Game Việt: Nhiều tiềm năng nhưng vướng ‘rào cản’ pháp lý

Game blockchain Việt nAM
08:52 - 29/12/2021
Game Việt: Nhiều tiềm năng nhưng vướng ‘rào cản’ pháp lý
0:00 / 0:00
0:00
Trong xu hướng phát triển bùng nổ của các game blockchain và tài sản ảo, các nhà phát hành trò chơi trực tuyến tại Việt Nam mong muốn cơ quan lập pháp sớm thiết lập khung pháp lý một cách rõ ràng và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. 

Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển của trò chơi trực tuyến tại Việt Nam” chiều 28/12, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng, ngành game đang được xem là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế số Việt Nam.

"Tiềm năng phát triển và khả năng tiến xa sang các thị trường quốc tế của các công ty phát hành game Việt Nam hiện nay là rất lớn”, ông nói thêm. Ông cũng dẫn ví dụ điển hình cho nhận định này là trường hợp công ty khởi nghiệp Sky Mavis đã sáng tạo game Axie Infinity gây sốt toàn cầu.

Nhà phát triển game Sky Mavis cũng vừa huy động thành công số tiền 150 triệu USD trong vòng gọi vốn series B. Đây không chỉ là điểm sáng trong startup công nghệ Việt Nam năm 2021 mà có tầm ảnh hưởng quốc tế. Sự ra đời của loại hình game blockchain như của Sky Mavis đã gây tiếng vang lớn, càng cho thấy rõ trào lưu toàn cầu về xuất khẩu nội dung số và game trực tuyến.

Các vị khách mời trong tọa đàm chiều ngày 28/12.

Các vị khách mời trong tọa đàm chiều ngày 28/12.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp game cũng đang đối mặt với những rào cản lớn về khuôn khổ pháp lý trong doanh nghiệp tại Việt Nam, như thủ tục đăng ký hoạt động, các khoản thuế theo quy định, cách thức tính toán tài sản số...

Đặc biệt khi Việt Nam hiện chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, quy trình về mặt phát hành tài sản ảo chưa sẵn sàng sẽ gây ra nhiều vấn đề về tranh chấp, tội phạm lừa đảo và rửa tiền qua không gian mạng.

Game Việt bước sang giai đoạn mới

Theo ông Dương Vi Khoa, Phó Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, kể từ khi hình thành vào năm 2004, lĩnh vực game online Việt Nam đã có sự cải tiến và phát triển và trở thành một bộ môn thi đấu thể thao điện tử cho giới trẻ. Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, game Việt đã có chỗ đứng vững vàng với hơn 100 dự án game ra đời và phát hành bản thử nghiệm trên thị trường để thu thập ý kiến.

Các cuộc thi đấu quy mô thế giới và khu vực như SEAGAMES, ASID đều có các đại điện Việt Nam tham gia, xem như đây là một bộ môn thể thao. Điều này tạo điều kiện giúp quảng bá tên tuổi của quốc gia trên thị trường quốc tế, cũng như thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, hợp tác.

Điều này càng cho thấy thị trường công nghệ số nói chung và game nói riêng đang rất sôi động. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực game mong muốn các cơ quan quản lý xem xét chính sách, hỗ trợ từ một cách chính thống và tạo điều kiện để ngành này có thể phát triển an toàn hơn.

CEO Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập và Giám đốc công ty Sky Mavis.

CEO Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập và Giám đốc công ty Sky Mavis.

Theo CEO 9x Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập Sky Mavis, từ đầu năm 2021 đến nay sự tác động của blockchain nói chung và game blockchain lên thị trường là rất lớn. Từ vị trí một nước chỉ phát hành game, thì giờ đây Việt Nam đang được biết đến là một quốc gia có phong trào cũng như năng lực mạnh trong việc xây dựng game trên nền tảng blockchain.

Với những người làm game như ông Trung, nền tảng game blockchain được so sánh như một luồng gió mới. Thay vì vật lộn với thị trường game truyền thống vốn đã rất cạnh tranh, thì hiện giờ có rất nhiều động lực để các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có tầm ảnh hưởng hơn để phục vụ thị trường.

Đồng thời, các doanh nghiệp blockchain nói riêng và khởi nghiệp nói chung tại Việt Nam cũng đang rất sôi sục với nhiều dự án mới của mình. Ông nhận định rằng, đây là một điều đáng mừng trong cách thức tiếp cận vấn đề, nhìn nhận thị trường của các doanh nghiệp game Việt.

"Game là một hình thức hiệu quả để đưa mọi người, kể cả những người ít tiếp xúc với công nghệ, có thể biết tới công nghệ mới như ví điện tử, giao dịch online”, CEO Sky Mavis nhận định. Theo đó, nếu đi qua con đường truyền thống của ngân hàng và tài chính thì có thể mất rất nhiều năm mới có thể dịch chuyển thói quen của người dùng.

Lợi thế và tiềm năng công nghệ số của Việt Nam trong tương lai sẽ biến mất nếu “thiếu hệ sinh thái pháp lý” rõ ràng.

Lợi thế và tiềm năng công nghệ số của Việt Nam trong tương lai sẽ biến mất nếu “thiếu hệ sinh thái pháp lý” rõ ràng.

“Thế giới khởi nghiệp công nghệ đang chạy nhanh hơn khởi nghiệp truyền thống từ 2-3 lần. Game trực tuyến đang tạo lực để kéo các ngành khác tăng tốc cùng”, ông Trung đánh giá. Tuy nhiên, nhà phát triển game blockchain này cũng cho rằng phải có kiến thức nền và các hiểu biết về cấu trúc hệ thống công nghệ thì mới có thể ứng dụng phát triển game thành công.

Đồng thời, ông cũng cho biết lợi thế và tiềm năng công nghệ số của Việt Nam đang trong giai đoạn "vàng". Các doanh nghiệp Việt có thể dễ dàng tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác và đang trong đà bắt kịp các tiếp cận công nghệ mới. Nhưng lợi thế này trong tương lai sẽ biến mất nếu “thiếu hệ sinh thái pháp lý” rõ ràng.

Khung pháp lý chưa rõ ràng, thiệt thòi cho doanh nghiệp Việt

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Đồng cũng thừa nhận hiện ngành game Việt Nam đang gặp nhiều “thiệt thòi" do khung pháp lý vẫn chưa áp dụng vào thực tế. Do vậy, rất nhiều doanh nghiệp game Việt phải đăng ký thành lập tại Singapore để được đảm bảo, rõ ràng về mặt pháp lý. “Tôi gọi đó là một thiệt thòi", ông nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, hiện nay có số lượng lớn cộng đồng công nghệ phải tìm đến nước ngoài để được đảm bảo về mặt pháp lý. Do đó họ đóng thuế cho nước ngoài thay vì Việt Nam, trong khi đội ngũ phát triển hay vận hành đều hoạt động ở Việt Nam.

Bình luận về sự thiếu thống nhất, rõ ràng về luật pháp cho phát triển ngành game trên nền tảng công nghệ blockchain, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật TNHH ANVI) cho rằng: “Đối với những xu hướng công nghệ mới như blockchain, tài sản số, chúng ta cần phải thừa nhận một cách chính thức bởi điều đó đã, đang và chắc chắn sẽ tồn tại, phát triển mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các ý kiến và dự thảo đều đang hiểu và bàn theo cách còn bỏ ngỏ”.

Theo Điều 3.27, Nghị định 72 quy định, “đơn vị tiền ảo là một loại công cụ cung cấp dịch vụ, dùng để trao đổi mua bán điểm thưởng, các vật phẩm trong trò chơi”. Tuy nhiên, trong Thông tư 24 có giải thích vật phẩm ảo, đơn vị ảo, tiền thưởng “không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng, hoặc giao dịch có giá trị bên ngoài trò chơi điện tử". Đặc biệt, quy định không được mua, bán vật phẩm ảo, tiền thưởng giữa những người chơi với nhau.

Bên cạnh đó, trong Bộ luật Dân sự, điều 105 có quy định 4 loại tài sản và quy định rõ tiền ảo “không phải vật, cũng không phải một loại tiền dù gọi là tiền ảo, bởi không có mối liên hệ nào về tiền đối với Pháp luật Việt Nam”. Với những quy định trên, ngay cả khái niệm “tiền điện tử", "tiền ảo" hay “tiền mã hoá" cũng đang có sự khác biệt giữa Việt Nam và nước ngoài.

Ông Đức cho biết, theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tiền ảo không phải loại tiền có giá trị. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, tiền ảo sẽ sớm được pháp luật công nhận là tài sản và có những điểm đặc biệt hơn tài sản thông thường.

Tuy nhiên, hiện tiền ảo blockchain vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi, chưa thống nhất. Các cơ quan tại Việt Nam sẽ cần thêm thời gian để nghiên cứu, điều chỉnh các chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các doanh nghiệp game Việt.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.