Khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu từ các chính sách

XNK Việt nAM
15:16 - 14/01/2022
Khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu từ các chính sách
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, Tổng cục Hải quan đã trình Chính phủ các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Năm 2022, Tổng cục tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách phù hợp với tình hình kinh tế mới.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 57,5 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 50,8 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 38,3 tỷ USD; hàng dệt may đạt 31,7 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,8 tỷ USD; thủy sản đạt 8,88 tỷ USD…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu mặt hàng dược phẩm đạt trị giá 4 tỷ USD; sản phẩm hóa chất đạt 7,7 tỷ USD; sắt thép các loại đạt 11,5 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 46.2 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 75.4 tỷ USD…

Để đạt được kết quả này, các doanh nghiệp xuất khẩu đã có sự nỗ lực không ngừng. Song song với đó là các chính sách của Chính phủ, các Bộ, ban ngành nhằm lưu thông giao thương giữa doanh nghiệp với các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đưa chính sách, tháo khó khăn

Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu, thúc đẩy giao thương của doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã trình Chính phủ ban hành các nghị quyết như Nghị quyết 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu hoặc đã nhập khẩu. Theo đó, các Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế GTGT như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại (thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế GTGT).

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành nhiều quyết định về danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phòng chống dịch như: Quyết định 155/QĐ-BTC ngày 7/2/2020; Quyết định 436/QĐ-BTC ngày 31/3/2020; Quyết định 2138/QĐ-BTC ngày 8/12/2020 và mới đây là Quyết định 1921/QĐ-BTC ngày 30/9/2021.

Đặc biệt, diễn biến phức tạp kéo dài của dịch Covid-19 cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng hóa gửi tại kho ngoại quan. Hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh cũng gần như ngưng trệ. Trong khi hoạt động kinh doanh cửa hàng miễn thuế hoàn toàn phụ thuộc vào khách xuất cảnh, nhập cảnh, dẫn đến hoạt động cửa hàng miễn thuế gần như “đóng băng”.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch, các chính sách miễn thuế đã góp phần quan trọng vào sự duy trì, phát triển của doanh nghiệp xuất nhập khẩu - Ảnh: minh họa

Trước tác động tiêu cực của đại dịch, các chính sách miễn thuế đã góp phần quan trọng vào sự duy trì, phát triển của doanh nghiệp xuất nhập khẩu - Ảnh: minh họa

Dịch Covid-19 cũng làm phát sinh trường hợp hàng hóa gửi kho ngoại quan quá thời hạn lưu giữ tại Việt Nam nhưng không xuất khẩu được. Trước bối cảnh đó, Tổng cục Hải quan đã tham mưu đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, tại Nghị quyết số 10/2021/UBTVQH15 ngày 8/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Cùng với những chính sách đã ban hành nêu trên, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã tích cực và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 82/2021/TT-BTC quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính cho phép hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển về cảng biển khác, cảng cạn, ICD nhằm tránh ùn tắc tại cảng biển.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính ban hành Thông tư 121/2021/TT-BTC về “Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp phòng, chống dịch Covid 19; nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19”.

Mục đích để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho người khai hải quan trong việc giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, Qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu thông qua chính sách trong năm 2022

Ngoài các chính sách về thủ tục hải quan đã được ban hành trong thời gian qua, trong năm 2022, nhiều chính sách về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan tiếp tục được Tổng cục Hải quan nghiên cứu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan và đảm bảo công tác quản lý.

Giao dịch qua thương mại điện tử ngày càng phát triển - Ảnh: minh họa

Giao dịch qua thương mại điện tử ngày càng phát triển - Ảnh: minh họa

Trong đó bao gồm Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP; Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử...

Hoàn thiện và trình ban hành các Thông tư theo tiến độ ban hành của các nghị định, gồm: Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2018/TT-BTC; Thông tư ban hành các chỉ tiêu thông tin đối với các mẫu biểu ban hành kèm theo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Thông tư về các chỉ tiêu thông tin thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra sẽ trình ban hành Thông tư để triển khai thực hiện mô hình hải quan thông minh, Thông tư thay thế Thông tư số 62/2019/TT-BTC và Thông tư số 47/2020/TT-BTC về xuất xứ hàng hóa; đặc biệt là xây dựng các bài toán nghiệp vụ theo Đề án Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh…

Tin liên quan

Đọc tiếp