.

Trên thực tế, Nga cũng đã thực hiện bước đi này khi chuyển hoạt động buôn bán kim cương của mình sang các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, UAE, Armenia và Belarus. Trong khoảng thời gian gần đây, những thị trường này đều chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về kim cương thô và kim cương cắt từ Nga.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.