Indonesia đạt thỏa thuận 15 tỷ USD về khí hóa than

NĂNG LƯỢNG asean
16:10 - 06/11/2021
Một sà lan chở than trên sông ở Nam Sumatra, Indonesia. Ảnh: Reuters
Một sà lan chở than trên sông ở Nam Sumatra, Indonesia. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Quốc gia tiêu thụ nhiều than nhất thế giới Indonesia vừa ký một thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD với một công ty hóa chất và chế biến khí đốt của Mỹ, nhằm phát triển ngành công nghiệp khí hóa than để chuyển đổi năng lượng của nước này .

Thoản thuận được ký kết giữa Ban Điều phối Đầu tư của Indonesia (BKPM) và tập đoàn Air Products and Chemicals tại Dubai, trong chuyến công du đang diễn ra của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại UAE.

Đây được mô tả như “thỏa thuận đầu tư dài hạn” nhằm chuyển đổi “than đá có giá trị thấp thành các sản phẩm hóa chất có giá trị cao” như methanol. Điều này có triển vọng lớn với ngành xuất khẩu Indonesia trong tương lai khi các nguyên liệu thô sẽ được thay thế bằng các sản phẩm có giá trị kinh tế hơn.

Tập đoàn Air Products and Chemicals được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York về lĩnh vực xây dựng và vận hành các dự án khí công nghiệp. Theo ông Bahlil Lahadalia, giám đốc BKPM, phía tập đoàn Mỹ sẽ làm việc với một số tập đoàn Indonesia bao gồm công ty khai thác than Indika Energy và công ty Bukit Asam với các khoản đầu tư ​​lên tới 15 tỷ USD vào năm tới.

Thỏa thuận này phản ánh mong muốn của Indonesia trong nỗ lực cắt giảm hoạt động của các nhà máy điện than. Nguồn năng lượng hóa thạch này sẽ được chuyển đổi để phù hợp với các mục đích sử dụng khác.

Ngoài ra, dự án sẽ chuyển đổi khí tự nhiên thành blue amoniac (chất đốt tạo năng lượng nhưng không thải ra khí carbon), thông qua một quy trình nén và chưng cất khí CO2.

Tại Hội nghị khí hậu COP26 (Glasgow), Indonesia đang tìm cách đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào năm 2060. Nước này cũng là một trong 46 quốc gia đi đầu trong ký kết thỏa thuận loại bỏ dần điện than ở các nền kinh tế tiên tiến vào những năm 2030 và trên toàn thế giới vào những năm 2040.

Khí hóa than là giải pháp giúp giảm nhập khẩu nhiên liệu và cải thiện cán cân thương mại của Indonesia. Mặc dù là nước xuất khẩu than đá hàng đầu thế giới, Indonesia cũng là nước nhập khẩu ròng dầu thô khi nhu cầu năng lượng của nước này ngày càng tăng lên.

Nhận xét về khí hóa than, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước (SOE) Erick Thohir đã đánh giá rằng khí hóa than đóng vai trò quan trọng đối với Indonesia. Nó không chỉ “có giá trị gia tăng trực tiếp cho nền kinh tế quốc gia ở cấp độ vĩ mô”, mà còn “phù hợp với định hướng của Tổng thống Joko Widodo trong nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc trên các sản phẩm nhập khẩu".

Ngành công nghiệp khí hóa than tại quốc gia này hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai. Ông Erick cho biết, khí hóa than có thể tiết kiệm dự trữ ngoại hối lên tới hàng tỷ USD mỗi năm và có thể hỗ trợ 10.000 việc làm.

Đọc tiếp