IEA dự báo phát thải carbon tiếp tục duy trì mức cao

NĂNG LƯỢNG THẾ GIỚI
19:16 - 15/01/2022
Ảnh: CC0 Public Domain
Ảnh: CC0 Public Domain
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu điện toàn cầu trong vài năm tới sẽ chậm lại sau mức kỷ lục năm 2021, tuy nhiên lượng phát thải carbon vẫn sẽ cao trong khi nguồn cung năng lượng carbon thấp tăng trưởng chậm.

Trong báo báo cáo hàng năm về ngành điện ngày 14/1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết nhu cầu điện toàn cầu đã tăng 6%, tương đương với mức 1.500 TWh trong năm 2021. Đây cũng là mức tăng phần trăm lớn nhất kể từ khi thế giới phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2010. Trong số các quốc gia, Trung Quốc chiếm khoảng một nửa mức tăng nhu cầu điện toàn cầu năm 2021 với tỷ lệ 10%.

Tuy nhiên theo dự báo của IEA, nhu cầu điện toàn cầu sẽ chậm lại trong vài năm tới một khi các biện pháp tiết kiệm năng lượng bắt đầu đi vào hiệu lực và sự phục hồi kinh tế chậm lại. Tới năm 2024, mức tăng trung bình dự kiến sẽ đạt khoảng 2,7%.

Trong giai đoạn 2022-2024, Đông Nam Á dự kiến sẽ là khu vực có nhu cầu điện cao nhất khi mức tăng trung bình được dự báo đạt 5%. Đứng ở vị trí tiếp theo là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc với mức tăng trưởng 4%, mức thấp hơn so với thời kỳ trước đại dịch một chút.

Trong cùng giai đoạn đó, nhu cầu ở Bắc Mỹ và Mỹ Latin được dự đoán sẽ tăng trung bình khoảng 1%. Trong đó, mức tăng phần trăm lớn nhất thuộc về Mexico và Canada với tỷ lệ 3% đến 4% một năm. Với khu vực Châu Âu, mức tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 1,7% vào năm 2022 và sau đó giữ nguyên vào các năm tiếp theo là 2023 và 2024.

Về tăng trưởng nguồn cung điện, phần lớn mức tăng trưởng đến năm 2024 được dự kiến sẽ là ở Trung Quốc. Tỷ lệ tăng trưởng của quốc gia này sẽ chiếm khoảng một nửa tổng mức tăng ròng, tiếp theo là Ấn Độ với 12%, Châu Âu là 7% và Mỹ là 4%.

Trong năm 2021, phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng leo lên mức cao kỷ lục 7% sau 2 năm liên tiếp giảm trước đó. Tuy nhu cầu tăng trưởng điện chậm lại kết hợp với các hoạt động sản xuất hạn chế carbon sẽ giúp sự tăng trưởng phát thải khí nhà kính dưới mức 1% giai đoạn 2022 - 2024, lượng phát thải cần phải giảm mạnh hơn nữa để có thể đạt được trạng thái phát thải ròng bằng 0 năm 2050.

Do đó, ngành điện cần phải có những cải tiến hơn nữa trong hiệu quả năng lượng và nguồn cung carbon thấp của mình nhằm thực hiện vai trò cắt giảm carbon trong ngành năng lượng.

Việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ trì trệ trong ba năm tới trong khi năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng 8% mỗi năm cho đến năm 2024. Cuối cùng, dạng năng lượng xanh này sẽ chiếm hơn 90% tổng tăng trưởng nhu cầu trong giai đoạn đó.

Ông David Jones, trưởng nhóm nghiên cứu khí hậu độc lập trên toàn cầu Ember, nhận định: "Việc không cung cấp đủ điện sạch để đáp ứng nhu cầu sẽ làm chậm quá trình loại bỏ điện đốt than và khí đốt”. Và đây chính là một sai lầm với khí hậu mà chúng ta không có khả năng bù đắp.

Mặt khác, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như giá năng lượng tăng cao vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo báo cáo của cơ quan này, lượng tiêu thụ tăng đột biến cùng với việc nguồn cung cấp khí đốt và than giảm đã khiến giá điện tăng đột biến. Các nhà sản xuất điện, nhà bán lẻ và người dùng cuối đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi xu hướng này, nhất là tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Châu Âu và Ấn Độ.

Chỉ số giá của IEA cho các thị trường bán buôn điện chính trong năm 2021 tăng gần gấp đôi so với năm 2020 và tăng 64% so với mức trung bình trong giai đoạn 2016-2020. Ở châu Âu, giá trong quý IV/2021 cao hơn bốn lần so với mức trung bình trong khoảng thời gian 2015-2020.

Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Giá điện tăng đột biến trong thời gian gần đây đang gây khó khăn cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp trên thế giới. Nó cũng có nguy cơ trở thành nguyên nhân dẫn đến căng thẳng xã hội và chính trị”. Tuy nhiên, IEA không cung cấp chi tiết về nơi mà sự biến động giá có thể tập trung nhiều nhất trong những năm tới.

Đọc tiếp