'Lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công'

rửa tiền QUỐC HỘI
12:45 - 01/11/2022
Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhìn nhận lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhìn nhận lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung - Đoàn tỉnh Nghệ An nhận định, lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công khi các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, sáng 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Xem xét lại khái niệm "rửa tiền"

Cho ý kiến tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét lại khái niệm "rửa tiền" trong dự thảo Luật. Việc quy định đầy đủ, chặt chẽ, phản ánh đúng bản chất khái niệm "hành vi rửa tiền" sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm rửa tiền.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung khái niệm này tại dự thảo Luật, đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự và khuyến nghị của lực lượng quốc tế quan trọng nhất về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (FATF) thì khái niệm này chưa thật sự chính xác.

Khái niệm "rửa tiền" trong dự thảo thực chất là việc xác định các hành vi rửa tiền trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền rộng hơn các hành vi rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự. Điều này dẫn đến hệ quả là các hành vi vi phạm được quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 của Điều 3 sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 324 Bộ luật Hình sự và như vậy là không phù hợp với kiến nghị số 3 của FATF.

Bên cạnh đó, quy định trên sẽ dẫn đến tình trạng trong hệ thống pháp luật sẽ có hai văn bản luật bao gồm Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống rửa tiền cùng xác định về hành vi rửa tiền nhưng lại không thống nhất với nhau, tạo nên cái sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị xem xét không nên quy định trực tiếp khái niệm "hành vi rửa tiền" trong luật này mà chỉ nên quy định theo hướng dẫn chiếu sang Bộ luật Hình sự.

Song, theo Bộ luật Hình sự hiện nay, khái niệm này lại chưa phù hợp với khuyến nghị số 3 của FATF, do vậy đồng thời đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát và trình Quốc hội sửa đổi Điều 324 Bộ luật Hình sự để phù hợp với khuyến nghị của FATF.

Giao dịch tiền ảo là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền

Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ sự quan tâm đến giao dịch bằng loại tiền ảo qua hình thức online, kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, ngoài giao dịch bằng tiền mặt bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát và dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển.

Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung cụm từ hoặc các giao dịch khác vào sau cụm từ "ngoại tệ tiền mặt", đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: quochoi.vn

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng để ngăn chặn, xử lý kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh trường hợp đối tượng hoặc tội phạm tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, đối phó, bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu xem xét rút ngắn thời hạn này còn 3 ngày kể từ khi nhận được báo cáo nghi ngờ giao dịch liên quan đến rửa tiền của đối tượng báo cáo (thay vì 10 ngày như trong dự thảo), sẽ phù hợp hơn.

Lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công

Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận thấy hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, kĩ lưỡng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công khi các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.

Đại biểu nêu rõ việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Do đó để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản. Bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đồng thời, cần bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần.

Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền đối với các đối tượng này.

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng nhấn mạnh cần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề thiết kế một chương về hợp tác quốc tế về phòng chống rửa tiền để đảm bảo tính logic của dự thảo Luật, đồng thời nhằm tiếp tục khẳng định rằng Việt Nam rất là chủ động trong hoạt động hợp tác song phương cũng như đa phương trong cuộc chống rửa tiền và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong phòng chống rửa tiền.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.