Gói kích thích kinh tế khổng lồ: huy động tiền từ đâu, liệu có rủi ro lạm phát?

CHÍNH SÁCH Việt nAM
12:44 - 08/11/2021
Cần thiết tung ra một gói hỗ trợ khổng lồ cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu yếu.
Cần thiết tung ra một gói hỗ trợ khổng lồ cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu yếu.
0:00 / 0:00
0:00
“Rất cần thiết đưa ra gói kích thích kinh tế mới với quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ đủ rộng và thời gian đủ dài”, TS. Võ Trí Thành nhận định.

Cần thiết có gói kích thích quy mô đủ lớn, diện bao phủ đủ rộng, thời gian đủ dài

Trong thời gian qua, giới chuyên gia đã chỉ ra tính cấp thiết của việc tung ra một gói hỗ trợ khổng lồ cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu yếu.

Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021 chủ đề "Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững", chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) đã chỉ ra tính bức thiết phải tung ra gói kích thích kinh tế quy mô lớn hơn trong bối cảnh tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2020-2021 dự kiến thấp nhất trong vòng 35 năm đổi mới.

TS.Võ Trí Thành dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 2,0-2,5%

TS.Võ Trí Thành dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 2,0-2,5%

“Chính phủ đã cố gắng tung ra các gói hỗ trợ lớn, chủ yếu là hỗ trợ tiền tệ, hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ an sinh xã hội. Các chính sách này vẫn đang tiếp tục kéo dài trong năm nay, thậm chí sang năm sau. Tuy nhiên đánh giá chung là quy mô hỗ trợ quá nhỏ, quy mô thực hiện còn nhỏ hơn, chủ yếu dựa vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chưa phát huy được nhiều tác động, giá trị hỗ trợ thực từ chính sách tài khóa là rất thấp. Sang năm 2021, đánh giá tình hình thực thi, các gói hỗ trợ có cải thiện nhưng chế tài thực thi còn yếu, tỷ lệ thụ hưởng với người lao động và doanh nghiệp còn cách rất xa kỳ vọng. Đặc biệt, trong quá trình tập trung chống dịch và hỗ trợ kinh tế, tiến độ cải cách của Việt Nam bị chững lại đáng kể” - ông Thành nói.

Ảnh tác giả

“Rất cần thiết đưa ra gói kích thích kinh tế mới với quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ đủ rộng (tất nhiên ưu tiên cả diện và điểm - tức tập trung vào một số lĩnh vực có mức độ thiệt hại, độ đóng góp, lan tỏa với nền kinh tế lớn) và thời gian đủ dài”, TS. Võ Trí Thành.

Xây dựng gói kích thích mới: tiền lấy từ đâu, đi vào đâu?

Về nguồn huy động tiền cho gói kích thích kinh tế, trao đổi với MEKONG ASEAN, ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, cho rằng có thể lấy từ các nguồn như Quỹ dự trữ ngoại hối, phát hành trái phiếu Chính phủ, vay trong nước, vay nước ngoài từ các định chế tài chính quốc tế, thậm chí vay Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp cần thiết.

Ảnh tác giả

“Phải biến trái phiếu Chính phủ thành một công cụ điều phối chính sách tiền tệ. Như các ngân hàng Trung ương quốc tế, họ bơm tiền ra khi mua trái phiếu Chính phủ và rút tiền về khi bán trái phiếu Chính phủ. Chỉ khi đó, nghiệp vụ thị trường mở của ngân hàng Trung ương mới phát huy sức nặng tối đa trong điều tiết thị trường tiền tệ", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Chuyên gia Võ Trí Thành đề xuất một số nguồn tương tự như dự trữ ngoại hối, nguồn vay. “Có thể vay mượn các tổ chức quốc tế vì điều kiện vay hiện tại tương đối thuận lợi, chưa kể có thể vay chính Ngân hàng Nhà nước trong chính sách tiền tệ bất thường. Nhiều quốc gia như Mỹ, ngân hàng Trung ương mua tài sản liên tục”. Ngoài ra, có một số nguồn khác mà ông Thành đề cập tới như dùng tăng chi, bội chi ngân sách, nguồn tiết kiệm (chi thường xuyên trong chi ngân sách), nguồn lực thông qua cải cách thủ tục, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp...

Về phương thức thực hiện gói kích thích mới, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, có thể xem xét các phương pháp như cấp bù lãi suất, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay doanh nghiệp lớn, các gói tài trợ trực tiếp để duy trì lực lượng lao động... Nhìn chung, gói kích thích nên tập trung vào 4 trọng tâm hỗ trợ bao gồm: mở cửa kinh tế gắn với phòng chống dịch COVID-19, an sinh xã hội và việc làm cho người lao động, phục hồi doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành đề xuất xây dựng gói kích thích dựa nhiều hơn vào chính sách tài khóa, thông qua các phương thức như cấp bù lãi suất lớn hay giảm thuế VAT trên diện đủ rộng để kích cầu trực tiếp. “Vấn đề tiền vẫn khó, nhưng không phải khó nhất. Khó nhất là tiền vào đâu để đúng đích, đúng thời điểm, hiệu quả trong thực thi” - ông Thành nói.

Ảnh tác giả

“Gói kích thích không chỉ cần hoành tráng hơn mà còn cần quyết liệt hơn, đi sâu vào 3 nhiệm vụ lớn: một là giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó sau đại dịch, hai là thúc đẩy phục hồi và bắt nhịp với kinh tế thế giới, ba là góp phần đặt nền móng tốt về thể chế, hạ tầng, lao động… để đẩy nhanh tốc độ phát triển và chất lượng phát triển trong dài hạn” - TS. Võ Trí Thành

Rủi ro lạm phát ra sao giả sử có gói kích thích 800 nghìn tỷ?

Tính chung 10 tháng đầu năm, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Trong khi đó, lạm phát cơ bản - không tính đến các mặt hàng dễ biến động giá như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu… - chỉ tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 10/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay trong cả năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ vào khoảng 2%, đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, áp lực lạm phát với nền kinh tế được dự báo sẽ lớn hơn nhiều khi nền kinh tế trong nước nói riêng và toàn cầu nói chung phục hồi mạnh mẽ.

Từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định với tờ MEKONG ASEAN rằng áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là không lớn, với CPI tháng 11 và 12 có khả năng đạt khoảng 1,8-1,9%. “Lạm phát có khả năng tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, tức thời điểm đầu năm 2022 trong bối cảnh việc tăng giá lương thực thực phẩm ngày một gay gắt.

Dịch tả lợn châu Phi và hiện tượng giá thịt lợn giảm mạnh suốt thời gian qua trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt có thể khiến hoạt động sản xuất và chăn nuôi trong dân chững lại, gây tác động đến nguồn cung ở thời điểm Tết Nguyên đán, khi nhu cầu thịt lợn tăng cao. Ngoài ra, một loạt thực phẩm nói riêng và hàng hóa dịch vụ cũng được dự báo sẽ tăng giá từ năm sau, khi cầu trong nền kinh tế phục hồi”.

Ông Nghĩa dự báo lạm phát trong năm 2022 có thể đạt 2,4-2,5% khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, nhưng mức tăng này không đáng quan ngại do một số yếu tố xoa dịu lạm phát như nguồn cung nguyên nhiên vật liệu tăng lên khi chuỗi cung ứng được bình thường hóa, chi phí logistics giảm xuống, lao động quay trở lại làm việc thúc đẩy năng suất sản xuất tăng lên…

“Tuy nhiên, trong dài hạn, cá nhân tôi dự báo lạm phát không giảm nhanh mà vẫn có xu hướng tăng kéo dài do độ trễ của tác động từ các gói kích thích kinh tế trong nước nói riêng và trên toàn cầu nói chung”, ông Nghĩa nói.

“Đối với các nước đang phát triển, không thể chờ 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm mới tính là suy thoái. Tăng trưởng GDP của Việt Nam hai năm 2020-2021 đều ở mức khoảng 2-3%, theo tôi đây đã là 2 năm suy thoái của nền kinh tế”

TS.Võ Trí Thành

Trong giả định Chính phủ tung ra một gói kích thích kinh tế khổng lồ khoảng 800.000 tỷ USD, tương đương 8-10% GDP quốc gia, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng một gói kích thích lớn như vậy sẽ mang đến hiệu ứng vĩ mô tích cực vượt quá các hiệu ứng tiêu cực với lạm phát hay nợ xấu. “Một phần gói kích thích khổng lồ sẽ rót thẳng vào an sinh xã hội, qua đó tăng cường năng lực y tế, tạo công ăn việc làm. Phần khác đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phục hồi nhanh chóng chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa dịch vụ, qua đó tạo cơ sở vững cho đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế”.

“Nếu quy mô gói kích thích rơi vào khoảng 200 nghìn tỷ, tức chỉ xấp xỉ hơn 2% GDP thì quá nhỏ để tạo ra nguy cơ lạm phát hay nợ xấu. Nhìn vào các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, quy mô gói kích thích của họ lớn hơn nhiều. Chẳng hạn gói kích thích của Thái Lan lên tới gần 16% GDP, Malaysia khoảng 9% GDP, Nhật Bản thậm chí gần 45% GDP” - ông Nghĩa nói.

Ảnh tác giả

"Trong trường hợp gói kích thích có quy mô lớn hơn nữa, mà nếu lên tới 800 nghìn tỷ, thì áp lực lạm phát là có nhưng tạm thời không quá đáng lo ngại do lạm phát thường có độ trễ khoảng 1-2 năm và có nhiều công cụ để xử lý vấn đề lạm phát. Quan trọng là cách thực hiện gói hỗ trợ đó như thế nào", chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa.

Chuyên gia Võ Trí Thành thì nhấn mạnh cần chấp nhận các rủi ro từ gói kích thích kinh tế quy mô lớn như rủi ro thâm hụt cao, trần nợ công cao (vẫn dưới 55% GDP), lạm phát cao hay các rủi ro tài chính như dòng tiền chảy vào đầu cơ… để ưu tiên cho mục tiêu tổng thể là trong trung hạn vẫn giữ được các cân đối lớn và ổn định vĩ mô của nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.