Kích hoạt dòng chảy đầu tư mạnh mẽ hơn giữa các nước ASEAN vào nông nghiệp

NÔNG NGHIỆP CHÍNH SÁCH
17:42 - 03/06/2022
Các nước ASEAN cần thực hiện cải cách chính sách để nâng cao hiệu quả của thị trường nông sản.
Các nước ASEAN cần thực hiện cải cách chính sách để nâng cao hiệu quả của thị trường nông sản.
0:00 / 0:00
0:00
Nhận thấy khu vực ASEAN vẫn tồn tại một số ràng buộc về thể chế và chính sách trong hội nhập nông nghiệp quốc tế, các chuyên gia đề xuất ASEAN nên làm việc với tất cả các thành viên để kích hoạt dòng chày đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn vào nông nghiệp. 

Chương trình hỗ trợ tập trung vào 5 nước ASEAN

Bàn về chương trình hỗ trợ các quốc gia ASEAN đang chuẩn bị tham gia hội nhập thị trường quốc tế, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho biết, Chương trình “Chuyển đổi nông nghiệp và Hội nhập thị trường ở khu vực ASEAN: Đáp ứng các mối quan tâm về an ninh lương thực và tính bao trùm (AMTI-ASEAN)” có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Chương trình AMTI - ASEAN do Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ, Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI) phối hợp với Trung tâm Vùng Châu Á Thái Bình Dương về đào tạo sau đại học và nghiên cứu nông nghiệp (SEARCA) triển khai hỗ trợ đến các nước ASEAN nói chung, trong đó tập trung vào 5 quốc gia thành viên ASEAN: Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Philippines.

Ảnh tác giả

"Chương trình nhằm giúp các quốc gia ASEAN đạt được các kết quả chính, gồm: Tăng cường năng lực các quốc gia thành viên ASEAN được quan tâm trong việc phát triển các chính sách và chương trình, giúp đỡ các nông hộ nhỏ điều chỉnh theo những thay đổi của thị trường nông sản và thực phẩm tiểu vùng".

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

Chương AMTI - ASEAN cũng thúc đẩy hợp tác về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp giữa tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, bằng cách phát triển các chương trình và biện pháp chiến lược trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng, cũng như khuyến khích đầu tư vào các ngành nông nghiệp và thực phẩm.

Trong khuôn khổ AMTI - ASEAN, Diễn đàn chính sách “Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm khu vực ASEAN - Hậu Covid-19: Ứng phó các mối quan tâm về an ninh lương thực và tính bao trùm”, diễn ra hôm 1/6 đã tiếp tục bàn về các giải pháp hỗ trợ các quốc gia ASEAN hội nhập thị trường quốc tế và chuyển dịch nông nghiệp.

Nhắc về Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt, ông Thắng cho biết, mục tiêu của Việt Nam là làm sao xây dựng nền nông nghiệp bền vững hơn, xanh hơn, sạch hơn.

“Ngoài khía cạnh đảm bảo lương thực cho Việt Nam, chúng tôi cũng cố gắng làm sao cung cấp các sản phẩm tốt nhất, đạt tiêu chuẩn, thân thiện môi trường ra thế giới”, TS Trần Công Thắng chia sẻ thêm.

Giải quyết trở ngại phát triển nông nghiệp cho các nước ASEAN

Làm rõ hơn những rằng buộc giữa thể chế và chính sách trong việc thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản thực phẩm của thị trường ASEAN, TS Ganesh Thapa, nguyên Trưởng nhóm Kinh tế Khu vực của IFAD nhìn nhận, khu vực này vẫn tồn tại một số ràng buộc về thể chế và chính sách.

Ảnh tác giả

“Các nước ASEAN đã thực hiện cải cách chính sách để nâng cao hiệu quả của thị trường nông sản, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức lớn cho Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam”.

TS Ganesh Thapa, nguyên Trưởng nhóm Kinh tế Khu vực của IFAD

“Những hạn chế chung với nhóm quốc gia này bao gồm cơ sở hạ tầng không đầy đủ, nghiên cứu và giáo dục kỹ thuật hạn chế, quyền sử dụng đất không chắc chắn, thực thi pháp luật thiếu hiệu quả, liên kết giữa các chuỗi giá trị trong ngành còn yếu. Ngoài ra, đất đai canh tác nhỏ lẻ và manh mún, số lượng các tổ chức nông dân, hợp tác xã và mạng lưới sản xuất chưa đa dạng cũng là trở ngại cho phát triển”, TS Ganesh cho biết thêm.

Đưa ra một số ví dụ cụ thể tại Myanmar, TS Ganesh chỉ ra, năng lực ở các cấp chính quyền và các tổ chức nông dân trong việc hỗ trợ canh tác theo hợp đồng còn thấp.

Tương tự như vậy, Campuchia có năng lực chế biến nông sản trong nước thấp, chi phí vận hành cao do chi phí điện và vận chuyển cao còn tại Lào, số lượng các tổ chức nông dân cung cấp dịch vụ kỹ thuật và thị trường hạn chế, nguồn nhân lực về an toàn thực phẩm còn thiếu.

Điều này cũng xảy ra tương tự ở Việt Nam, khi các ngành công nghiệp chế biến nông sản sau thu hoạch kém phát triển, chưa gặt hái nhiều thành công trong việc thúc đẩy canh tác theo hợp đồng.

Căn cứ từ tình hình thực tế, TS Ganesh đề ra một số giải pháp ASEAN có thể thực hiện trong tương lai. Trong đó, nhấn mạnh ASEAN nên làm việc với tất cả các thành viên để kích hoạt dòng chảy đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, các hộ nông dân nhỏ bị thiệt thòi trong việc tiếp cận các chuỗi giá trị nông sản - nơi các tổ chức nông dân và hợp tác xã còn yếu kém.

“Do vậy. ASEAN và các chính phủ nên giúp đỡ trong việc tổ chức và củng cố các tổ chức nông dân và hợp tác xã đồng thời thúc đẩy các phương pháp tiếp cận sáng tạo bằng các trung tâm kinh doanh nông thôn, thu gom kiêm phân bổ”, nguyên Trưởng nhóm Kinh tế Khu vực của IFAD khuyến nghị.

Ông Ganesh cũng cho rằng, an toàn và chất lượng thực phẩm đã trở thành vấn đề quan trọng do mở cửa thị trường đặt ra yêu cầu cho ASEAN cần tập trung giải quyết các vấn đề về SPS.

Tin liên quan

Đọc tiếp