Giả sử gói hỗ trợ kinh tế với độ lan tỏa 800 nghìn tỷ đồng, thực chi có thể chỉ 400-500 nghìn tỷ

KINH TẾ Việt nAM
13:55 - 06/11/2021
Giả sử gói hỗ trợ kinh tế với độ lan tỏa 800 nghìn tỷ đồng, thực chi có thể chỉ 400-500 nghìn tỷ
0:00 / 0:00
0:00
“Chẳng hạn bây giờ đề xuất gói hỗ trợ dự toán 800 nghìn tỷ, đấy là tôi nói ví dụ, thì phải tính toán thận trọng các con số thực chi", TS.Cấn Văn Lực cho hay.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế Việt Nam?

Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua đã gây tác động chưa từng có đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, làn sóng dịch thứ tư gần đây liên quan đến biến chủng Delta Covid dễ lây lan đã buộc Chính phủ triển khai các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt tại nhiều địa phương, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa và dịch vụ trong nước khi các đầu tàu kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tính đến hết tháng 10/2021, theo Tổng cục Thống kê, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ USD. Trên 90% doanh nghiệp khai báo bị ảnh hưởng, hơn 97 nghìn doanh nghiệp rời thị trường trong 10 tháng đầu năm, cho thấy dịch bệnh đã ảnh hưởng khá sâu đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế và sức chống chịu của doanh nghiệp là rất mỏng.

Cũng theo dữ liệu do Tổng cục Thống kê công bố, mức tăng trưởng -6,17% trong quý, thấp nhất từ trước đến nay. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng -9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng -5,02%, riêng khu vực nông lâm thủy sản là điểm sáng với mức tăng nhẹ 1,04%. Kết thúc 9 tháng đầu năm, GDP cả nước chỉ tăng 1,42%.

Một số tổ chức nghiên cứu gần đây cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm nay. Tháng trước, Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố báo cáo Giám sát vĩ mô Việt Nam, trong đó điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam xuống 2,0-2,5%. Ngân hàng Standard Chartered cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm nay từ 4,7% xuống 2,7%. Riêng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lạc quan hơn khi dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 đạt 3,8%.

Về phía trong nước, mới đây, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021 chủ đề "Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững" cũng dự báo trong kịch bản khả dĩ nhất, tăng trưởng GDP cả năm 2021 có thể đạt 1,52%. Kịch bản dựa trên giả định kinh tế thế giới hồi phục tốt, tình hình kiểm soát đại dịch tiếp tục được cải thiện, không phát sinh các ổ dịch lớn trong nước và các giải pháp hỗ trợ được triển khai tốt.

Qua nghiên cứu và lượng hóa các tác động của đại dịch đến nền kinh tế, TS. Trần Toàn Thắng chỉ ra rằng đường tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đã giảm tương đối sâu so với dự báo trước dịch.

Ảnh tác giả

“Việc sử dụng số liệu tăng trưởng quý để tính toán tiềm năng tăng trưởng có thể chưa hoàn toàn phù hợp, nhưng nhìn chung phản ánh ảnh hưởng của dịch bệnh làm giảm tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn”

TS.Trần Toàn Thắng

Ảnh hưởng của đại dịch với nền kinh tế thể hiện cụ thể nhất ở hai lĩnh vực: vốn và lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dưới tiềm năng tăng, cấu trúc lao động thay đổi do dịch chuyển giữa các ngành, đầu tư công không thể giải ngân đúng tiến độ, đầu tư tư nhân và FDI đều tăng chậm. Đường tiềm năng tăng trưởng có xu hướng đi xuống từ mức trung bình 7,3% xuống còn 2,5%.

(Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

(Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

Đường tiềm năng tăng trưởng có xu hướng đi xuống từ mức trung bình 7,3% (đường Potential gr GDP) xuống còn 2,5% (đường Potential after Covid-19) (Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

Đường tiềm năng tăng trưởng có xu hướng đi xuống từ mức trung bình 7,3% (đường Potential gr GDP) xuống còn 2,5% (đường Potential after Covid-19) (Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

Đó là chưa kể nhiều rủi ro khác có nguy cơ kéo dài và tác động dai dẳng đến đà phục hồi kinh tế trong những năm tiếp theo như nợ xấu, lạm phát.

(Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

(Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

Giả sử gói hỗ trợ với độ lan tỏa 800 nghìn tỷ đồng, thực chi có thể chỉ 400-500 nghìn tỷ đồng

Cũng tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021, TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia nhận định việc xây dựng chương trình phục hồi mang tính tổng thể và sát thực tiễn là rất cần thiết trong bối cảnh thu nhập lao động giảm mạnh, tiêu dùng suy yếu, bình quân cứ 1 doanh nghiệp thành lập thì có 1 doanh nghiệp rời thị trường.

Các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từ năm 2020 đến nay (Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

Các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từ năm 2020 đến nay (Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

Về quy mô chương trình phục hồi kinh tế, ông Lực cho rằng cần tính toán thận trọng dự kiến và thực chi ngân sách: "Chẳng hạn bây giờ đề xuất gói hỗ trợ dự toán 800 nghìn tỷ, đấy là tôi nói ví dụ, thì phải tính toán thận trọng các con số thực chi. Một là do nhiều bộ ngành đến nay chưa đưa ra số liệu đầu vào, hai là do nhiều cấu phần trong đó chưa thể tính là tiền từ ngân sách"

"Hay nói ví dụ như đề xuất vài trăm nghìn tỷ đầu tư công, thì cần phân biệt nó đang nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn đã được Quốc hội phê duyệt (2,87 triệu tỷ đồng) hay là bổ sung. Nếu là bổ sung thì chưa thể tính, vì chắc gì đã giải ngân hết kế hoạch mà tính đến bổ sung. Giải ngân đầu tư công cuối nhiệm kỳ trước rất tốt nhưng cả nhiệm kỳ chỉ giải ngân được 75% kế hoạch. Trong khi đó, trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng vừa yêu cầu giải ngân 95% vốn đầu tư công được Quốc hội phê duyệt (2,87 triệu tỷ), tức bình quân 574 nghìn tỷ mỗi năm. Giải ngân liệu có hết không mà bổ sung?”, ông Lực nói.

“Hay như câu chuyện hỗ trợ lãi suất, chẳng hạn dự định hỗ trợ vài trăm nghìn tỷ dư nợ tín dụng nhưng thực tế, Chính phủ chỉ cần bỏ ra chưa đến 10 nghìn tỷ để hỗ trợ lãi suất chứ không phải toàn bộ phần dư nợ tín dụng kia”, ông Lực cho biết.

Ảnh tác giả

“Cần bóc tách phần lan tỏa để tính toán chi tiết số liệu thực chi là bao nhiêu. Ví dụ có một gói hỗ trợ với độ lan tỏa 800 nghìn tỷ đồng thì thực chi có thể chỉ 400-500 nghìn tỷ mà thôi. Tính toán sát như vậy để công khai, minh bạch và có kế hoạch huy động vốn”.

TS.Cấn Văn Lực

Về vấn đề nguồn lực ở đâu để huy động vốn, TS.Lực cho biết: “Cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam hiện như sau: trong tổng tài sản hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng đóng góp 61%, vốn hóa thị trường cổ phiếu 25%, vốn hóa thị trường trái phiếu 13%, doanh thu phí bảo hiểm 1%. Về cấu trúc vốn đóng góp cho đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua: kênh tín dụng 50%, chứng khoán 15%, đầu tư công 15% và đầu tư nước ngoài 22%. Cần nhìn vào các con số này để thấy rằng huy động nguồn lực từ nguồn nào thì khả thi và hợp lý”.

Việc đẩy nhanh thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước được nhận định có thể là nguồn thu lớn bổ sung vào nguồn lực phục hồi kinh tế, bởi nếu làm tốt, hàng năm Chính phủ có thể thu về khoảng 40 nghìn tỷ từ nguồn này. Ngoài ra, nguồn lực từ khối tư nhân, các quỹ ngoại ngân sách, nguồn lực trái phiếu chính phủ hay vay nước ngoài...cũng cần được xem xét.

Về chiến lược thực thi chương trình phục hồi, theo ông Lực, việc hoạch định chiến lược phải mang tính tổng thể, phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, phải gắn với đề án cơ cấu lại và cải cách nền kinh tế và đặc biệt phải gắn mật thiết với chiến lược phòng chống dịch.

Đồng thời, chương trình phục hồi cũng phải xác định rõ tính mục tiêu và đối tượng để hỗ trợ. Các gói hỗ trợ hiện chủ yếu hướng đến hai đối tượng: người dân và doanh nghiệp mà thiếu đi một khoảng trống rất lớn, chẳng hạn các đơn vị sự nghiệp, bản thân các đơn vị này cũng đang rất khó khăn. Về tính mục tiêu, cần làm rõ những lĩnh vực ưu tiên đầu tư và phát triển như y tế, giáo dục, kinh tế xanh...

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa - tiền tệ, đặc biệt các chính sách kích cầu và phát triển kinh tế số, phục hồi xanh. Việc thiết kế chính sách phải khả thi, hiệu quả, phải tính đến các tác động với cán cân lớn của nền kinh tế: hiệu quả tạo công ăn việc làm ra sao, hiệu quả phục hồi kinh tế ra sao, ảnh hưởng đến ngân sách, nợ công và nghĩa vụ trả nợ như thế nào...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.