Cần quy định mức độ hoàn thành dự án tái định cư trước khi thu hồi đất

LUẬT ĐẤT ĐAI QUỐC HỘI
11:21 - 01/11/2022
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một số quy định cần cụ thể hơn để đảm bảo thoả đáng.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi trước Quốc hội sáng 1/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, do đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề.

Liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Khoản 2 Điều 97 dự thảo Luật quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên tắc này cần được định lượng cụ thể hơn, có quy định hướng dẫn chi tiết, tiêu chí cụ thể, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện, vừa bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất, vừa tránh trường hợp người dân không chấp nhận phương án bồi thường do quy định không rõ ràng. Đồng thời, cần có cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc này để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.

Khoản 3 Điều 97 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc bồi thường về đất theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, Ủy ban Kinh tế nhận thấy quy định như vậy tạo sự linh hoạt và bảo đảm việc bồi thường phù hợp với nhu cầu của người có đất thu hồi và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, do đó, cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn.

Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người có đất thu hồi. Đồng thời, đề nghị quy định thứ tự ưu tiên trong các hình thức bồi thường về đất, bảo đảm thực hiện bồi thường thỏa đáng, công bằng, không gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về cơ chế bồi thường linh hoạt trên cơ sở nhu cầu của người có đất thu hồi, tương ứng với quyền, lợi ích của họ được hưởng khi bị thu hồi đất và địa phương, tổ chức có liên quan có khả năng đáp ứng.

Khoản 7 Điều 98 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các trường hợp khác về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng ngoài 6 trường hợp đã được liệt kê.

Ủy ban Kinh tế cho rằng nội dung này rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất. Do đó, đề nghị quy định cụ thể các trường hợp ngay trong Luật; có ý kiến đề nghị nếu giao Chính phủ quy định thì trước khi ban hành, Chính phủ cần báo cáo, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh (Mục 2 Chương VII dự thảo Luật). Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nguyên tắc hoặc cơ chế pháp lý đối với đất bị thu hồi, tài sản bị thiệt hại mà tại thời điểm thu hồi, bị thiệt hại đang tồn tại giao dịch hợp pháp giữa người sử dụng đất, người có tài sản với cá nhân, tổ chức khác (ví dụ, đang là tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ...).

Về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Khoản 3 Điều 112 dự thảo Luật quy định về Quỹ hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ mục đích và nội dung hỗ trợ cho các chủ thể này, tránh trùng lặp với các khoản hỗ trợ đã được quy định tại khoản 2 Điều này. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm về hoạt động của Quỹ; nguồn hỗ trợ, cụ thể tỷ lệ trích lập từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương, việc hạch toán các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân khác.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng hỗ trợ là người nghèo tại điểm d khoản 2 Điều 112 dự thảo Luật.

Về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 113); Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về phương án ổn định nghề nghiệp của người bị thu hồi đất, xử lý tài sản gắn liền với đất thu hồi là phương án ưu tiên.

Trường hợp không thể thực hiện được theo phương án này hoặc theo yêu cầu của người bị thu hồi đất, xử lý tài sản gắn liền với đất thu hồi thì hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho đối tượng chịu tác động; nghiên cứu bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong trường hợp người sử dụng lao động bị thu hồi đất.

Về tái định cư (Mục 4 Chương VII), có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc tái định cư phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định bố trí tái định cư trong trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống, theo hướng mỗi gia đình đang sống cùng nhà trên đất bị thu hồi được bố trí một suất tái định cư để bảo đảm cuộc sống, sinh kế của tất cả các thành viên, hộ gia đình.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về mức độ hoàn thành dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.

Tin liên quan

Đọc tiếp