Gấp rút thi công hạ tầng Dự án VnSAT tại Đồng bằng Sông Cửu Long

VnSAT ĐBSCL
15:26 - 17/03/2022
Dự án VnSAT sau 6 năm thực hiện đã cơ bản hoàn thành và vượt 20%. Ảnh: Mekong Asean.
Dự án VnSAT sau 6 năm thực hiện đã cơ bản hoàn thành và vượt 20%. Ảnh: Mekong Asean.
0:00 / 0:00
0:00
VnSAT là dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, thực hiện ở 8 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, được WB đánh giá rất cao. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp quyết tâm giải quyết các tồn đọng trước 30/4.

Vượt khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết tồn đọng trước 30/4

Thông tin về tiến độ thực hiện tại hội nghị thúc đẩy tiến độ “Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT ) - Hợp phần lúa gạo”, ngày 16/3, ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý các dự án nông nghiệp, kiêm Giám đốc Dự án VnSAT cho biết, một số tiểu dự án hỗ trợ tổ chức nông dân giai đoạn trước hiện còn dang dở chưa hoàn thiện.

Dự án được thực hiện từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2022 tại 8 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang. Trong đó, giai đoạn từ 2021 trở về sau là giai đoạn gia hạn, chủ yếu thực hiện các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị hỗ trợ nông dân.

Cụ thể, tỉnh Kiên Giang có 3 tiểu dự án cơ sở hạ tầng hỗ trợ tổ chức nông dân chưa hoàn thành và phải sử dụng vốn đối ứng để hoàn thiện. Một số tỉnh chưa hoàn thành việc lắp đặt máy sấy (phần vốn đối ứng), gồm: Tiền Giang 4 máy, Long An 3 máy, Sóc Trăng 2 máy. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các gói thầu xây lắp.

“Bên cạnh đó, giá cả vật liệu tăng cao (xăng dầu, cát, đá, sắt thép….) ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công công trình. Chỉ đạo hỗ trợ của chủ đầu tư và một số Ban quản lý Dự án VnSAT địa phương chưa quyết liệt, một số nhà thầu năng lực yếu dẫn đến tiến độ thi công một số công trình còn chậm so với kế hoạch đề ra”, ông Hiến nhận định.

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT, tỉnh Đồng Tháp là một trong các tỉnh chậm tiến độ, nguy cơ không hoàn thành đúng hạn rất cao. Hiện, tổng tiến độ các tiểu dự án mới đạt 45%.

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, lãnh đạo Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương có 10/12 tiểu dự án có liên quan đến nguyên liệu cát. Thời gian qua, giá cát tăng cao, các nhà thầu gặp khó khăn nên chậm tiến độ 3 tiểu dự án. Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực thi công cũng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Từ sau Tết Nguyên đán, Ban quản lý Dự án VnSAT Đồng Tháp đã tăng cường công tác đôn đốc để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đúng hạn.

Gấp rút thi công hạ tầng Dự án VnSAT tại Đồng bằng Sông Cửu Long ảnh 1
Dự án VnSAT đã thúc đẩy thêm mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, các HTX/tổ hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho hay, Dự án VnSAT được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rất cao. Dự án đã thay đổi thói quen, tập quán sản xuất lúa và cà phê của nông dân.

Thứ trưởng Doanh đánh giá cao sự nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công đầu tư các tiểu dự án của các địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, thời gian gia hạn dự án còn rất ngắn. Vì vậy Thứ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm một số vấn đề để Dự án hoàn thành được trọn vẹn.

Ảnh tác giả

“Yêu cầu Ban quản lý Dự án VnSAT Trung ương phối hợp với các địa phương rà soát lại từng tiểu dự án, nhất là đối với các địa phương có các tiểu dự án trong diện có nguy cơ không hàn thành đúng tiến độ. Đối với các tiểu dự án của giai đoạn trước còn tồn đọng, yêu cầu đến 30/4 phải hoàn thành dứt điểm”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh

“Tuy thời gian gấp rút, nhưng cũng cần lưu ý các địa phương trong kiểm tra chất lượng, mỹ quan của công trình, không vì thời gian ngắn mà thiếu kiểm soát”, Thứ trưởng NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

VnSAT có tác động lớn đến việc tạo liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo

Theo ông Lê Văn Hiến, cả chương trình tái canh cà phê cũng như các quy trình "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" đối với hợp phần lúa gạo đều được WB đánh giá rất cao, là một trong các dự án điển hình. Dự kiến sau khi kết thúc, giá trị gia tăng đối với cà phê sẽ đạt gần 20%, đối với lúa gạo là 25% so với trước khi triển khai dự án.

Ảnh tác giả

“Dự án VnSAT đã tác động rất lớn đối với việc thay đổi tập quán canh tác của khoảng 200 nghìn hộ nông dân trồng lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long và 150 nghìn hộ nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên. Đối với hợp phần lúa gạo, các tiểu dự án đầu tư hạ tầng đã góp phần lớn trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ có các hạng mục công trình giao thông, thuỷ lợi của dự án, đã cải thiện đáng kể đời sống của nhiều nông dân”.

Ông Lê Văn Hiến Giám đốc Dự án VnSAT

Đánh giá cụ thể về hiệu quả dự án tại tỉnh An Giang, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Dự án VnSAT An Giang cho biết, việc thực hiện tốt các mô hình liên kết với doanh nghiệp đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn Dự án VnSAT. Diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa HTX/tổ hợp tác và doanh nghiệp theo hợp đồng tăng lên theo từng vụ.

Đặc biệt, diện tích hợp đồng sản xuất cao nhất là vụ đông xuân 2019 - 2020 với 6.037 ha. Có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết ổn định như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Tấn Vương, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty TNHH Gentraco…

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT, giai đoạn 2021 - 2022, có tổng số 86 tiểu dự án đầu tư công tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (chia làm 87 gói thầu) với tổng vốn đầu tư trên 1.094 tỷ đồng. Hầu hết các gói thầu đã được trao hợp đồng và triển khai từ tháng 10 năm ngoái.

Đến nay, cơ bản các gói thầu thi công đạt từ 40% đến 50% khối lượng hợp đồng; một số tỉnh như Sóc Trăng, Tiền Giang tiến độ đạt từ 60% đến 70% khối lượng hợp đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp