Long An hướng tới nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước

Long An KINH TẾ
09:36 - 26/07/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Với vị trí địa lý thuận lợi cùng nhiều tiềm năng phát triển, Long An được kỳ vọng trở thành trung tâm phát triển kinh tế của phía Nam, là cửa ngõ kết nối hiệu quả giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An, chiều 25/7, các đại biểu đánh giá Long An hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh, giao thương thuận lợi với các tuyến đường bộ và đường thủy, gần các sân bay quốc tế như Tân Sơn Nhất, Long Thành.

Tỉnh còn là điểm sáng về thu hút đầu tư FDI; nền tảng công nghiệp phát triển với chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng trên 90%, trung tâm đầu mối về kinh tế nông nghiệp của vùng; đồng thời có lợi thế so sánh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là logistics.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP

Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An đạt mức khá cao, GRDP năm 2022 tăng 8,46%, xếp thứ 6/13 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 39/63 cả nước, trong 6 tháng năm 2023 GRDP ước tăng 3,43%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong nửa đầu năm 2023, khu vực nông nghiệp chiếm 16,41%; công nghiệp, xây dựng 50,92%; dịch vụ 27,13% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp 5,54%. Quy mô kinh tế năm 2022 xếp thứ 1/13 địa phương trong vùng và xếp thứ 12/63 cả nước; GRDP bình quân đạt 90,2 triệu đồng/người.

Quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt, các dự án giao thông trọng điểm được đẩy mạnh; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 46,69%, xếp thứ 3/63 cả nước.

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng, tỉnh đạt nhiều kết quả tốt trong thu hút đầu tư. Toàn tỉnh có trên 16.000 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 362.500 tỷ đồng; có 1.191 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 10,4 tỷ USD.

Các đại biểu cho rằng, với nhiều tiềm năng và những động lực mới, Long An cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phấn đấu là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; là cửa ngõ kết nối hiệu quả giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nằm trong nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, dựa trên nền tảng phát triển xanh, tự động hóa và công nghệ đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Long An đang đứng trước nhiều cơ hội, cần sáng suốt lựa chọn được những ưu tiên phù hợp với xu thế thời đại để có thể phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.

Long An đang có khí thế và động lực phát triển mới

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Long An có cơ hội phát triển mới khi có thể bổ sung và hỗ trợ cho TP HCM, Đông Nam Bộ đang chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong giai đoạn mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP

Thủ tướng biểu dương tỉnh đang nỗ lực làm tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng với nhiều dự án kết nối với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tuyến đường vành đai 3 TP HCM kết nối cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận và cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại như tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn thấp so với tiềm năng. Tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn trong thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao.

Lĩnh vực công nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Việc giải quyết vấn đề nhà ở công nhân, người thu nhập thấp... cần cố gắng hơn. Việc triển khai một số công trình, dự án còn chậm tiến độ; chưa khai thác hết lợi thế về vận tải, logistics…

Thủ tướng cho rằng, Long An phải tiếp tục nỗ lực hơn, quyết tâm cao hơn, cố gắng nhiều hơn nữa, tập trung vào các trụ cột gồm nông nghiệp sinh thái là trọng tâm; công nghiệp xanh, công nghệ cao, chế biến chế tạo, năng lượng là đột phá; dịch vụ - logistics hiện đại là bệ đỡ, đưa Long An trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực; đẩy mạnh thương mại điện tử; thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội, đô thị đồng bộ, hiện đại.

Cùng với đó kết nối hiệu quả với trung tâm kinh tế TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, kết nối với ASEAN bằng việc khai thác tốt lợi thế đầu mối kết nối với Campuchia. Phát huy nguồn lực về con người, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chú trọng hạ tầng văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục.

Long An có vị trí chiến lược quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là địa phương nằm liền kề TP HCM và có đường biên giới giáp ranh với Vương quốc Campuchia, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu. Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.