‘Không kiểm soát được nhập khẩu thì ngành chăn nuôi khó có thể phát triển’

Nhập lậu Chăn nuôi
13:28 - 11/01/2024
Ảnh minh họa: VGP
Ảnh minh họa: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương, nếu không kiểm soát nhập khẩu, xúc tiến xuất khẩu thì ngành chăn nuôi Việt Nam không phát triển được và không lâu nữa Việt Nam sẽ thành nước nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam.

Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền trung và miền nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục...

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định tại buổi họp về nhập lậu gia súc, gia cầm diễn ra tại trụ sở Bộ NN&PTNT chiều 10/1, thời gian qua nhiều trang trại chăn nuôi nội địa gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất vì sự cạnh tranh không lành mạnh về giá cả, liên quan đến việc mất kiểm soát gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu vào trong nước.

“Chúng tôi đã làm chăn nuôi 40 năm và thấy được nguy cơ khủng khiếp từ nhập lậu, áp lực lớn cho chăn nuôi trong nước, an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Nhập lậu chăn nuôi thì cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều chết”, ông Dương nói.

Trong nước, chủ thể chăn nuôi phải tuân thủ theo các quy định, bao gồm không được sử thuốc tăng trọng, tuân thủ kiểm soát dịch bệnh… Trong khi đó, sản phẩm chăn nuôi theo đường nhập lậu lại không phải chịu thuế, mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về dịch bệnh.

Mặt khác, ngành sản xuất thực phẩm nội địa đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, nếu tiếp tục nhập khẩu mà sức mua không tăng lên thì gây khó cho việc tiêu thụ của người chăn nuôi nội địa.

“Nếu không kiểm soát nhập khẩu, xúc tiến xuất khẩu thì tôi tin rằng ngành chăn nuôi không phát triển được, không lâu nữa Việt Nam sẽ thành nước nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi”, ông Dương khuyến nghị.

Tình trạng nhập lậu gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh. Ảnh: VGP

Tình trạng nhập lậu gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh. Ảnh: VGP

Tại buổi họp, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) cho rằng, tình trạng trên trước hết xuất phát từ yếu tố lợi nhuận khi ngành chăn nuôi trong nước sản xuất ra sản phẩm có giá thành sản phẩm cao hơn. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cá nhân đã sang Lào xây dựng trang trại rồi nhập khẩu gà đẻ với giá 20.000 đồng/con, qua biên giới Việt Nam có thể bán 40.000 – 60.000 đồng/con. Tương tự, giá lợn trong nước ở khoảng 50.000 đồng/kg, trong khi ở Thái Lan chỉ có 30.000 đồng/kg.

Trước tình hình nhập lậu như hiện nay, ngày 6/12/2023, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 29 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Để triển khai Chỉ thị 29, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã đề xuất Bộ theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa và nhập khẩu; phối hợp với các địa phương và Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật qua biên giới; tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai phòng chống dịch.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Thanh tra Bộ phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Cục Thú y để duy trì các biện pháp phòng ngừa và xử lý tình trạng nhập lậu qua biên giới.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Dương, bên cạnh việc kiểm soát ở biên giới, các cơ quan chức năng còn phải hành động để làm sao nếu hàng nhập lậu vào nội địa thì không tiêu thụ được.

Về việc thúc đẩy xuất khẩu, theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, Việt Nam cần phải nắm bắt trao đổi, nắm rõ yêu cầu của các nước, các tổ chức quốc tế, biên tập tài liệu để giúp doanh nghiệp, người dân nắm được thông tin.

Cùng với đó, trong đàm phán với các nước phải có tính chất đánh đổi. Đơn cử, tháng 12 vừa qua, Việt Nam đồng ý nhập khẩu thịt dê, cừu đông lạnh từ Mông Cổ, ngược lại yêu cầu Mông Cổ phải nhập khẩu thịt gia cầm, trứng gia cầm của Việt Nam…

Cục trưởng kiến nghị, các hiệp hội khi làm việc với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, một trong những điều kiện tiên quyết là có kế hoạch xuất khẩu bởi giá lên xuống thất thường, có thời điểm giá nội địa lên cao nhưng cũng có lúc xuống thấp.

Hiệp hội, doanh nghiệp cùng Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đồng hành trong đàm phán để xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác.

Đọc tiếp