Khai hội đền Long Động và tưởng niệm ngày mất danh nhân Mạc Đĩnh Chi

đền Long Động Nam Sách
15:23 - 18/03/2024
Khai hội đền Long Động và tưởng niệm ngày mất danh nhân Mạc Đĩnh Chi
0:00 / 0:00
0:00
Hàng năm, lễ hội đền Long Động được tổ chức vào mùa xuân (dịp kỷ niệm ngày giỗ của lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi). Đây là hoạt động văn hóa tín ngưỡng nhằm phát huy di sản văn hóa dân tộc, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Sáng 18/3 (tức 9/2 âm lịch), tại đền Long Động, xã Nam Tân, Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN huyện Nam Sách (Hải Dương) long trọng tổ chức lễ khai hội truyền thống đền Long Động năm 2024 và dâng hương tưởng niệm 678 năm ngày mất lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1346 - 2024).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm 678 năm ngày mất lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1346 - 2024).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm 678 năm ngày mất lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1346 - 2024).

Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Hồ Ngọc Lâm, đền Long Động, xã Nam Tân thờ 3 danh nhân khoa bảng hàng đầu đất Việt, thủ khoa Minh kinh bác học Mạc Hiển Tích đỗ đầu tại khoa thi năm Quảng Hựu thứ 2 (năm Bính Dần 1086); được bổ nhiệm Hàn Lâm học sĩ, sau thăng lên chức Thượng thư Bộ Lại, là người có biệt tài về chính trị, từng đi sứ Chiêm Thành năm Hội Phong thứ 4 (1094). Tiến sĩ Mạc Kiến Quan (em ruột của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích) thi đỗ khoa (năm Kỷ Tỵ 1089) làm quan đến chức Thượng thư Bộ Công và lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (cháu đời thứ 5 của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích) đỗ Trạng nguyên năm Giáp Thìn 1304.

Ngoài ra, đền Long Động còn phối thờ nữ anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bị địch bắt giết hại đã anh dũng hy sinh ngày 23/4/1951.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Hồ Ngọc Lâm đọc diễn văn khai hội.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Hồ Ngọc Lâm đọc diễn văn khai hội.

Mạc Đĩnh Chi tên thật là Mạc Cừ, hiệu Tốn Hạnh, tự là Tiết Phu, sinh năm 1272, mất năm 1346, quê ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).

Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng có truyền thống hiếu học. Mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo không được vào trường, song với lòng ham học, trí tuệ vô cùng mẫn tiệp và thông minh xuất chúng, ông được Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc nhận là môn đồ, chu cấp tiền cho ăn học.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu gióng trống khai hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu gióng trống khai hội.

Với lòng hiếu thảo và ý chí vượt khó, đêm ngày đèn sách, dùi mài kinh sử Mạc Đĩnh Chi đã đỗ trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) khi ông mới 24 tuổi.

Ông làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, Thượng thư, Tả bộc xạ Môn hạ kiên trung thư tri quân dân trọng sự (một chức quan đứng đầu triều thời bấy giờ). Trải qua 3 đời vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông với khí chất thanh liêm, ngay thẳng, sống rất đạm bạc nên dù ở triều vua nào cũng được vua tin dùng và hết sức hậu đãi.

Lưỡng quốc Trạng nguyên danh bất hủ

Tương truyền, Mạc Đĩnh Chi từng 2 lần được tin tưởng cử đi sứ nhà Nguyên, với sự hiểu biết uyên bác, tài hùng biện và khéo léo ứng xử của một nhà ngoại giao tài ba, ông được vua quan nhà Nguyên vô cùng nể phục và phong làm lưỡng quốc Trạng Nguyên “Lưỡng quốc Trạng nguyên danh bất hủ, Tam hiền Lũng Động phúc trường lưu”.

Đại diện Hội đồng Mạc tộc Việt Nam cung tuyên chúc văn tri ân tại buổi lễ.

Đại diện Hội đồng Mạc tộc Việt Nam cung tuyên chúc văn tri ân tại buổi lễ.

Theo sử sách ghi lại, năm 1527, Mạc Đăng Dung (cháu đời thứ 7 của lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi) lập nên nghiệp Đế. Sau khi lên ngôi, đã sắc chỉ xây dựng điện Sùng Đức làm nơi thờ phụng tổ tiên ngay trên chính nền nhà của cụ Mạc Đĩnh Chi và truy tôn đế hiệu.

Đông đảo các đại biểu, nhân dân và du khách dự lễ hội.

Đông đảo các đại biểu, nhân dân và du khách dự lễ hội.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nam Sách còn lưu giữ những dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp của Mạc Đĩnh Chi qua những di tích như đền Long Động, Trạng nguyên cổ đường - nơi ông về dạy học, khu lăng quan Trạng và điện Sùng Đức.

Trải qua những thăm trầm, biến cố của lịch sử, một số di tích có phần mai một, nhưng tài năng, đức độ, sự cống hiến của ông đối với giang sơn, đất nước còn mãi lưu truyền, như lời vua Trần Minh Tông đã ca tụng “Ông là một bậc quý nhân cao sang, một đóa sen vàng luôn tỏa ngát trong tòa giếng ngọc - non sông Đại Việt”.

Với tài năng, đức độ và công lao to lớn của ông, sau khi mất, vua Trần đã phong cho ông tước Hầu và xây dựng đền để muôn đời thờ phụng. Dựa trên giá trị lịch sử văn hóa của đền Long Động, năm 1995 Nhà nước đã cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia và năm 2019 được UBND tỉnh Hải Dương công nhận di tích là điểm du lịch cấp tỉnh.

Lễ rước đức Thánh diễn ra trước khi khai mạc lễ hội, sáng 18/3.

Lễ rước đức Thánh diễn ra trước khi khai mạc lễ hội, sáng 18/3.

Ban tổ chức lễ hội cho biết, hàng năm, lễ hội đền Long Động được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày giỗ của lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (từ ngày 9 - 11/2 âm lịch) cũng là dịp để nhân dân và du khách thập phương cùng con cháu Mạc tộc trên mọi miền Tổ quốc được về dâng hương, chiêm bái, tưởng nhớ thân thế, sự nghiệp, công ơn vị trạng nguyên tài năng kiệt xuất, đạo đức thanh cao làm vẻ vang cho quê hương, đất nước.

Đồng thời tôn vinh giá trị của tri thức, truyền thống hiếu học, khoa bảng của quê hương; bồi đắp ý chí khát vọng vươn lên, động viên thế hệ trẻ ra sức học hành đỗ đạt, tiếp tục cống hiến và trưởng thành trong thời đại mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.

Tin liên quan

Đọc tiếp