Maybank gọi tên những cổ phiếu đầu ngành có nhiều triển vọng

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
15:28 - 12/06/2022
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Việc thị trường giảm sâu trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5 đã đưa nhiều cổ phiếu đầu ngành về vùng định giá hấp dẫn. Trong Hội nghị nhà đầu tư (Invest Asean 2022) vừa qua, Chứng khoán Maybank đã gọi tên những mã tiềm năng sau giai đoạn chiết khấu cao này.

Theo Maybank, vừa qua sự nhiễu động pháp lý trên thị trường vốn đã khiến chỉ số VN-Index giảm 20%, từ mức cao nhất 1.530 điểm xuống mức thấp nhất trong 1 năm là 1.228 điểm. Trong vài tháng tới, khi các hoạt động ký quỹ dưới chuẩn phải duy trì ở mức thấp, vay ký quỹ theo chuẩn cũng có khả năng thu hẹp thì thị trường cần tìm kiếm điểm cân bằng mới.

Về mặt chính sách, cơ quan quản lý đã tuyên bố rõ ràng rằng các hành động pháp lý không nhằm mục đích phá vỡ thị trường vốn mà giúp minh bạch và bền vững hơn. Về kinh tế, so với tình hình năm 2012 khi Thành viên HĐQT Ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên bị bắt (dẫn đến việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng), hệ thống ngân hàng hiện nay đã lành mạnh hơn rất nhiều với tỷ lệ nợ xấu toàn tuyến ở mức 3,8% so với 17,2% cuối năm 2012. “Do đó, chúng tôi tin rằng sự bất ổn này sẽ không làm gián đoạn sự phục hồi chung của nền kinh tế”, báo cáo của Maybank nêu rõ.

Về mặt thị trường, Maybank kỳ vọng tâm lý chấp nhận rủi ro sẽ chuyển thanh khoản trở lại các cổ phiếu bluechip trong thời gian này, giúp thị trường tiếp tục xu hướng tăng dài hạn. Mặc dù chậm lại so với mức 37% trong năm 2021, nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự báo trong năm 2022 là 24% có khả năng vẫn đưa thị trường Việt Nam trở thành ngôi sao sáng nhất trong khu vực. Thị trường Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức 13,6 lần PER TTM, thấp hơn -1,5 lần so với mức trung bình 3 năm và mang lại cơ hội đầu tư dài hạn. Mức PER thấp nhất là 10,5 lần vào tháng 3 năm 2020, khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid đầu tiên.

Năm 2022 sẽ là một năm bùng nổ về tiêu dùng nhờ tác động của cải thiện thu nhập, cắt giảm thuế; đầu tư cơ sở hạ tầng lớn kết nối các khu kinh tế và dòng chảy thương mại, đặc biệt là ở phía Nam; xu hướng tăng mạnh về số lượng và chất lượng hàng xuất khẩu, FDI với vị thế là trung tâm sản xuất (đặc biệt là công nghệ cao) đang được hình thành ở Việt Nam… Các lĩnh vực hoạt động tốt nhất có thể bao gồm ngân hàng, bán lẻ, năng lượng, bất động sản.

Ngân hàng

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị chi phối bởi các ngân hàng thương mại - tiếp xúc với hầu hết các phân khúc kinh tế và chịu sự quản lý cao. Do đó, trong những thời điểm có những khó khăn vĩ mô, ngân hàng là ngành chịu tác động đầu tiên, cả về cơ bản và tâm lý.

Tại thị trường nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế như Việt Nam, các tin đồn có thể dễ dàng bị thổi phồng và gây hiểu lầm, điều này có thể kéo cổ phiếu ngân hàng giảm hơn dự kiến. Theo quan điểm của Maybank, để có một đợt thị trường phục hồi đáng kể do ngành ngân hàng dẫn đầu thì hai mối quan tâm chính là lạm phát và việc điều chỉnh lại hoạt động của thị trường trái phiếu cần phải được giải quyết.

ROE của ngân hàng năm 2022 so với 5 năm. Maybank

ROE của ngân hàng năm 2022 so với 5 năm. Maybank

Khi cổ phiếu ngân hàng giảm do nhà đầu tư cá nhân bán hoảng loạn và các lý do không liên quan đến FA (phân tích cơ bản) như hiện tại sẽ tạo những cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn mua tích lũy. Các cổ phiếu được Maybank khuyến nghị là mua TCB, VCB và MBB; tìm hiểu là TPB, HDB và STB.

Ngành ngân hàng vẫn được đánh giá triển vọng do tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, thu nhập từ phí tăng, trích lập dự phòng ổn định và nới lỏng, sẽ tạo cơ sở cho ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) tăng lên mức bền vững khoảng 2%. Các ngân hàng hàng đầu đang giao dịch gần P/BV trung bình 5 năm, trong khi ROE đã cải thiện lên mức cao 5 năm.

Hầu hết các ngân hàng niêm yết đã tạo ra trung bình lợi nhuận hơn 30% mỗi năm cho các nhà đầu tư “mua và nắm giữ” trong giai đoạn 2018-2021. Trong giai đoạn 2022-2205, các ngân hàng Việt Nam vẫn có thể mang lại ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) mạnh mẽ (trên 18%, về cơ bản sẽ dẫn đến việc tăng gấp đôi giá trị số sách vào năm 2025).

Cùng với thanh khoản tăng của thị trường chứng khoán và nâng cấp thị trường (khoảng năm 2025), các ngân hàng sẽ được định giá lại khoảng 1,8-2 lần, từ mức P/BV năm 2022 hiện tại là 1,4 lần. Do đó, các ngân hàng vẫn có thể tạo ra lợi tức đầu tư ít nhất là 30%/năm trung bình cho giai đoạn 2022-2025.

Bán lẻ

Ngành bán lẻ cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp của năm 2021 do Covid gây ra, đạt tăng trưởng vượt trội hơn so với chỉ số VN-Index vào năm 2022. Kinh tế phục hồi, thu nhập tăng cùng với gói kích thích tái mở cửa sẽ có khả năng thúc đẩy tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với hàng hóa không thiết yếu.

Quan trọng hơn, việc chuyển đổi sang thương mại hiện đại đã diễn ra nhanh chóng và các công ty hàng đầu trong nước như Thế giới Di động (MWG), Masan Group (MSN) và Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang thúc đẩy xu hướng này. Có rất nhiều cơ hội để những công ty này phát triển về lâu dài trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng và thị trường vẫn bị chi phối bởi các kênh truyền thống.

Cổ phiếu ngành bán lẻ hoạt động tốt trong 6 tháng 2022. Tuy nhiên, sự điều chỉnh bất hợp lý gần đây do suy giảm thanh khoản của thị trường nói chung đã đẩy định giá của những cổ phiếu này trở lại mức hấp dẫn. Maybank duy trì khuyến nghị mua đối với MWG (giá mục tiêu 180.000 đồng) và PNJ (giá mục tiêu 118.000). Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể tham khảo MSN, DGW và FRT.

Bất động sản

Bất chấp Covid, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (C-bond) vẫn tăng vọt trong hai năm qua. Những lo lắng là có thật nhưng quy mô của thị trường nợ vẫn còn tương đối nhỏ (giá trị thị trường C-bond của Việt Nam tính đến cuối năm 2021 chưa đến 15% tổng GDP so với các nước cùng khu vực như Thái Lan là 25%, Trung Quốc và Singapore ở mức 30 - 35% và Malaysia là 50%).

Với tỷ lệ hấp thụ và biên lợi nhuận vượt trội mà các chủ đầu tư tại Việt Nam đang được hưởng (tỷ lệ hấp thụ trung bình> 90% và biên lợi nhuận gộp trung bình là 40-45% so với mức trung bình của khu vực lần lượt là <30-40% và 20-30%), thị trường bất động sản vẫn chưa ở trong tình trạng bong bóng và cần thắt chặt hơn nữa các quy định để tăng trưởng bền vững hơn.

Ngành bất động sản non trẻ sẽ tiếp tục phát triển mạnh vì vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng. Sau đợt bán tháo, giá trị hấp dẫn ở những cái tên như NVL, NLG, VHM và VRE. Những cái tên đáng chú ý khác đáng chú ý trong ngành là HDG, VPI, KDH, DXG và BCG.

P/E của các công ty bất động sản hấp dẫn. Maybank

P/E của các công ty bất động sản hấp dẫn. Maybank

F&B

Việt Nam đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế từ đầu năm 2022 và đã khôi phục lại toàn bộ hệ thống du lịch kể từ tháng 3. Tuy nhiên, đà phục hồi của tiêu thụ F&B Việt Nam tiếp tục bị cản trở khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào giữa tháng 2 năm 2022. Điều này tác động từ lệnh cấm vận của Mỹ, Anh và các nước Liên minh châu Âu đối với Nga thông qua sự gia tăng phi mã của các mặt hàng, tức là lúa mì, đậu nành và ngô… trong ngắn hạn.

Về triển vọng dài hạn, ngành F&B sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế và thu nhập tăng, có thể sẽ thúc đẩy tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng. Các nhà sản xuất F&B trong nước như VNM, SAB, KDC và QNS sẽ được thúc đẩy bởi xu hướng này do lợi thế về chính sách chi phí; giá bán thấp hơn so với thành phẩm nhập khẩu và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước; tự chủ được nguyên liệu đầu vào; đa dạng hóa danh mục sản phẩm để thu được nhiều chi tiêu hơn từ người tiêu dùng.

Sản xuất cá tra Việt Nam thường hoạt động theo chu kỳ (đỉnh điểm 2017 - 2019). Sau khi bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của ngành (2019) và hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid và chuỗi cung ứng bị phá vỡ (2020 - 2021), ngành cá tra sẽ đi vào xu hướng tăng trong năm 2022.

Nhu cầu tại thị trường Mỹ đang tăng mạnh do tồn kho cá tra sau 2 năm của Covid-19 ở mức thấp. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi do nước này mở cửa trở lại sau một thời gian dài phong tỏa theo chính sách zero-Covid, do đó, thị trường này được coi là nhân tố tạo đà tăng trưởng của ngành này trong quý 2/2022. Trong quý 1, giá cá tra nguyên liệu của Việt Nam tăng lên 30.000 đồng - 32.000 đồng/kg, đạt mức cao nhất kể từ năm 2019.

Các công ty thuỷ sản kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 sẽ phục hồi về mức năm 2018. Maybank

Các công ty thuỷ sản kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 sẽ phục hồi về mức năm 2018. Maybank

Maybank ưu tiên các công ty đầu ngành, thị phần lớn và danh mục sản phẩm đa dạng có thể nhanh chóng bắt kịp xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng như VNM, QNS, SAB và KDC cho chủ đề các mặt hàng chủ lực tiêu dùng và VHC, ANV cho xuất khẩu thủy sản (cá tra).

Rủi ro đầu tư bao gồm: Chi phí phân phối và vận chuyển vẫn đang gia tăng và khó lường do giá xăng dầu đang ở mức đỉnh; chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn dự kiến, gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các công ty F&B.

Logistic

Hệ thống cảng và logistics của Việt Nam đang có mức tăng trưởng sản lượng hàng hóa bền vững và mạnh mẽ. Điều này có được là nhờ vào sự gia tăng FDI nhờ ổn định vĩ mô và sự phân bổ lại các ngành sản xuất trong khu vực. Việt Nam được cho là hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại.

Mặc dù thị trường rộng hơn nhưng các cơ hội vẫn còn phân tán giữa các công ty trong ngành này. Chỉ những công ty có năng lực sẵn có, là kết quả của quá trình tái cơ cấu và đầu tư trong vài năm qua, mới có thể giành được thị phần và hoàn toàn hưởng lợi từ khối lượng tăng mạnh như GMD, VSC, ACV, VJC

Hóa Chất/ Phân bón

Việt Nam có nhiều khí đốt tự nhiên và than để sản xuất urê với tổng công suất 3 triệu tấn urê/năm. Các nhà sản xuất urê từ khí đốt đang được mở biên lợi nhuận lớn nhờ giá urê toàn cầu tăng mạnh trong khi nguyên liệu đầu vào từ khí đốt không tăng nhiều như bình quân giá bán. Lệnh cấm vận đối với phân bón và dầu của Nga đã gây ra sự tăng vọt về chi phí sản xuất đối với các nhà sản xuất urê toàn cầu, đẩy giá bán urê trên thế giới và cả Việt Nam.

Hai công ty sản xuất urê là DPM và DCM đang chạy gần hết công suất để nắm bắt chu kỳ tăng của giá urê toàn cầu, tăng sản lượng xuất khẩu để tối đa hóa lợi nhuận. Trong quý 1/2022, doanh thu xuất khẩu chiếm 50% doanh thu của DCM trong khi DPM xuất khẩu khoảng 40% sản lượng và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại rủi ro cho ngành nếu Chính phủ áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm giảm giá phân bón trong nước.

Thị trường bán tháo trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 đã đẩy giá cổ phiếu của các nhà sản xuất urê về mức hấp dẫn. DPM và DCM đang giao dịch ở mức P/E lần lượt là 4,3 lần và 5,5 lần, gần mức dưới bình quân 5 năm. Đây là những cái tên thích hợp để đầu tư cổ tức trong năm nay vì tỷ lệ chia cổ tức tương đối cao.

Thép

Giá thép trong nước giảm 4% so với mức cao kỷ lục hồi đầu tháng 4 do giá hàng hóa toàn cầu điều chỉnh; lo ngại về sự giám sát liên tục của Chính phủ đối với bất động sản và mùa xây dựng thấp điểm sắp tới. Việc mở cửa trở lại toàn cầu có thể sẽ làm giảm giá thép hơn nữa trong trung hạn do cân bằng cung/cầu được cải thiện.

Đối với thị trường trong nước, tiêu thụ thép dài của Việt Nam tăng 22% trong quý 1/2022. Maybank dự báo tăng trưởng năm 2022 của ngành này là 20% nhờ mở cửa trở lại và gói kích cầu 2022-2023. Điều này sẽ giúp bù đắp cho sự suy giảm ở thị trường nước ngoài. Sản lượng tiêu thụ mạnh hơn sẽ phần nào giảm bớt tác động tiêu cực của việc hạ giá. Thị trường bất động sản thiếu cung và hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển là động lực dài hạn cho ngành thép.

Mặc dù giá bán giảm sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các công ty thép năm 2022 nhưng giá cổ phiếu hiện tại đã phản ánh những sóng gió trong năm 2022. Maybank đánh giá trung lập về ngành thép nhưng vẫn nhận thấy cơ hội hấp dẫn từ HPG, công ty đã chuẩn bị kỹ lưỡng bằng cách chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và nâng cao khả năng tự cung cấp nguyên liệu. Và về lâu dài, công ty đang trên đà gia nhập hàng ngũ 30 nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới.

Khu công nghiệp

Các nhà phát triển Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam có vị trí thuận lợi để nắm bắt làn sóng FDI cao hơn vào trong nước. Ngoài nội lực của Việt Nam (ổn định chính trị, giá thuê, giá năng lượng, chi phí lao động tương đối thấp và tham gia tích cực vào các FTA khác nhau…), việc phân bổ lại chuỗi cung ứng toàn cầu kể từ sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (tăng tốc bởi đại dịch Covid ) và sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn như Samsung, Intel, LG, Foxconn, Luxshare đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI mới.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, vốn FDI đăng ký bổ sung và vốn FDI giải ngân lần lượt tăng 92% và 8%, thúc đẩy nhu cầu thuê đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn (RBF) cao hơn. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp bình quân tại các trung tâm công nghiệp quan trọng phía Bắc và phía Nam vẫn ở mức cao trong quý 1, dao động trong khoảng 85-90%; trong khi tỷ lệ lấp đầy RBF là từ 80-98%.

Vốn hoá thị trường (market cap) và P/E của các công ty bất động sản KCN. Maybank

Vốn hoá thị trường (market cap) và P/E của các công ty bất động sản KCN. Maybank

Việt Nam hiện có 335 khu công nghiệp với tổng quỹ đất công nghiệp hơn 100.000 ha. Trong quý 1/2022, thị trường đã chứng kiến ​​nguồn cung quỹ đất lớn từ BCM (KCN VSIP 3 1.000 ha và KCN Cây Trường 700 ha), VGC (250 ha KCN Thuận Thành I) và Ammata (nhà phát triển KCN có trụ sở tại Thái Lan; 410 ha KCN Amata Long Thành).

Để nắm bắt nhu cầu cao tại thị trường tiềm năng này, một số KCN đã được phê duyệt vào năm 2021 và dự kiến ​​sẽ cung cấp hàng nghìn quỹ đất KCN trong năm tới (như KCN Long Đức 3 của TIP, KCN Bàu Cạn-Tân Hiệp của GVR và Sông Quế- Xuan Nhan IP).

Đất cao su ở các tỉnh gần TP HCM cũng được đưa vào diện chuyển đổi thành KCN. Do đó, các công ty cao su có quỹ đất lớn (ví dụ như GVR và PHR) sẽ có khả năng thu được lợi nhuận đáng kể (phí bồi thường) từ việc chuyển đổi đất cao su để phát triển KCN và từ việc vận hành trực tiếp các KCN.

Các công ty bất động sản KCN có quỹ đất đáng kể sẵn có để cho thuê ở các vị trí đắc địa; năng lực thực hiện dự án mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng tiên tiến sẽ xuất hiện với tư cách là người chiến thắng. KBC, BCM, IDC và GVR là những cổ phiếu quan trọng cần tập trung và có thể phù hợp với danh mục đầu tư linh hoạt. Đây là những công ty tốt nhất để hưởng lợi từ việc gia tăng dòng vốn FDI vào các tỉnh nổi bật như Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.