Giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, khôi phục thị trường lao động

CHÍNH SÁCH Việt nAM
16:59 - 18/10/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc chiều 16/10. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc chiều 16/10. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: cần có các giải pháp để bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống người lao động, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.

Đó là những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại "Hội nghị đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022" chiều 16/10.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Khắc phục tình trạng đứt gãy thị trường lao động

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải rốt ráo thực hiện các giải pháp để bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống người lao động, khắc phục đứt gãy thị trường lao động, tạo việc làm ổn định cho công nhân… trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu phải có các giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân như hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, bố trí quỹ đất, huy động các nguồn lực.

Về thực hiện chính sách trợ cấp cho người lao động, thời gian qua, đã có gần 16 nghìn tỷ đồng được hỗ trợ cho hơn 19 triệu người dân, người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP; Triển khai hỗ trợ khoảng 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 13 triệu lao động, gần 390 nghìn người sử dụng lao động theo Nghị quyết 116/NQ-CP… Công đoàn các cấp đã hỗ trợ đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng.

Về trọng tâm công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa mau chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng cũng nêu rõ, phải kiểm soát được dịch bệnh thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ngược lại, có khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực chống dịch và bảo đảm các nhu cầu khác của đất nước.

“Không ai an toàn nếu người khác còn mắc bệnh, không địa phương, cơ quan, đơn vị nào an toàn nếu cơ quan, địa phương, đơn vị khác còn phải chống dịch”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, Thủ tướng nêu nhiều giải pháp cụ thể như bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao lợi ích (cả vật chất và tinh thần) chính đáng và hợp pháp của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động và công nhân, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định…

Cần có các biện pháp căn cơ trong vấn đề nhà ở cho công nhân

Cần có các biện pháp căn cơ trong vấn đề nhà ở cho công nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cần có các biện pháp căn cơ trong vấn đề nhà ở cho công nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bố trí, quy hoạch quỹ đất; có cơ chế phù hợp với cơ chế thị trường để huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để công đoàn, địa phương và các doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn cho công tác này cũng như bố trí thêm kinh phí đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân.

Liên quan tới đời sống công nhân, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang rất quyết liệt, tích cực triển khai chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, phấn đấu trong quý IV bao phủ vaccine cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, khẩn trương chỉ đạo thực hiện lộ trình để học sinh trở lại trường học tại những nơi an toàn.

Khẩn trương khôi phục thị trường lao động

Vấn đề khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ công nhân, khôi phục lại thị trường lao động để từng bước ổn định sản xuất đang là một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất của các cơ quan Chính phủ.

Ngay trước hội nghị của Chính phủ với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, chiều 15/10 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng họp giao ban trực tuyến với các địa phương đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/QĐ-TTg và triển khai Nghị Quyết 126/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

“Chính phủ luôn nhận định: An sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị. Ảnh: molisa.gov.vn
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị. Ảnh: molisa.gov.vn

Bộ trưởng cho biết, Bộ LĐTB&XH đang khẩn trương xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động, là một bộ phận cấu thành chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Bộ trưởng nhận định, từ 01/7 đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội và các địa phương đã triển khai rất khẩn trương, rất quyết liệt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, tính đến ngày 14/10:

Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 trên toàn quốc là gần 21,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng. Tại 23 tỉnh, thành phố phía Nam, tổng các chính sách hỗ trợ 17,75 nghìn tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc) hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc). Riêng Tp.HCM đã chi 10,13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 9,41 triệu lượt đối tượng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (1.965 tỷ đồng), Hà Nội (1.641,7 tỷ đồng), Đồng Nai (1.143,8 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (986 tỷ đồng).

Kết quả triển khai nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg: Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỷ đồng cho 425.117 người lao động. Thực hiện hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.300 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.594,6 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.