Mở đường tiêu thụ nông sản miền núi, hải đảo qua các chương trình kết nối

Thương Mại Việt nAM
17:33 - 05/10/2022
Mở đường tiêu thụ nông sản miền núi, hải đảo qua các chương trình kết nối
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, các hội nghị, hội thảo đã góp phần đưa sản phẩm tiêu biểu của khu vực miền núi, hải đảo như sâm Ngọc Linh, cá hồi Sapa... đến các kênh phân phối uy tín trong nước cũng như mở đường xuất khẩu ra nước ngoài.

Chia sẻ tại diễn đàn kinh tếKết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo” ngày 5/10 do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, các chương trình hội nghị, hội thảo không chỉ kết nối, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư mà còn hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp miền núi, hải đảo bền vững.

Nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc… đã được mở đường, đưa vào các hệ thống phân phối uy tín trong nước cũng như xuất khẩu đi nước ngoài.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga thì cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành địa phương tổ chức các chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ với hơn 60 doanh nghiệp và đạt được 80 hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bộ cũng đã phối hợp và cấp kinh phí xây dựng 2 mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại 2 huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Từ đó, tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiêu thụ sản phẩm miền núi, hải đảo hiện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Đại diện của sàn thương mại Amazon cho rằng, Việt Nam có lợi thế là các sản phẩm gia đình, thủ công, nông sản, có sự thân thiện với môi trường và thiết kế độc đáo. Tuy nhiên, nhiều nhà bán hàng Việt vẫn còn e ngại trước sự rộng lớn của thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Có tới 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. 81% doanh nghiệp thừa nhận rằng họ chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa tiêu thụ sản phẩm khu vực miền núi, hải đảo, trong thời gian tới Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như nghiên cứu chính sách, tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa… Đặc biệt, Bộ đã đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Đọc tiếp