IMF bác đề xuất ngân sách mới của Pakistan

KINH TẾ Pakistan
12:01 - 16/06/2023
Việc IMF thể hiện thái độ không đồng tình với đề xuất ngân sách mới của chính phủ Pakistan gây ra lo ngại về tính thành công của gói cứu trợ 1,1 tỷ USD vốn bị trì hoãn từ tháng 11/2022 mà nước này đang rất cần. Ảnh: AP
Việc IMF thể hiện thái độ không đồng tình với đề xuất ngân sách mới của chính phủ Pakistan gây ra lo ngại về tính thành công của gói cứu trợ 1,1 tỷ USD vốn bị trì hoãn từ tháng 11/2022 mà nước này đang rất cần. Ảnh: AP
Hôm 15/6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF chỉ trích đề xuất ngân sách hàng năm mới của chính phủ Pakistan vì không thiết lập thành công một hệ thống thuế công bằng, gây lo ngại cho sự thành công của gói cứu trợ 1,1 tỷ USD đang bị trì hoãn.

Theo hãng tin AP, Pakistan đang vật lộn với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất. Chi phí lương thực tại quốc gia này tăng cao hơn đáng kể vào năm 2022 và 2023 trong khi lạm phát hàng năm đạt ngưỡng đáng báo động gần 30% và lạm phát hàng tuần vào tháng 5 vừa qua đạt gần 45%.

Đặc biệt, quốc gia này vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của trận lũ lụt kinh hoàng vào mùa hè năm 2022 khiến hơn 1.700 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế khổng lồ 30 tỷ USD. Cơn bão Biparjoy đổ bộ vào Ấn Độ và miền nam nước này trong cùng ngày 15/6 tiếp tục gây ra nguy cơ lũ lụt và thiệt hại hơn nữa.

Cụ thể, chính quyền ở tỉnh miền nam Sindh của Pakistan - một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt năm 2022 – tiếp tục chuẩn bị tinh thần cho bão Biparjoy. Hiện đã có tổng cộng 73.000 người được sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm trên đường đi của bão.

Trong bối cảnh khó khăn, chính phủ Pakistan ngày 9/6 đã trình bày đề xuất ngân sách tại Quốc hội cho năm tài chính tiếp theo bắt đầu từ 1/7. Dự thảo này đưa ra một kế hoạch ân xá thuế mới và bỏ qua một số loại thuế dự kiến. Các đề xuất này rất có khả năng là một nỗ lực của Thủ tướng Shahbaz Sharif nhằm tránh các cuộc biểu tình chống lạm phát và mang lại sự cứu trợ cấp thiết cho những người nghèo nhất đang gặp khó khăn. Dự kiến vào cuối tháng này, các nhà lập pháp Pakistan sẽ tranh luận và bỏ phiếu về ngân sách.

Tuy nhiên, đề xuất ngân sách mới cũng có một số yếu tố gây tranh cãi, đặc biệt là về dự tính tăng lương tới 35% cho nhân viên chính phủ. Kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều chuyên gia, đặc biệt là về cách chính quyền sẽ tạo ra các nguồn lực cho các dự án phát triển và tiền lương vào thời điểm thâm hụt tài chính đang gia tăng đến mức báo động.

Phản ứng về dự thảo này, AP ngày 15/6 trích dẫn ông Perez Ruiz, đại diện của IMF tại Pakistan, cho biết chính phủ nước này đang bỏ lỡ “cơ hội mở rộng cơ sở thuế theo cách tiến bộ hơn”. Trong khi đó, “danh sách dài các khoản chi thuế mới càng làm giảm tính công bằng của hệ thống thuế và cắt giảm các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ nhiều hơn cho những người dễ bị tổn thương”.

Ngoài ra, ông Perez Ruiz còn nhận xét lệnh ân xá thuế mới được công bố trong đề xuất ngân sách đi ngược lại “chương trình nghị sự về điều kiện và quản trị” của IMF và “tạo ra một tiền lệ gây thiệt hại”.

Pakistan rất cần gói cứu trợ tài chính của IMF để tránh vỡ nợ và phục hồi từ khủng hoảng kinh tế. Ảnh: EPA-EFE

Pakistan rất cần gói cứu trợ tài chính của IMF để tránh vỡ nợ và phục hồi từ khủng hoảng kinh tế. Ảnh: EPA-EFE

Các chỉ trích gay gắt của ông làm dấy lên các lo ngại mới về sự thành công của các cuộc đàm phán vốn kéo dài nhiều tháng giữa quốc gia này và IMF về một đợt cứu trợ trị giá 1,1 tỷ USD từ gói cứu trợ 6 tỷ USD được ký vào năm 2019 bởi cựu Thủ tướng Imran Khan. Chính phủ của ông Imran Khan sau đó đã bị lật đổ trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội vào tháng 4/2022 và được Nội các của ông Sharif kế nhiệm.

Pakistan gần như không còn đủ dự trữ tiền tệ cho việc nhập khẩu hàng hóa và đã hy vọng sẽ đạt được 1,1 tỷ USD hồi tháng 11/2022. Tuy nhiên vào thời điểm đó, IMF đã nhấn mạnh vào một số điều kiện nước này phải đạt được trước khi thực hiện bất kỳ khoản giải ngân nào. Các điều kiện bao gồm việc trình ngân sách phù hợp với các mục tiêu của chương trình và khôi phục hoạt động bình thường của thị trường ngoại hối.

Hiện quốc gia này còn chưa tới 2 tuần để đáp ứng được các điều kiện của IMF và thành công nhận được khoản tiền cứu trợ cần thiết. Trả lời các câu hỏi về tương lai của khoản cứu trợ, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Ishaq Dar chỉ trả lời hãng tin AP rằng: “Pakistan vẫn đang đàm phán”.

Trong khi đó, ông Perez Ruiz cho biết IMF đang đề nghị “làm việc với chính phủ trong việc tinh chỉnh chiến lược” cho ngân sách.

Al Jazeera trích dẫn ông Abid Hassan – cựu cố vấn Ngân hàng Thế giới – ngày 9/6 nhận định việc Pakistan vỡ nợ sẽ “không xảy ra sớm”. Tuy nhiên, ông cho biết trong “3 đến 4 tháng tới, trừ phi có một chương trình IMF mới mang lại tiền cho khu vực tư nhân, từ đó khuyến khích các tổ chức tài chính khác cung cấp hỗ trợ bổ sung, khả năng vỡ nợ sẽ là 100% trong 6 tháng kể từ thời điểm hiện tại”.

Đọc tiếp