Liên Hợp Quốc cảnh báo khủng hoảng khí hậu ngày COP27 khai mạc

Khí hậu THẾ GIỚI
08:26 - 07/11/2022
Các nhà khoa học kêu gọi thế giới cần hành động ngay bây giờ và loại bỏ chủ nghĩa trì hoãn khí hậu. Ảnh: Environmental Defense Fund
Các nhà khoa học kêu gọi thế giới cần hành động ngay bây giờ và loại bỏ chủ nghĩa trì hoãn khí hậu. Ảnh: Environmental Defense Fund
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Khí tượng Thế giới hôm 6/11 đã đưa ra lời cảnh báo về tình hình khí hậu ngày càng cấp thiết trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) vừa khai mạc.

Theo CNBC trích dẫn tuyên bố của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Báo cáo về Khí hậu Toàn cầu mới nhất chính là một “biên niên sử” về sự hỗn loạn khí hậu. Do đó, ông kêu gọi thế giới cần phải trả lời tín hiệu kêu cứu của hành tinh bằng các hành động đáng tin cậy.

Những lời phát biểu cấp thiết của ông Antonio Guterres phán ánh lại báo cáo khí hậu hàng năm đầy u ám của cơ quan thời tiết Liên Hợp Quốc. Kể từ năm 1990, mực nước biển trong thập kỷ vừa qua đã dâng cao gấp đôi và đang dâng với tốc độ cao hơn kể từ tháng 1/2020. Cụ thể, kể từ đầu thập kỷ này, nước biển đang tăng 5mm một năm so với 2,1mm trong những năm 1990.

Trong báo cáo của mình, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết 8 năm qua là thời điểm nhiệt độ ghi nhận được cao nhất. Theo ông Petteri Taalas - Giám đốc WMO, báo cáo không hề đưa ra bất kỳ chỉ số tích cực nào và lý do duy nhất khiến thế giới không phá kỷ lục nhiệt độ hàng năm trong vài năm qua là hiện tượng thời tiết La Niña kéo dài 3 năm liên tiếp rất hiếm gặp.

Trong bối cảnh đó, mức độ giữ nhiệt của carbon dioxide, methane và nitrous oxide ghi nhận được cũng đều đạt mức cao kỷ lục, trong đó lượng khí methane mạnh tăng với tốc độ kỷ lục.

Hệ quả của việc này không chỉ nằm ở việc khiến nhiệt độ trên đất liền ấm hơn mà còn khiến khối lượng băng tại Greenland cũng như nhiều sông băng trên thế giới bị thu hẹp lại đáng kể. Trong 26 năm liên tiếp, Greenland ghi nhận hiện tượng băng tan trong khi khối lượng tuyết trên sông băng ở Thụy Sĩ đã giảm hơn 1/3 từ năm 2001 đến năm 2022.

Do đó, ông Petteri Taalas nhận định với hãng thông tấn AP rằng thế giới không những chịu thua trong việc ngăn sự tan chảy của băng mà còn thua trong việc ngăn cản mực nước biển gia tăng.

Trên hết, do 90% nhiệt lượng bị giữ lại trên Trái đất sẽ đi vào đại dương, phần 2.000m phía bên trên của đại dương đang nóng lên nhanh hơn khi tốc độ ấm lên của đại dương trong 15 năm qua nhanh hơn 67% so với năm 1971. Trong tương lai, nhiệt độ đại dương vẫn sẽ tiếp tục ấm lên và sự thay đổi này là không thể đảo ngược trên quy mô thời gian từ trăm năm đến nghìn năm.

Ở một diễn biến khác, dữ liệu u ám về sự gia tăng mực nước biển và nhiệt độ trung bình vẫn không là gì so với những ảnh hưởng của biến đối khí hậu lên chính con người. Là một hệ quả của toàn cầu nóng lên, báo cáo nêu lên sự nghiêm trọng của trận lũ lụt mùa hè ở Pakistan khiến hơn 1.700 người thiệt mạng và 7,9 triệu người phải di dời hay trận hạn hán kéo dài 4 năm ở Đông Phi khiến hơn 18 triệu người bị đói.

Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra bởi nóng lên toàn cầu cũng là nguyên nhân sông Dương Tử tại Trung Quốc khô hạn kỷ lục hồi tháng 8 và gây ra làn sóng nhiệt khiến người dân châu Âu khốn đốn và khiến nhiều vụ mùa tại đây bị ảnh hưởng.

Nhận định về tình hình hiện tại, nhà khoa học khí hậu Jennifer Francis thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell ở Cape Cod, so sánh báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới giống như báo cáo cho một bệnh nhân bị đang trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên trong trường hợp này, bệnh nhân chính là Trái Đất.

Giáo sư khí tượng Marshall Shepherd của Đại học Georgia tuyên bố các tình hình biến đổi khí hậu đang rất tồi tệ và sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa nếu thế giới không hành động gấp rút. Theo ông, các bước đầu tiên mà thế giới có thể hành động nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là loại bỏ “chủ nghĩa trì hoãn khí hậu” và loại bỏ việc nói về các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai khi chúng đang hiện hữu mỗi ngày trong hiện tại.

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tổ chức tại Sharm el-Sheikh, Nam Sinai, Ai Cập, từ ngày 6 - 18/11. Sự kiện có sự tham dự của các đại biểu từ gần 200 quốc gia, với kỳ vọng tìm ra các giải pháp hạn chế những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định, trong khuôn khổ hội nghị kéo dài 13 ngày, COP27 phải đặt nền móng cho các hành động về khí hậu “nhanh hơn, táo bạo hơn ngay bây giờ và trong thập kỷ quan trọng này”, vì điều đó có thể quyết định sự thắng bại của cuộc chiến khí hậu toàn cầu.

Đọc tiếp