'Hạn mức tín dụng: Nên bỏ nhưng không phải bây giờ!'

TÍN DỤNG Việt nAM
19:02 - 17/09/2022
'Hạn mức tín dụng: Nên bỏ nhưng không phải bây giờ!'
0:00 / 0:00
0:00
"Đến cuối tháng 8/2022, tôi vẫn phản đối room vì đấy không phải là một công cụ thị trường, đấy là một công cụ hành chính, mang ý nghĩa xin-cho, can thiệp trực tiếp vào một chỉ tiêu quan trọng - tổng tín dụng của nền kinh tế."

Phát biểu trên của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh tại tọa đàm mới đây đã khiến cả hội trường nóng lên khi vốn dĩ lâu nay, trần tín dụng: giữ hay bỏ vẫn là câu chuyện tốn nhiều giấy mực.

Nhớ lại kỳ họp tháng 6 vừa qua, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng đau đáu về room tín dụng khi chất vấn tư lệnh ngành ngân hàng tại nghị trường Quốc hội: Đề nghị cho biết tính hợp lý nào của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các ngân hàng thương mại hiện nay? Cơ chế này có phải can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không?

Điều hành phiên thảo luận đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận đây là câu hỏi rất hay và ông nêu vấn đề: việc cấp tín dụng bằng room và hạn mức rồi phân bổ hằng năm như vậy có mang tính hành chính hay không? Đảm bảo được công khai minh bạch như thế nào? Lộ trình bao giờ bỏ được việc này? Quản lý theo rủi ro và theo năng lực của tổ chức tín dụng. Nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng, Chủ tịch Vương Đình Huệ đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ để trả lời thỏa đáng nội dung này.

Đại biểu Trịnh Xuân An trong phát biểu khi đó cho rằng, cơ chế room có dáng dấp của quản lý theo kiểu bao cấp và không phù hợp trong bối cảnh này. "Tôi không biết trên thế giới còn đất nước nào làm cách thức như chúng ta trong việc cấp tín dụng, tức là cấp quota như Việt Nam đang làm hay không?"

Room tín dụng: liệu có chỉ là biện pháp tình thế?

Room tín dụng là cách nói ngắn gọn của chỉ tiêu NHNN áp cho từng ngân hàng thương mại để giới hạn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng so với năm liền kề trước đó.

Room tín dụng được đưa ra lần đầu tiên trong NQ11 năm 2011 nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khi đó, dưới sự hồ hởi sau giai đoạn gia nhập WTO, chính sách tiền tệ và tài khóa được mở rộng quá mức, sự ổn định kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng, lạm phát tăng cao. Trong giai đoạn 2007-2011, tín dụng tăng trưởng bình quân trên 33%/năm, với kỷ lục tới 53% năm 2007.

Thời điểm ấy, công cụ này được giải thích là "biện pháp tình thế". Đến nay, sau hơn một thập kỷ duy trì, Việt Nam đã liên tục kiểm soát tốt lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Covid-19 hoành hành suốt 2 năm 2021-2022 , tăng trưởng kinh tế chỉ trên 2%, sản xuất kinh doanh gần như ngưng trệ nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng trên 12% và lạm phát không xảy ra.

Bỏ trần tín dụng là câu chuyện của 1-2 năm nữa

Trở lại với nhận định của TS. Vũ Đình Ánh, lý giải cho nhận định của mình, ông cho rằng, về bản chất đây là một công cụ hành chính.

"Việc quản lý bằng room tín dụng không xấu nhưng đáng ra các ngân hàng thương mại phải hành xử theo tín hiệu thị trường thì lại phải nhìn vào tín hiệu của cơ quan quản lý", ông Ánh nhận định.

Để thay thế room, theo ông Ánh, có thể dùng các công cụ quản lý thị trường như lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay các nghiệp vụ thị trường mở (qua mua bán trái phiếu, tín phiếu…) Đây là các công cụ phổ biến được Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước phát triển sử dụng.

Tuy nhiên, đó chưa phải là câu chuyện của thời điểm này, theo ông Ánh, hạn mức tín dụng đang làm rất tốt nhiệm vụ của nó. Tại sao có ngân hàng như Sacombank, Agribank được nới room 4%, tại sao có ngân hàng như Vietcombank, HDBank, SHB, MBBank,... được nới room trên 3% và có những ngân hàng chỉ được nới room 0,7%?

Rõ ràng, đây là công cụ trực tiếp để can thiệp vào câu chuyện cơ cấu lại hệ thống. Ngân hàng nào làm tốt, ngân hàng nào an toàn: cho room; ngân hàng nào có vấn đề: hạn chế, thậm chí kiểm soát đặc biệt.

Theo lời vị chuyên gia này, room tín dụng cũng đang được sử dụng như là 'phần thưởng' cho những ngân hàng tích cực, trực tiếp tham gia vào việc tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng, gián tiếp tham gia vào việc tái cơ cấu hệ thống.

'Hạn mức tín dụng: Nên bỏ nhưng không phải bây giờ!' ảnh 1

Tôi là người rất yêu thị trường, với hạn mức tín dụng, tôi cho rằng sẽ bỏ, nhưng không phải bây giờ, ít nhất 1 năm nữa, 2 năm nữa, thậm chí 5 năm nữa. Khi chúng ta khôi phục lại thị trường tín dụng lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng và loại bỏ được nhân tố gây lại thị trường. Chỉ khi đó mới có thể quay lại sử dụng công cụ thị trường.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh.

Công cụ thị trường phải được sử dụng trong một thị trường phát triển và lành mạnh, ông Ánh nhấn mạnh.

Quan điểm hoàn toàn trùng khớp với TS. Cấn Văn Lực khi vị chuyên gia này cũng nhìn nhận, vẫn phải duy trì hạn mức tín dụng, hết năm nay và hết năm tới, bởi lẽ nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp đã rất khác trước.

Theo ông Lực, về lâu dài Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách theo hướng thị trường hơn. Tuy nhiên, việc tiến tới xoá bỏ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cần có lộ trình thích hợp.

Đặc biệt, phải cân nhắc trong điều kiện tín dụng không tăng trưởng nóng, quỹ đạo ổn định ở mức khoảng 10 -12%/năm. Khi thị trường vốn của Việt Nam như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán sẽ lành mạnh hoá, trở thành kênh dẫn vốn trung - dài hạn chủ đạo, giúp giảm áp lực vốn, thì tăng trưởng tín dụng cũng sẽ bớt áp lực.

Quan điểm trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước

Tại phiên chất vấn Quốc hội hồi tháng 6/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng kiên định, tín dụng cũng là một nội dung rất trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước quan tâm trong điều hành.

Thực tế, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện nay, dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đây là tỷ lệ gần như cao nhất trên thế giới.

"Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng hệ thống ngân hàng thì mỗi khi có các cú sốc như Covid-19 hay biến động của tình hình kinh tế thế giới, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn sẽ lập tức ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng mà mất khả năng chi trả… sẽ hệ lụy đến cả nền kinh tế", Thống đốc cho biết.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thực tế áp dụng biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay cho thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả trong điều hành thị trường tiền tệ.

ACBS ước tính: Dư địa tín dụng chưa phân bổ năm nay còn hơn 200.000 tỷ đồng

Nhìn vào diễn biến thực tế, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo hạn mức tín dụng điều chỉnh cho các ngân hàng thương mại đã có đề xuất xin nới room, từ mức 0,7% đến 4% tùy từng ngân hàng.

Các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính, trong đợt nới room này, Ngân hàng Nhà nước đã tăng hạn mức tín dụng toàn ngành với mức ước tính khoảng 2%, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng.

Như vậy, theo ACBS trong mục tiêu tăng trưởng 14%, vẫn còn khoảng 200.000 tỷ đồng tín dụng vẫn chưa được phân bổ cho các ngân hàng thương mại. Do đó, có thể sẽ cần một đợt điều chỉnh hạn mức khác trước khi kết thúc năm.

Các chuyên gia phân tích cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng đã phần nào giúp tháo gỡ khó khăn đang tồn tại, phần nào thúc đẩy nền kinh tế duy trì xu hướng đi lên nhưng không gây thêm áp lực lạm phát.

Nguồn vốn tín dụng sẽ tăng không đều vào tất cả các ngành mà sẽ hướng vào các ngành sản xuất. Trong đó, một số ngành như xuất nhập khẩu, các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ sẽ có lợi về khả năng tiếp cận vốn bổ sung.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang đẩy nhanh hoạt động sản xuất, tích cực phục hồi, kỳ vọng khoản tín dụng hơn 200.000 tỷ đồng còn lại sẽ là cú hích giúp doanh nghiệp về đích, kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect ước tính rằng khoảng 279.000 tỷ đồng vốn tín dụng đã được phân bổ và sẽ được bổ sung cho nền kinh tế trong 4 tháng tới, tương đương với tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2,7%.

VNDirect cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang có thêm dư địa để trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành. Tổ chức này cho rằng khả năng Ngân hàng Nhà nước nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là không cao.

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.