‘Kế sách’ giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023

BỘ KH&ĐT ĐẦU TƯ CÔNG
23:46 - 03/03/2023
Áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn. Ảnh minh họa
Áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, tổ công tác… Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin rằng sẽ giải ngân cao nhất số vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề đầu tư công tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, Thủ tướng trong nhiều năm qua.

Trong năm 2022, Thủ tướng đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, 5 công điện, 1 chỉ thị và thành lập 6 tổ công tác để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng.

Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 92,97% so với kế hoạch, so với năm 2021 thì không bằng (năm 2021 là 95,11%). Tuy nhiên, năm 2022 phải tiêu số vốn tuyệt đối tăng thêm 120.000 tỷ đồng. “Chúng ta giao tăng thêm là theo chương trình mục tiêu quốc gia. Tôi cho rằng đây là con số rất tích cực”, Thứ trưởng nhận định.

Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, trong năm 2023, các bộ, ngành địa phương được giao tổng số trên 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng 140.000 tỷ đồng so với năm 2022 và tăng 260.000 tỷ đồng so với năm 2021. Để giải ngân được số vốn này, Thứ trưởng nêu kinh nghiệm từ năm 2022 với một số bài học.

Đó là thực hiện hiệu quả 6 tổ công tác do Thủ tướng thành lập, đôn đốc các bộ, ngành, tháo gỡ các khó khăn; chuẩn bị tốt các dự án đầu tư từ khâu phê duyệt, lựa chọn, để khi có vốn giao thì giải ngân được ngay; tập trung giải quyết các khó khăn liên quan đến thể chế (nếu có) về công tác giải phóng mặt bằng.

Giải quyết các khó khăn về nguyên, vật liệu, điều chỉnh giá, như đất cát san lấp, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các công trình đường cao tốc Bắc - Nam…

Đôn đốc các nhà thầu bố trí đủ nhân lực, nhân công để đảm bảo tiến độ; giải quyết vướng mắc liên quan đến ODA. “Chúng tôi thấy đối với địa phương nào, chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh, trưởng ban quản lý dự án quan tâm sát tiến độ thì giải ngân tốt so với các địa phương khác”, ông Đông nêu hiện trạng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông.

Thứ trưởng cho biết thêm, đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, hiện tất cả các văn bản pháp quy hướng dẫn 3 chương trình này đều đẩy nhanh việc phân bổ chi tiết xuống cấp huyện, cấp xã để tổ chức giải ngân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, ngay từ đầu năm đã tổ chức Hội nghị toàn quốc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời Thủ tướng ngay từ mùng 4 Tết đã đi rất nhiều địa phương, thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ khó khăn các công trình trọng điểm quốc gia.

“Chúng ta sẽ nỗ lực để cố gắng giải ngân cao nhất số vốn 700.000 tỷ. Chúng tôi tin tưởng sẽ làm được. Đây là nỗ lực rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế và hỗ trợ các ngành kinh tế khác”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Bổ sung thêm ý kiến về đầu tư công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, một kinh nghiệm nữa trong giải ngân vốn đầu tư công là tập trung, có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải.

Theo dự kiến ban đầu, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có trên 10.000 dự án đầu tư công. Sau đó Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt cắt giảm còn chưa đầy 5.000 dự án.

“Đây là giải pháp rất quan trọng để tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, chúng ta tập trung cho dự án liên kết vùng, tạo ra các không gian phát triển mới, các tuyến đường cao tốc, công trình hạ tầng”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn lưu ý.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.