Không có tiến triển trong đàm phán nợ công, nguy cơ Mỹ vỡ nợ vẫn hiện hữu

NỢ CÔNG MỸ
11:44 - 20/05/2023
Tòa nhà văn phòng Cannon House trên Đồi Capitol ở Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters
Tòa nhà văn phòng Cannon House trên Đồi Capitol ở Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 19/5, cuộc họp thứ hai giữa Nhà Trắng cùng các nhà đám phán đảng Cộng hòa về việc nâng trần nợ 31.400 tỷ USD đã kết thúc mà không có bất kỳ tiến triển nào, cũng như không có thời điểm ấn định cho một cuộc họp bổ sung.

Kể từ khi các cuộc thảo luận về việc nâng trần nợ công được khởi động, nhiều quan chức cấp cao của Nhà Trắng cũng như các trợ lý hàng đầu của 4 nhà lập pháp - Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell và Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries - đã nhóm họp hàng ngày.

Hiện tại, cấu trúc trên đã có thay đổi để tập trung hơn vào những yêu cầu của cả 2 bên trong việc nâng trần nợ công. Cố vấn tổng thống Steve Ricchetti, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Shalanda Young và giám đốc các vấn đề lập pháp Louisa Terrell sẽ đại diện cho phe Dân chủ. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Garret Graves - người cố vấn cho ông McCarthy về vấn đề nợ và ngân sách - sẽ đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia đàm phán.

Tuy nhiên, hiện các cuộc thảo luận đang ghi nhận tiến triển không tích cực. Trả lời các phóng viên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 19/5, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierret thừa nhận giữa hai bên vẫn đang có những “sự khác biệt lớn” về các điều kiện nâng trần nợ công.

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Garret Graves cũng đưa ra nhận định sau cuộc họp tại Điện Capitol với các quan chức Nhà Trắng rằng không có tiến triển thực sự nào được đưa ra trong cuộc họp thứ hai này. Cụ thể, hãng tin Reuters trích dẫn ông cho biết: “Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất, rất thẳng thắn về tình hình hiện tại và những gì cần đạt được”. Đồng thời, ông cũng cho biết thời gian của cuộc họp tiếp theo chưa được ấn định.

Những diễn biến không thuận lợi của đàm phán nâng trần nợ công của chính phủ liên bang diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là tới ngày 1/6 - ngày mà Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nước này có thể vỡ nợ và gây ra tác động kinh tế sâu rộng.

Đảng Cộng hòa kiểm soát đa số tại Hạ viện trong khi Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden chiếm đa số Thượng viện. Đây chính là nguyên nhân vì sao việc thông qua một thỏa thuận với đủ số phiếu đồng thuận của 2 bên là một điều khó khăn.

Các vấn đề lớn nhất xoay quanh cuộc đàm phán hiện tại chính là về yêu cầu cắt giảm mạnh chi tiêu của các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa để đổi lấy việc nâng trần nợ công. Trong khi các nhà lập pháp đảng Dân chủ muốn duy trì chi tiêu ổn định ở mức của năm 2023, các đảng viên Cộng hòa muốn quay trở lại mức chi tiêu của năm 2022.

Lần cuối cùng nước Mỹ gần trên bờ vực vỡ nợ là vào năm 2011 và tình hình thỏa thuận lần đó cũng gần tương đồng như hiện tại với một tổng thống và Thượng viện thuộc Đảng Dân chủ và một Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo.

Quốc hội Mỹ vào thời điểm đó đã thành công ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ, tuy nhiên nền kinh tế quốc gia này vẫn phải chịu tác động tiêu cực. Các ảnh hưởng lớn nhất bao gồm việc quốc gia này bị hạ xếp hạng tín dụng và các nhà đầu tư thực hiện một đợt bán tháo cổ phiếu lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp