HoREA kiến nghị chuẩn hóa diện tích phòng trọ không dưới 15m2

bđs Nhà trọ
10:16 - 05/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Vì số lượng phòng trọ thuộc các khu nhà trọ cho thuê là rất lớn nên cần quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, qua đó chuẩn hóa phòng trọ góp phần cải thiện điều kiện ở cho công nhân, người lao động.

HoREA cho rằng tại Thông tư số 20 (có hiệu lực từ 15/08/2016 đến ngày 30/09/2021) của Bộ Xây dựng có quy định về “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở”: Diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10m2; Phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên; Diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2 cho một người…

Tuy nhiên, Thông tư 09 (hiệu lực từ ngày 01/10/2021, thay thế Thông tư 20) của Bộ Xây dựng, đã không quy định “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở”.

Cho đến nay, vẫn chưa có quy định pháp luật về “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở”, nhất là “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở cho thuê” thuộc các khu phòng trọ, nhà trọ.

Hiệp hội kiến nghị bổ sung “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê ” vào “Dự thảo TCVN Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế”. Trong đó, bổ sung thêm Mục 5.12a quy định “Diện tích sử dụng tối thiểu của phòng trọ trong nhà ở riêng lẻ dùng để kinh doanh cho thuê” trên cơ sở giữ lại một số nội dung của Điều 3 Thông tư 20.

Mỗi phòng ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê phải đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và các tiêu chuẩn tối thiểu gồm 12 điều kiện:

Diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 15m vuông; Phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ; Có đèn đủ ánh sáng (tối thiểu có một bóng đèn điện có độ sáng tối thiểu cho diện tích 15m vuông); Bảo đảm cung cấp nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn; Có các thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định...

Diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 7,5m vuông/người; Có tối thiểu 1 phương tiện nghe nhìn, kết nối Internet và khoảng cách tối thiểu giữa hai dãy nhà trọ (hẻm) không được nhỏ hơn 2m (hoặc 2,2m).

Sở dĩ Hiệp hội gửi văn bản kiến nghị này lên Bộ Xây dựng vì số lượng phòng trọ thuộc các khu nhà trọ cho thuê là rất lớn trong phạm vi cả nước nên rất cần thiết ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở để chuẩn hóa phòng trọ, góp phần cải thiện điều kiện ở, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống dịch bệnh cho công nhân, lao động tại các khu nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư kinh doanh.

Hiện nay, TP HCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 1.062 doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp trong nước là 653 doanh nghiệp và 409 doanh nghiệp FDI với tổng số 285.000 lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh (nhập cư) là 185.250 người (tỉ lệ 65%).

Trong đó, lao động ngoại tỉnh (nhập cư) là 185.250 người (chiếm 65%). Lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong nước là 82.650 người (chiếm 29%), lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI là 202.350 người (tỷ lệ 71%).

Ước tính, hiện TP HCM có khoảng 60.470 công trình nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cho công nhân, người lao động thuê để ở có thể đáp ứng chỗ ở cho 1.430.067 người.

Các nhà lưu trú công nhân (phòng ở tập thể 4-6-8 người thuê, hoặc cho hộ gia đình thuê) đều được cấp phép xây dựng, đảm bảo chất lượng và tiện ích tương tự khu nhà chung cư.

Tuy nhiên, các khu nhà lưu trú mới giải quyết chỗ ở cho khoảng 15% (57.000) lượng công nhân lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp, còn lại đa số công nhân lao động nhập cư thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình.

Đa số các khu nhà trọ dạng dãy phòng trọ cho thuê thường lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, rất thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy (cá biệt có khu nhà trọ là “vùng trũng” của tội phạm), không chống chịu được dịch bệnh như dịch Covid-19.

Do vậy, HoREA đánh giá kiến nghị trên nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng phòng trọ, khu nhà trọ cho thuê do cá nhân, hộ gia đình đầu tư kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc tiếp