Làn sóng IPO tại Đông Nam Á vẫn gia tăng trong khi thế giới sụt giảm

IPO ĐÔNG NAM Á
15:25 - 19/07/2023
Sở giao dịch Chứng khoán Indonesia tại Jakarta. Ảnh: Reuters
Sở giao dịch Chứng khoán Indonesia tại Jakarta. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh khó khăn, số lượng các đợt IPO tại Đông Nam Á, chủ yếu tập trung vào nhu cầu trong nước như bất động sản và thực phẩm cũng như năng lượng tái tạo, vẫn chứng kiến sự gia tăng tại các sàn giao dịch chứng khoán địa phương.

Theo phân tích của Nikkei Asia dựa trên dữ liệu từ Dealogic, một nền tảng tài chính, số lượng tiền huy động được thông qua các đợt IPO trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2023 giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên tại khu vực Đông Nam Á, xu hướng này ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, các đợt IPO tại Đông Nam Á đã huy động được 4,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi số lượng các đợt IPO tăng 14% lên 79. Kể từ năm 2019 , cả số lượng các đợt IPO và số tiền huy động được ở Đông Nam Á đều ghi nhận sự gia tăng 80% trên cơ sở giá trị - một con số tuy vẫn còn nhỏ nếu so với Mỹ và châu Âu nhưng thể hiện tiềm năng lớn.

Indonesia hiện là quốc gia nắm giữ nhiều đợt IPO nhất khi chiếm tới 41 – tương đương hơn một nửa tổng số đợt IPO tại Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2023. Ngoài ra, 4 công ty gây quỹ hàng đầu trên thị trường cũng là các công ty của nước này, chủ yếu tập trung vào các ngành liên quan tới môi trường nhằm nắm bắt nhu cầu mới, ví dụ như xe điện hay năng lượng tái tạo.

Tính tới thời điểm IPO trên Sở giao dịch Chứng khoán Indonesia là ngày 19/6, công ty khai thác đồng và vàng Amman Mineral International đã huy động được số tiền lớn nhất trong khu vực là hơn 700 triệu USD. Là công ty điều hành mỏ Batu Hijau, mỏ vàng và đồng lớn thứ hai của Indonesia tại tỉnh Tây Nusa Tenggara, Amman đạt được thành công nhờ nhu cầu xe điện cũng như năng lượng tái tạo gia tăng, kéo theo nhu cầu về đồng gia tăng.

Công ty gây quỹ lớn thứ hai là Trimegah Bangun Persada, một công ty Indonesia chuyên khai thác và tinh chế niken cho pin xe điện thuộc tập đoàn địa phương Harita Group. Đứng thứ ba là công ty Vật liệu Pin Merdeka thuộc công ty khai thác vàng và đồng Merdeka Copper Gold trong khi công ty Năng lượng Địa nhiệt Pertamina - công ty con sản xuất điện địa nhiệt của công ty dầu khí nhà nước Indonesia Pertamina – đứng thứ tư.

Thái Lan cũng ghi nhận các đợt IPO trên Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan thuộc về Tập đoàn Millennium vào tháng 4/2023 – một doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, cùng với Master Style vào tháng 1 đầu năm – doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ.

Trong khi đó, Malaysia cũng ghi nhận 2 đợt IPO đến từ công ty DXN Holdings chuyên sản xuất thực phẩm và mỹ phẩm tốt cho sức khỏe đã thành công lên sàn hồi tháng 5 và nhà phát triển bất động sản Radium Development.

Với sự sụt giảm về số lượng các công ty startup là kỳ lân tiến hành niêm yết, các sàn giao dịch chứng khoán tại Đông Nam Á chủ yếu ghi nhận các công ty quy mô vừa và các công ty liên kết với các tập đoàn lớn niêm yết.

Nhận định về tình hình trên, Nikkei Asia trích dẫn ông Takahiro Suzuki, một đối tác chung của Genesia Ventures, chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở châu Á, cho biết: “Indonesia được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển thành một thị trường mà các kỳ lân sẽ niêm yết, nhưng môi trường IPO của các công ty startup hiện tại vẫn rất khó khăn”.

Đọc tiếp