HoREA: Doanh nghiệp bỏ cọc sẽ phải nộp phạt 10% giá trúng đấu giá

bđs THỦ THIÊM
19:05 - 07/03/2022
Nhiều người đã lợi dụng việc giá đất trong các vụ đấu giá ở Thủ Thiêm để tăng giá đất, thổi giá nhà.
Nhiều người đã lợi dụng việc giá đất trong các vụ đấu giá ở Thủ Thiêm để tăng giá đất, thổi giá nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là kiến nghị của Hiệp Hội bất động sản TP HCM (HoREA) trong báo cáo gửi Thủ tướng sau vụ “lùm xùm” đấu giá tại Thủ Thiêm hướng đến một môi trường bất động sản lành mạnh.

Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm tháng 12/2021 dù đã trôi qua được ba tháng nhưng cho đến nay tác động của vụ đấu giá đến thị trường bất động sản vẫn còn hiện hữu, cho thấy những lỗ hổng trong quy định pháp luật về đấu giá tài sản.

Theo thông cáo của các doanh nghiệp bỏ cọc trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, việc "bỏ cọc" là để ổn định lại thị trường bất động sản. Tuy nhiên, kể cả khi các công ty này đã bỏ cọc một thời gian, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: Giá nhà đất tại nhiều khu vực đã bị đẩy lên mức giá rất cao. Ví dụ như một dự án nhà ở tại TP.Thủ Đức đang chào bán nhà phố có diện tích đất khoảng 95 mét vuông gồm trệt và 4 lầu với giá bán lên đến khoảng 38,1 tỷ đồng, trong đó đơn giá đất có thể lên đến khoảng 350 triệu đồng/mét vuông.

Hiệp hội cũng cho biết sốt ảo giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ nhà và đất đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong 2 tháng đầu năm. Do đó, cần được các địa phương quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời các đầu nậu, cò đất, cò nhà, doanh nghiệp bất lương để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực.

Luật pháp còn nhiều kẽ hở

HoREA cũng cho rằng còn nhiều bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngày 28/2/2022 HoREA đã có báo cáo gửi Thủ tướng đánh giá về các cuộc đấu giá đất tại Thủ Thiêm và đánh giá thị trường bất động sản năm 2021, xu hướng năm 2022. Báo cáo chỉ ra rằng thị trường BĐS trở nên thiếu lành mạnh sau các cuộc đấu giá do đó cần sự vào cuộc ngay lập tức của Chính phủ.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đưa ra 5 kiến nghị trình Chính phủ nhằm bình ổn thị trường BĐS.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đưa ra 5 kiến nghị trình Chính phủ nhằm bình ổn thị trường BĐS.

HoREA nhận xét quy trình đánh giá năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá còn lỏng lẻo. Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện "có năng lực tài chính", hoặc điều kiện "không vi phạm pháp luật về đất đai" của nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, còn bất cập của các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Đặc biệt, Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể việc xử lý vi phạm trong trường hợp người tham gia đấu giá (doanh nghiệp) đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc” như đã xảy ra vừa qua.

Từ đó, HoREA đưa ra 5 kiến nghị nhằm bình ổn lại thị trường bất động sản, bao gồm bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc trường hợp người tham gia đấu giá đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc có thể mức nộp phạt khoảng 10% giá trúng đấu giá.

Việc xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất; pháp luật về đấu thầu trong đó có đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư là đặc biệt cần thiết.

Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, Hiệp hội đề nghị áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp thay cho hình thức đấu giá bằng lời nói.

Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung của các phương pháp định giá đất để định giá đất cụ thể làm giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Cuối cùng, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tăng cường rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất và kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản để đảm bảo an toàn tín dụng.

Tin liên quan

Đọc tiếp