Lệnh cấm than Nga của EU sẽ khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt

NĂNG LƯỢNG THẾ GIỚI
11:59 - 06/04/2022
Khai thác than tại Mezhdurechensk, Nga. Ảnh: Bloomberg
Khai thác than tại Mezhdurechensk, Nga. Ảnh: Bloomberg
0:00 / 0:00
0:00
Châu Âu đang tham gia vào một "canh bạc lớn" với việc chuẩn bị áp lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga. Việc này có khả năng dẫn tới thiếu hụt điện tại khu vực châu Âu, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ phải đối mặt với giá than tăng phi mã.

Hiện là nhà cung cấp than nhiệt hàng đầu của châu Âu, than từ Nga được sử dụng rộng rãi để cung cấp năng lượng cho các nhà máy điện trong khu vực này. Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự của mình tại Ukraine, Liên minh Châu Âu đã tham gia cùng Mỹ trong việc đưa ra lập trường cứng rắn hơn nhằm trừng phạt các hành động của Nga và hạn chế việc phụ thuộc vào hàng hóa từ nước này.

Tuy nhiên, Nga là một nền kinh tế lớn có mối liên kết sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Do đó, Mỹ cùng các nước đồng minh phương Tây không thể tìm kiếm được giải pháp thay thế rõ ràng nào cho số lượng than khổng lồ từ Nga. Như một kết quả tất yếu, thị trường đang hình thành hiệu ứng domino tranh giành than điên cuồng.

Vận chuyển than từ Siberia, Nga. Ảnh: Reuters

Vận chuyển than từ Siberia, Nga. Ảnh: Reuters

Sự phụ thuộc của EU vào than của Nga

Theo Japan Times, Châu Âu mua 2 loại than chính từ Nga. Loại thứ nhất là than nhiệt được sử dụng cho các nhà máy điện và loại thứ 2 là than luyện kim được sử dụng trong sản xuất thép. Khi sản xuất than từ các nước này giảm sút, châu lục này lại càng phụ thuộc hơn nữa vào Nga. Thị phần của Nga trong lĩnh vực nhập khẩu than nhiệt của EU chiếm tới gần 70%, trong đó các quốc gia như Đức và Ba Lan đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung này.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, các quốc gia Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan nhận được gần 25% tổng lượng than xuất khẩu từ Nga vào năm 2021. Khoảng 10% sản lượng điện của Đức được tạo ra bằng cách đốt than cứng và không giống như nước láng giềng Pháp, nước này có rất ít năng lượng hạt nhân như một phương án dự phòng. Các nhà máy cuối cùng còn lại tại đây sẽ hoạt động ngoại tuyến trong năm nay như một phần của quá trình chuyển đổi sang nhiều năng lượng tái tạo hơn.

Với nước phụ thuộc nhiều như Đức, công ty năng lượng EnBW Energie Baden-Wuerttemberg AG của nước này vào tháng 3 cho biết đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung than để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, do 80% lượng than của công ty là từ Nga, việc đổi sang các nguồn cung khác chỉ có thể xảy ra trong trung hạn. Trên hết do quãng đường vận chuyển than thay thế từ Úc và Nam Phi xa xôi hơn, nên chi phí sẽ tốn kém hơn nhiều.

Thêm vào đó, dù Mỹ có thể can thiệp giúp châu Âu loại bỏ phần nào ảnh hưởng của Nga trong lĩnh vực khí đốt nhưng vẫn khó có thể làm điều tương tự với than đá. Các công ty khai thác tại châu Âu đã bán phần lớn sản lượng theo các hợp đồng dài hạn. Do đó, họ không thể tăng sản lượng do đã đóng cửa các mỏ trong nhiều năm.

Ngay cả trước các lệnh trừng phạt, các công ty năng lượng châu Âu đã phải vật lộn để đạt được nguồn cung than than đá của Nga. Giờ đây với các lệnh cấm vận, nhiều ngân hàng đã từ chối cấp vốn cho hoạt động kinh doanh hàng hóa, buộc một số công ty lớn phải mua than ở Nam Phi và Úc với chi phí cao hơn.

Các nhà phân tích của Bank of America nhận định rằng, tuy sự gia tăng xuất khẩu từ các quốc gia như Indonesia “có thể giúp bù đắp lượng hàng bị mất từ Nga”, “điều này sẽ không bù đắp được cho những khác biệt về chất lượng”.

Theo ông Jake Horslen, một nhà phân tích tại S&P Commodities Insights, than của Nga là lựa chọn thuận tiện nhất và rẻ nhất. Thậm chí tại thị trường Đức, than của quốc gia này là loại phù hợp nhất nếu xét tới hàm lượng nhiệt và lưu huỳnh để cung cấp năng lượng cho các nhà máy châu Âu. Nếu lệnh cấm được thông qua, những nhà nhập khẩu than tại đây sẽ phải chịu áp lực tìm kiếm các giải pháp thay thế với chất lượng tương đồng.

Tuy châu Âu có thể tìm nguồn cung thay thế từ các nước khác, vấn đề chất lượng than và vấn đề logistics là những vấn đề khác cần phải cân nhắc. Ảnh: Reuters

Tuy châu Âu có thể tìm nguồn cung thay thế từ các nước khác, vấn đề chất lượng than và vấn đề logistics là những vấn đề khác cần phải cân nhắc. Ảnh: Reuters

Ảnh hưởng của lệnh cấm lên thị trường vốn đã căng thẳng

Tuy triển vọng lâu dài của than đá – một loại nhiên liệu hóa thạch bẩn – là không bền vững, hiện tại nó vẫn là giải pháp duy nhất nhằm có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tăng mạnh khi thế giới hồi phục sau đại dịch. Theo tổ chức nghiên cứu Ember, lượng phát thải carbon toàn cầu từ ngành điện đã tăng lên mức kỷ lục vào năm ngoái, một phần do đốt than nhiều hơn.

Tại thị trường toàn cầu vốn đã trong tình trạng căng thẳng trong nhiều tháng, lệnh cấm vận than Nga của châu Âu càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Giá than tại châu Âu vào đầu tháng 4 đã tăng 14% lên mức cao nhất trong 3 tuần gần đây hôm 5/4, trong khi giá hợp đồng tương lai tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2022. Giá than tiêu chuẩn tại châu Á đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3, trong khi tại Mỹ, giá than đã đạt mức 100 USD / tấn vào lần đầu tiên sau 13 năm.

Giờ đây khi châu Âu sắp thông qua lệnh cấm than của Nga, các thành viên trong khối sẽ bị buộc phải tìm kiếm thị trường khác với nguồn cung trải dài từ các nước xa xôi như Nam Phi, Úc và Indonesia với chất lượng không đồng đều. Tuy rằng nguồn cung than có thể được lấy từ các thị trường khác, thị trường than toàn cầu hiện cũng đang rất khan hiếm nguồn cung.

Theo các nhà phân tích của Bank of America, sự gián đoạn nguồn cung từ Nga là một đòn đánh khác trong một loạt các đòn đánh vào nguồn cung từ đầu năm ngoái xuất phát từ gián đoạn đường sắt, bùng phát COVID-19 và thậm chí là lệnh cấm xuất khẩu than tạm thời từ Indonesia, nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới.

Thị trường có thể cân bằng thông qua việc giảm nhu cầu, nhưng việc này không dễ dàng như lời nói. Thiếu hụt khí đốt đã tạo ra sự thiếu hụt năng lượng vào một thời điểm mà năng lượng gió và thủy điện không còn được tin tưởng tại nhiều vùng. Châu Âu và châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất khi các quốc gia lớn đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc cùng nhiều thị trường khác đối mặt với tình trạng thiếu điện và mất điện. Giá năng lượng cũng đã tăng vọt ở Mỹ, dù tình hình không tới mức quá nghiêm trọng.

Mặt khác đối với châu Âu, khan hiếm chưa phải là vấn đề đau đầu duy nhất. Vấn đề logistics nhằm chuyển hướng tới các nhà cung cấp mới cũng sẽ là một vấn đề cần phải được cân nhắc. Do Nga nằm gần châu Âu, vị trí địa lý thuận tiện này giúp nước này giành được nhiều lợi thế trong một thị trường năng lượng vốn phụ thuộc vào các chuyến hàng nặng kéo dài nhiều ngày. Thay đổi nguồn cung từ các quốc gia xa xôi sẽ chỉ làm tăng chi phí hơn nữa trong bối cảnh giá than đang tăng mạnh.

Vì vậy, bất kỳ lệnh trừng phạt nào lên Nga sẽ chỉ làm tình hình tại châu Âu tồi tệ hơn. Theo khảo sát hàng tuần của Argus Media, than dự trữ ở các bến cảng Amsterdam, Rotterdam và Antwerp vẫn ở mức thấp nhất trong mùa trong vòng ít nhất 6 năm trở lại đây.

Tin liên quan

Đọc tiếp