Gen Y Việt Nam lạc quan về tương lai kinh tế đất nước nhất châu Á

bán lẻ Việt nAM
10:12 - 07/06/2023
Người trẻ Việt Nam ngày càng ưa chuộng hàng thương hiệu nội địa. Ảnh: TTXVN.
Người trẻ Việt Nam ngày càng ưa chuộng hàng thương hiệu nội địa. Ảnh: TTXVN.
0:00 / 0:00
0:00
Theo khảo sát của Công ty dự báo xu hướng tiêu dùng WGSN, Việt Nam là thị trường tăng trưởng trọng điểm của châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đối với các thương hiệu bán lẻ năm 2023, với 70% người trẻ gen Y (sinh năm 1981 - 1996) lạc quan về kinh tế đất nước.

Báo cáo có tiêu đề “Châu Á: Các thị trường cần theo dõi năm 2023", được WGSN công bố ngày 6/6 cho thấy, trong 5 thị trường trọng điểm ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có tiềm năng tăng trưởng cho các thương hiệu và nhà bán lẻ trong năm 2023, Việt Nam được coi là thị trường tăng trưởng trọng điểm của khu vực và lạc quan nhất.

Đáng chú ý, khoảng 70% người trẻ thế hệ Millennials (gen Y, sinh năm 1981 - 1996) ở Việt Nam tỏ ra lạc quan về tương lai kinh tế của đất nước. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia châu Á mà Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey và Company đã khảo sát.

Theo các chuyên gia của WGSN, Việt Nam sẽ sớm trở thành nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và là một trong những quốc gia có kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trong năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6,2%.

Việt Nam nổi lên như điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia vì ít xảy ra tình trạng gián đoạn sản xuất trong thời kỳ đại dịch. Số lượng công ty khởi nghiệp cũng đã tăng gấp đôi kể từ khi bắt đầu dịch Covid-19 đến giữa năm 2022.

Cùng với đó, những cải tiến về cơ sở hạ tầng logistics góp phần thúc đẩy ngành thương mại điện tử của Việt Nam ước đạt giá trị 49 tỷ USD vào năm 2025.

Bà Helen Sac, Giám đốc tư vấn khu vực châu Á Thái Bình Dương của WGSN nhận định, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các nhãn hiệu và sản phẩm nội địa với 76% số người thích hàng hóa mang thương hiệu nội địa và "Made in Vietnam" hơn các thương hiệu nước ngoài.

Dự báo hàng năm của WGSN cho thấy, mô hình chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng Việt Nam sẽ bao gồm 2 yếu tố đặc trưng là theo đuổi sự hài lòng ngay tức thì và nỗ lực tăng cường tiết kiệm.

Để giữ chân người mua sắm trong năm 2023, các thương hiệu và doanh nghiệp được khuyến nghị nên kết hợp các kênh trực tiếp và trực tuyến một cách liền mạch bằng cách đầu tư vào hiện diện trực tuyến, khám phá hình thức dịch vụ "click and collect" (đặt hàng trực tuyến và nhận tại cửa hàng), thanh toán tại cửa hàng cho các đơn hàng trực tuyến và nâng cấp đa dịch vụ.

Người tiêu dùng Việt Nam đang đón nhận sự tiện lợi và dễ dàng của thanh toán số. Các thương hiệu cần bắt đầu tích hợp thanh toán số và các phương thức thanh toán đa dạng trên các kênh để giảm thiểu những vấn đề phát sinh và tăng tỷ lệ chuyển đổi, vì xu hướng sử dụng tiền mặt sẽ giảm trong những năm tới.

Ngoài ra, việc tăng giá trị của một thương hiệu thông qua các chương trình thành viên hoặc quan hệ đối tác khách hàng thân thiết với các thương hiệu liên quan cũng sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp đáp ứng mô hình chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.