Moscow cảnh báo làn sóng vỡ nợ toàn châu Âu nếu Nga vỡ nợ

Nợ NGA
15:20 - 18/04/2022
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, một vụ vỡ nợ thanh toán nước ngoài của Nga có thể dẫn đến tình trạng siêu lạm phát ở châu Âu và kéo theo nguy cơ vỡ nợ của chính khối này.

Đáp trả về lời của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng việc Nga vỡ nợ “chỉ còn là vấn đề thời gian”, ông Dmitry Medvedev đã viết trên kênh Telegram rằng: “Các vị hãy cố gắng chờ đi. Việc Nga vỡ nợ có thể kéo theo cả châu Âu vỡ nợ, cả về tinh thần lẫn vật chất”.

Theo hãng thông tấn TASS, ông Medvedev nhận xét rằng hệ thống tài chính của Liên minh châu Âu (EU) không ổn định và người dân đang dần mất niềm tin vào nó. Ông cũng cảnh báo các nhà chức trách EU nên chuẩn bị sẵn tinh thần trước “sự phản ứng mạnh mẽ của người dân châu Âu đối với tình trạng siêu lạm phát”.

Nga tuyên bố nước này sẽ thanh toán nợ bằng đồng Ruble, nếu phương Tây vẫn đóng băng ngoại tệ nước này. Ảnh: Reuters

Nga tuyên bố nước này sẽ thanh toán nợ bằng đồng Ruble, nếu phương Tây vẫn đóng băng ngoại tệ nước này. Ảnh: Reuters

“Họ không thể đổ lỗi cho người Nga, vì tình trạng thiếu hụt lương thực thiết yếu trong các cửa hàng, hay dòng người tị nạn. Tất cả những điều này có thể châm ngòi cho một làn sóng tội phạm bạo lực. Khi đó, những lãnh đạo Brussels sẽ phải thay đổi cách phát ngôn của họ. Nếu không, những đám cháy của lốp xe cháy sẽ bốc mùi khét lẹt trên đường phố châu Âu”, ông Medvedev viết.

Nhà chức trách Nga cũng chỉ trích tuyên bố của bà Ursula von der Leyen là “không phải về sự kết thúc của chiến dịch quân sự đặc biệt, hay niềm hy vọng hòa bình tại Ukraine, mà là việc Nga bị vỡ nợ”.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild am Sonntag, bà Leyen cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đang làm rung chuyển nền kinh tế Nga. Nước này đang chứng kiến hàng trăm công ty lớn và hàng nghìn chuyên gia đang rời đi và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga dự kiến ​​sẽ giảm 11%.

Theo Bộ Tài chính Nga, tính đến ngày 1/2/2022, nợ nước ngoài của Moscow đã đạt mốc 59,5 tỷ USD, bao gồm 38,97 tỷ USD nợ trái phiếu. Hiện tại, Nga có 15 khoản nợ trái phiếu với thời gian đáo hạn từ năm 2002 đến năm 2047.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 10/4 cho biết, Nga sẵn sàng chứng minh trước tòa án rằng nước này đã làm mọi thứ để có thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nếu phương Tây cố gắng tuyên bố Nga vỡ nợ.

“Tất nhiên chúng tôi chắc chắn sẽ kiện. Vì chúng tôi đã thực hiện tất cả các bước cần thiết để đảm bảo rằng các nhà đầu tư nhận được các khoản thanh toán. Chúng tôi sẽ trình bày các khoản thanh toán cho tòa để xác nhận nỗ lực trả nợ bằng cả ngoại tệ và đồng Ruble, dù quá trình này không hề dễ dàng”, Bộ trưởng Siluanov nói với tờ Izvestia.

Đại diện Điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng nếu phương án thanh toán bằng đồng Ruble cho trái phiếu ngoại tệ không được chấp nhận, thì “về lý thuyết, tất nhiên, một tình huống vỡ nợ có thể xảy ra nhưng đây sẽ là một tình huống hoàn toàn nhân tạo” và "không có căn cứ cho một vụ vỡ nợ thực sự". Ông cũng nói thêm rằng, vỡ nợ được coi là một đòn giáng mạnh vào hình ảnh của Nga với tư cách là một bên đi vay đáng tin cậy.

Đây là lần đầu tiên Nga đối mặt với sức ép vỡ nợ trong hơn 100 năm qua. Nga vỡ nợ nội địa là khi đất nước rơi vào khủng hoảng tài chính do giá hàng hóa sụt giảm vào năm 1998, trong khi vụ vỡ nợ ngoại tệ gần đây nhất xảy ra vào năm 1917.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.