IMF dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng lên mức 3,9%

LẠM PHÁT Việt nAM
14:21 - 23/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
IMF dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tăng trưởng ở mức 6,05% trong năm 2022 và 7,2% vào năm 2023. Trong khi đó, lạm phát được dự báo tăng lên mức 3,9% vào cuối năm 2022, cao vượt trội so với 2021.

Báo cáo mới nhất của nhóm công tác từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - do bà Era Dabla- Norris làm trưởng đoàn trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 19/4, cho hay, nhờ chiến dịch triển khai tiêm vaccine và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau làn sóng bùng phát dịch nghiêm trọng trong năm 2021.

"Tuy nhiên, cho đến nay, sự phục hồi diễn ra không đồng đều, khu vực dịch vụ vẫn đang hồi phục một cách chậm chạp, trong khi các rủi ro tài chính dường như đã gia tăng", bà Era Dabla-Norris nhận định. Nhóm công tác IMF dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% trong năm 2022 và 7,2% vào năm 2023. Lạm phát được dự báo tăng lên mức 3,9% vào cuối năm 2022.

Rủi ro lạm phát

Cuộc xung đột ở Ukraine được dự đoán sẽ tác động ở mức vừa phải đối với tốc độ phục hồi và lạm phát tại Việt Nam. Theo báo cáo, mặc dù giá cả hàng hoá nguyên liệu thô đang tăng lên, lạm phát cho đến nay tiếp tục được kiểm soát và có khả năng vẫn nằm dưới mục tiêu 4% mà Quốc hội Việt Nam đã đề ra. Điều này phần nào cho thấy hoạt động kinh tế còn cầm chừng.

Bà Dabla-Norris cảnh báo, triển vọng trong thời gian tới có nhiều rủi ro đáng kể. Các rủi ro tăng trưởng thiên về hướng làm giảm tăng trưởng, trong khi những rủi ro lạm phát thiên về hướng làm tăng lạm phát.

Các rủi ro cận kề ngay trước mắt bao gồm sự gia tăng căng thẳng địa chính trị và suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc. Những rủi ro khác là xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, những diễn biến trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Do đó, việc xây dựng chính sách cần được triển khai nhanh chóng. Quy mô và cơ cấu gói hỗ trợ chính sách nên được điều chỉnh linh hoạt theo tốc độ phục hồi. Chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ chính sách, đặc biệt trong trường hợp các rủi ro làm suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực. Bởi dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là rất hạn chế trong bối cảnh các rủi ro lạm phát đang gia tăng.

Sự triển khai nhanh chóng, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế Xã hội cũng được đánh giá sẽ có ý nghĩa then chốt trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chương trình này đã ưu tiên hợp lý cho lĩnh vực y tế, phục hồi kinh tế và triển vọng tăng trưởng trung hạn.

Trong thời gian tới, chính sách tài khoá sẽ cần cân bằng giữa một bên là hỗ trợ có mục tiêu mang tính tạm thời, với một bên là thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế. Thâm hụt tài khoá chung được dự báo tăng vừa phải trong năm 2022.

Ảnh tác giả

Chính sách tiền tệ nên tiếp tục thận trọng trước các áp lực lạm phát đang gia tăng. Nếu xuất hiện áp lực lạm phát dai dẳng, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ và truyền thông rõ ràng những yếu tố dẫn đến quyết định này để giúp kiểm soát lạm phát.

Bà Era Dabla-Norris, đoàn cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

Năm 2022, Quốc hội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4%.

Tuy nhiên áp lực lạm phát trong năm 2022 tăng khá lớn khi chịu cả yếu tố “cầu kéo” và yếu tố “chi phí đẩy”, cùng những diễn biến phức tạp của kinh tế, chính trị thế giới, khiến việc thực hiện mục tiêu giữ CPI dưới mức 4% sẽ không dễ dàng. Dù vậy, theo góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.

Cụ thể, trong cuộc đối thoại: “Vòng xoáy lạm phát – Kiểm soát chi phí đẩy”, diễn ra đầu tháng 4/2022, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong khoảng 6 yếu tố tác động tới lạm phát thì Việt Nam có 4 yếu tố có lợi và chỉ 2 yếu tố bất lợi. Lạm phát chi phí đẩy được giảm nhẹ bởi Việt Nam dù nhập khẩu lạm phát, nhưng cũng xuất khẩu chính lạm phát đó ra bên ngoài thông qua xuất khẩu hàng điện tử, dệt may...

Ông Đặng Công Khôi, Phó cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng khẳng định, yếu tố khó lường nhất hiện nay là giá xăng dầu, nó quyết định đến việc thành công thực thi các kịch bản điều hành giá làm sao phù hợp. "Tuy nhiên, tôi khẳng định chúng ta vẫn đang kiểm soát được các diễn biến”, ông Khôi nói thêm tại cuộc đối thoại.

IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2022 xuống 6,05%, song vẫn đứng thứ hai khối ASEAN

Cũng tại báo cáo trên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với mức 7% được dự báo trước đó vào năm 2021. Theo IMF, năm nay GDP Việt Nam có thể tăng 6,05% so với năm ngoái nhờ vào việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và nỗ lực đưa nền kinh tế vào trạng thái "bình thường mới". Đặc biệt, đến năm 2023, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 7,25%.

So với các nước ASEAN-6, dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam chỉ thấp hơn Phillipines. Tăng trưởng GDP của Phillipines năm 2022 được IMF dự báo có thể đạt 6,45%. Như vậy, Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP cao hơn Singapore và Thái Lan gấp gần 2 lần. Và từ 2023 – 2027, tăng trưởng GDP Việt Nam được đánh giá cao hơn hẳn so với các nước trong nhóm ASEAN-6.

Dự báo về tăng trưởng GDP Việt Nam 2022

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 xuống còn 5,3% là kịch bản cơ bản, xấu hơn nữa kịch bản dự báo có thể chỉ còn 4,4%. Một trong những lý do đó là các đối tác thương mại chính của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại, cùng với cú sốc tỷ giá thương mại và các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn duy trì dự báo kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023 nhờ vào việc đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng và các hoạt động thương mại; các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, cũng như việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ giữa tháng 3.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.