KBSV: ACB là 'ứng cử viên sáng giá' được nới room tín dụng

NGÂN HÀNG Việt nAM
14:31 - 11/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Chứng khoán KBSV chỉ ra 3 yếu tố giúp ACB có khả năng được nới room trong năm nay do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) duy trì mức cao, không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và luôn theo đuổi chiến lược cho vay thận trọng với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Tăng trưởng tín dụng khả quan

Tại báo cáo cập nhật liên quan đến Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, ACB là một trong những ứng cử viên sáng giá được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nâng room tín dụng.

Nguyên nhân do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) duy trì mức cao trong những năm gần đây như cuối 2021 là 11,23% - cao hơn nhiều so với mức quy định 9% của NHNN. Ngoài ra, ACB theo đuổi chiến lược cho vay thận trọng với tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì dưới 1% và dự phòng bao nợ xấu luôn cao hơn trung bình ngành. Nguyên nhân khác được KBSV chỉ ra là do ACB không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia phân tích, trong quý II/2022, hoạt động cho vay của ngân hàng hiện vẫn duy trì được sự khả quan với tín dụng tăng 9,3% so với đầu năm.

KBSV ước tính, dư nợ cho vay cá nhân cuối quý II đạt 255.000 tỷ VND, tăng 10,7% so với đầu năm và nâng tỷ trọng trên tổng dư nợ lên mức 64,5%. Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu là SME) đạt khoảng 139.000 tỷ VND, tăng 7,5% so với đầu năm.

Ngoài ra, ACB được biết đến như là một trong những ngân hàng tiên phong trong mảng bán lẻ với dư nợ tăng gấp 2,4 lần trong giai đoạn 2016 – 2021 và hiện nay chiếm tới 94% tổng danh mục cho vay. Do đó, ACB có đầy đủ kinh nghiệm và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh các ngân hàng khác cũng đang hướng tới phát triển cho vay bán lẻ.

ACB cũng là một trong số ít các ngân hàng không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Danh mục chứng khoán đầu tư của ngân hàng chủ yếu là trái phiếu chính phủ với dư nợ tính đến cuối quý II là 64.482 tỷ VND. Việc không nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp cũng giúp giá cổ phiếu chỉ giảm khoảng 18% trong khi cổ phiếu của các ngân hàng khác giảm tới 30% vào giai đoạn tháng 4 và 5.

Về tăng trưởng cho vay khách hàng, trong 6 tháng đầu năm ACB ghi nhận đạt 9,3% - gần chạm room được giao đầu năm là khoảng 10%. Do đó, ngân hàng rất cần room tín dụng mới để duy trì động lực tăng trưởng tốt vào nửa cuối năm.

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước muốn định hướng dòng chảy tín dụng cho hoạt động sản xuất và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, KBSV kỳ vọng room tín dụng mới của ngân hàng có thể lên tới 16%.

Tuy nhiên, do kế hoạch kinh doanh cả năm được dựa trên giả định tăng trưởng tín dụng thận trọng ở mức 10-11% do đó trong trường hợp không có room tín dụng mới thì ngân hàng vẫn đầy đủ khả năng hoàn thành kế hoạch đã đề ra, KBSV đánh giá.

Dự phóng kế hoạch kinh doanh tại ACB

Các chuyên gia cho rằng, biên lãi thuần năm 2022 sẽ tăng 0,12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,13% do lợi suất giảm 0,7% so với cùng kỳ do ngân hàng giảm lãi suất để thu hút khách hàng khiến lợi suất đầu ra bình quân phục hồi chậm hơn dự kiến của Công ty.

Về chi phí vốn, KBSV dự báo sẽ giảm 0,11% so với cùng kỳ với kỳ vọng tỷ lệ CASA tiếp tục cải thiện trong năm và chi phí từ phát hành giấy tờ có giá thấp hơn cùng kỳ. Tăng trưởng tiền gửi chậm hơn cũng làm giảm áp lực từ tăng lãi suất huy động.

Về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nửa đầu năm giảm nhẹ so với quý trước và tương đương cuối năm 2021, đạt khoảng 0,76%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ 2 điểm % còn 185,1% - vẫn ở mức cao so với ngành.

KBSV dự phóng tỷ lệ nợ xấu (NPL) đạt 0,65%, giảm 0,12 điểm % so với cùng kỳ trong đó ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Quý II/2022, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 2.276 tỷ đồng, giảm 16,9% so với quý trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí nhân viên tăng 32,4% so với cùng kỳ, vì vậy nên tỷ lệ CIR trong nửa đầu năm tăng 5,4 điểm % so với cùng kỳ, đạt 31,5%. Ngân hàng đang có những nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí bằng kế hoạch không tuyển mới nhân viên trong năm 2022.

Trước đó, nghiên cứu của Chứng khoán SSI cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng tín dụng ACB thấp hơn mức trung bình của các ngân hàng khoảng 7% so với đầu năm, nhưng cao hơn so với giai đoạn 2019-2020 của chính ACB.

Dự báo năm 2022, Chứng khoán SSI cho rằng đây sẽ là một năm khá thuận lợi đối với ACB với lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 16.900 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng tốt (tăng 16% so với cùng kỳ), NIM tăng 0,25 điểm % và chi phí dự phòng giảm.

Bên cạnh đó, dù duy trì việc quản lý rủi ro chặt chẽ và giải ngân ở mức thận trọng, ACB vẫn có thể đạt mức ROE hấp dẫn là 26,3% - đây là mức cao thứ 2 trong số các ngân hàng mà SSI nghiên cứu. Áp lực tăng vốn cũng sẽ không quá lớn trong năm nay do hệ số CAR của ACB vẫn trên 11%.

Đáng chú ý, báo cáo cũng ghi nhận, do ngân hàng không tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên có thể sẽ ít bị ảnh hưởng hơn trong giai đoạn thị trường bất ổn như hiện tại.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.