Hiệp định RCEP đang mở cánh cửa hội nhập mới cho doanh nghiệp Việt Nam

RCEP Việt nAM
14:59 - 14/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm thông tin sâu về những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam sau khi Hiệp định RCEP được ký kết, ngày 13/7, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Hiệp định RCEP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam đa dạng và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Hiệp định RCEP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam đa dạng và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Hiệp định RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam có thể đa dạng và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các thành viên Hiệp định RCEP đã cam kết thống nhất cách xác định xuất xứ nguyên liệu cho các sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan. Theo đó, các nước sẽ chấp nhận các sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ trong khối RCEP và chỉ cần sản phẩm có một công đoạn được làm ở Việt Nam thì sẽ được áp dụng ưu đãi thuế quan.

Đây là lợi thế lớn nhất mà Hiệp định này mở ra cho Việt Nam, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nông sản, thủy sản chế biến, ngành sản xuất điện tử… bởi những ngành này thường cần nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ các nước khác trong khu vực.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) được ký kết giữa 10 nước ASEAN và 5 quốc gia đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, kết nối 4 hiệp định mà khối ASEAN đã ký với các nước đối tác, nhằm mở cửa hơn nữa thị trường và đơn giản hóa thủ tục thuế quan, xuất khẩu.

Đây được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi chiếm khoảng 30% dân số và GDP thế giới. Với sự kết nối thương mại giữa 15 nước, hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi thành viên hiệp định là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, chiếm gần 40% kim ngạch xuất khẩu và 70% nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu của Việt Nam.

Ví dụ như với Nhật Bản, trước đây, để đưa được hàng dệt may vào thị trường này, cần có nguồn nguyên liệu từ các nước khối ASEAN và phải có 3 bước sản xuất tại Việt Nam thì sản phẩm mới có thuế hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, với Hiệp định RCEP, sản phẩm dệt may đã có thể hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu vào Nhật Bản chỉ với 1 công đoạn sản xuất ở Việt Nam và có thể nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ các nước trong khối RCEP, trong đó có Trung Quốc là nguồn cung vải sợi lớn cho ngành dệt may Việt Nam.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định RCEP tạo thuận lợi rất lớn cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, khi áp dụng thuế ưu đãi không đồng nhất với các thị trường.

Các nước đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand sẽ dành nhiều ưu đãi thuế quan cho khối ASEAN hơn các nước còn lại. Nhờ vậy, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ có cơ hội thâm nhập sâu hơn và các thị trường trên.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.

Hiệp định cũng giúp các doanh nghiệp và ngành nghề trong nước có thể tiếp cận với các công nghệ, máy móc, kỹ thuật mới, hiện đại của các nước thành viên, giúp nâng cao khả năng sản xuất, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thế giới.

Đồng thời, trong trung và dài hạn, hiệp định sẽ tạo nên một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, với các nước ASEAN là trung tâm và tạo nên một thị trường tiêu thụ rộng lớn với tổng dân số trên 2,2 tỷ người, chiếm tới 30% GDP thế giới.

Ngoài ra, trước tình hình thế giới biến động do dịch bệnh và xung đột chính trị gây ra nhiều khó khăn không dự đoán trước được thì việc tạo nên một khu vực mậu dịch tự do lớn sẽ giúp các nước thành viên dễ dàng giúp lẫn đỡ nhau và có thể đứng vững trước những tác động xấu.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nước thành viên có sản phẩm tương đồng với năng lực cạnh tranh khá cao, cũng bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước cả về cơ hội xuất khẩu tới các nước đối tác, cũng như khả năng thâm nhập vào thị trường nội địa Việt Nam. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng phải nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đẩy mạnh quảng bá để gia tăng sức cạnh tranh xuất khẩu và bảo đảm thị phần hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Quỳnh Nga, hiện nay, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu cho sản xuất, vì vậy cần kiểm soát hợp lý, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành sản xuất trong nước.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội ngành hàng liên quan để phổ biến, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương, ngành hàng để hiểu và xuất khẩu theo các ưu đãi của Hiệp định RCEP, nhằm tận dụng tốt nhất những ưu đãi của Hiệp định, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Cũng trong dịp này, Bộ Công Thương phối hợp với đại diện Chính phủ Anh tổ chức Lễ bàn giao Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR). Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự án VNTR được Chính phủ Anh hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thực hiện từ năm 2020 theo Ý định thư ký kết giữa đại diện Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Anh. Việc này nhằm thực hiện cam kết của các nước thành viên ASEAN về tăng cường minh bạch hóa chính sách, tạo thuận lợi hóa thương mại trong khu vực.

Lễ bàn giao Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR)

Lễ bàn giao Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR)

Sau 2 năm phát triển và 3 tháng chạy thử nghiệm với kết quả hoạt động tốt, ngày 13/7, Đại sứ Anh tại Việt Nam thay mặt Chính phủ Anh ký biên bản bàn giao Cổng thông tin VNTR cho Bộ Công Thương Việt Nam để chính thức đưa vào hoạt động dưới sự quản lý của Chính phủ Việt Nam.

Đây là cổng thông tin trực tuyến, miễn phí, cung cấp các thông tin cập nhật bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh về 9 nội dung chính như biểu cam kết thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia trong khuôn khổ ASEAN; thuế suất tối huệ quốc (MFN), thuế suất ưu đãi trong các FTA này; quy tắc xuất xứ; các biện pháp phi thuế (được tích hợp từ dữ liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển - UNCTAD).

Ngoài ra còn có các văn bản pháp quy về thương mại; quy định và thủ tục thông quan; thông tin về các phán quyết hành chính thuộc lĩnh vực thương mại liên quan đến hợp tác kinh tế ASEAN; thông lệ tốt nhất về thuận lợi hóa thương mại do các quốc gia thành viên ASEAN áp dụng; danh sách các doanh nghiệp ưu tiên khi làm thủ tục về thuế, xuất nhập khẩu, thông quan của thành viên Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các FTA giữa ASEAN và nước đối tác.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, cổng thông tin này sẽ được kết nối với Cổng thông tin thương mại chung của ASEAN và các Cổng thông tin thương mại của 9 nước thành viên khác. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và nước thành viên có thể nhanh chóng tiếp cận, khai thác thông tin về cam kết và chính sách thương mại của Việt Nam một cách chính thống, tin cậy. Giúp giảm chi phí và thời gian tìm kiếm thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời nhằm thực hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về minh bạch hóa các cam kết, chính sách thương mại.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5%. Tính chung 6 tháng, Việt Nam xuất siêu hơn 700 triệu USD.

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những thành tích này đều sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp