Gạo là mặt hàng Việt có cơ hội tốt nhất trên thị trường hữu cơ quốc tế

NÔNG NGHIỆP Hữu cơ
13:45 - 01/10/2022
Nhu cầu gạo hữu cơ đang được đánh giá là vượt xa nguồn cung tại thị trường Australia.
Nhu cầu gạo hữu cơ đang được đánh giá là vượt xa nguồn cung tại thị trường Australia.
0:00 / 0:00
0:00
Ghi nhận từ các doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam không những có nhiều cơ hội tại thị trường trong nước mà còn có thể mở rộng triển vọng ở cả các thị trường quốc tế khó tính như EU và Australia.

Nhiều tín hiệu tốt cho nông sản hữu cơ Việt Nam

Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Theo đó sẽ tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 46/63 tỉnh, thành phố có sản xuất nông sản hữu cơ. Số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người, số doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 và 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tới 180 thị trường trên thế giới

Chia sẻ tại Diễn đàn Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến mới đây, TS. Nguyễn Văn Kiền, Giảng viên Đại học Quốc gia Australia, Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics thông tin chi tiết về tình hình tiêu thụ nông sản hữu cơ Việt Nam tại thị trường Australia. Theo đó doanh số bán lẻ nông sản hữu cơ tại thị trường này hiện đã tăng lên mức hơn 2,5 tỷ AUD.

“Thị trường hữu cơ của Australia tăng trên 5% mỗi năm và đặc biệt có những năm tăng trên 10%. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm hữu cơ vào Australia lại đang khá khiêm tốn. Do đó, cơ hội cho nông sản hữu cơ chế biến của Việt Nam vào thị trường này sẽ còn nhiều dư địa”, ông Kiền đánh giá.

Nói về cơ hội từng ngành hàng, ông Kiền cho biết, gạo là mặt hàng hữu cơ Việt Nam có cơ hội tốt nhất nhờ nhu cầu tại Australia vượt xa nguồn cung. Các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến cũng hưởng lợi thế quy định thuận lợi, nhưng cần lưu ý với các mặt hàng như hạt điều, macca vào thị trường Australia cần được xử lý carbon dioxide. Tuy nhiên, hai mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam gồm cà phê và hồ tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn tại Australia do nước này đang thừa nguồn cung.

Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics cũng cho biết thêm, các mặt hàng cá, tôm, các loại thảo mộc và gia vị khô như húng quế, quế... sẽ có triển vọng phát triển tốt tại thị trường này.

TS. Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics

“Hiện tại qua quan sát tại các kênh siêu thị, nhà hàng, các cửa hàng bán buôn cho thấy hàng hữu cơ có nguồn gốc từ Việt Nam đang dần thâm nhập vào Australia. Đó là những tín hiệu tốt để tiếp tục giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến người tiêu dùng Australia”.

Theo TS. Nguyễn Văn Kiền, thông qua chứng nhận và hoạt động thương mại nông sản hữu cơ tại Australia, sắp tới Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt được cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác.

“Hiện có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm nông dân, đang trong quá trình chuyển đổi, hoặc tìm hiểu hướng đến chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ PGS cũng đã phát triển ở các vùng miền Việt Nam, đặc biệt là từ các tỉnh thành phía bắc, rồi đến Hội An, Bến Tre, và Đồng Tháp, dành cho những nông hộ và nhóm nông hộ quy mô nhỏ”, ông Kiền thông tin thêm.

Cũng tại Diễn đàn đánh giá lại 3 năm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 nói trên, phía doanh nghiệp đã cung cấp thêm thông tin về tình hình xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ Việt Nam sang các thị trường khác ngoài Australia.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, Giám đốc Điều hành Ecolink đề cập đến thị trường EU cho biết, ngay từ giai đoạn trước năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã âm thầm làm sản phẩm hữu cơ cho doanh nghiệp nhập khẩu của châu Âu. Thực chất đây là các doanh nghiệp châu Âu mua hàng nguyên liệu về đóng gói bán ra thị trường mang thương hiệu của họ.

“Năm 2008, khi sang châu Âu, tôi nhận thấy chè Việt Nam không có tiếng tốt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí đến bây giờ, các đối tác lần đầu làm với chúng tôi cũng đều kiểm tra rất kỹ, dẫn đến doanh nghiệp phải tốn kém nhiều trong khâu xét nghiệm”, ông Đức nói về những khó khăn.

Từ năm 2018 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực sự quan tâm đến thị trường nông sản hữu cơ. Một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay TH bắt đầu chuyển một phần sản phẩm sang làm hữu cơ. Tuy nhiên, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn nhỏ, khó xâm nhập thị trường châu Âu.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam

"Uy tín, danh tiếng sản phẩm hữu cơ xuất xứ từ Việt Nam ở thị trường thế giới hiện đã cải thiện được một chút. Từ 2018 đến 2022, có 164 doanh nghiệp với 200 sản phẩm đang có chứng nhận USDA của Mỹ".

Ông Đức cũng cho biết thị trường hữu cơ ở châu Âu đang phát triển chậm lại do ảnh hưởng từ xung đột và lạm phát. “Nhưng phải khẳng định các doanh nghiệp hữu cơ Việt Nam mới chỉ khai phá được một phần rất nhỏ thị trường châu Âu, còn nhiều dư địa phát triển sau khi tình hình bình ổn”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam nhận định.

Thị trường hữu cơ trong nước từ góc nhìn của doanh nghiệp nước ngoài

Bên cạnh tiềm năng từ thị trường quốc tế, nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam cũng cho rằng, thị trường nội địa đang ngày càng rộng mở với sản phẩm hữu cơ. Theo ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail, thực tế cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tiêu dùng, sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm sạch, hữu cơ và tốt cho sức khỏe.

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail

"Đại dịch Covid-19 chính là đòn bẩy để những người tiêu dùng như chúng ta chú ý hơn tới sản phẩm tốt cho sức khỏe và cũng trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, chúng ta có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về các vấn đề sức khỏe, tăng sức mua các sản phẩm tốt cho sức khỏe như sản phẩm hữu cơ".

Đối với việc tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, ông Paul Le cho rằng, đây là một xu thế tiêu dùng tất yếu. Trước tiên với sự phát triển của Việt Nam, sự gia tăng dân số nhanh chóng với nhóm tuổi từ 15 đến 40 (khoảng 40 triệu người) đang ngày càng nhạy cảm với các sản phẩm tốt cho sức khỏe và sẵn sàng chi tiêu để có được những sản phẩm này.

Tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 25 triệu người vào năm 2025, chiếm 25% dân số. Tầng lớp này có thể hiểu, và cảm thấy việc tiêu thụ những sản phẩm hữu cơ để sử dụng hàng ngày là một nhu cầu quan trọng.

“Với sự thay đổi của hành vi người tiêu dùng thế giới, người nông dân Việt Nam cần tập trung sản xuất tốt, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ phù hợp với nhu cầu của người dân trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, giá cả của sản phẩm organic sẽ giảm xuống, phù hợp với khả năng của số đông người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail nêu triển vọng.

Tin liên quan

Đọc tiếp