Một mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt kim ngạch 10 tỷ USD

HÀN QUỐC Thương Mại
16:02 - 24/06/2023
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2023, thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đạt 29,3 tỷ USD, giảm 23% so với mức 38,15 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ năm 2022, mức giảm này diễn ra chủ yếu ở hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc đạt, 9,19 tỷ USD, giảm 10% so với mức 10,29 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ năm 2022. Hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 20,11 tỷ USD, giảm 27% so với 27,86 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập siêu 10,92 tỷ USD hàng hóa từ thị trường này.

Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu đạt trị giá tỷ USD

5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 40 mặt hàng sang Hàn Quốc. Đáng chú ý, ngoài các điện tử, dệt may cũng là một trong số các mặt hàng có trị giá xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.

Theo đó, 4 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD lần lượt là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 1,91 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,11 tỷ USD và hàng dệt may với 1,14 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 mặt hàng này đạt 5,47 tỷ USD, chiếm 59% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc.

Ngoài các mặt hàng tỷ USD, Việt Nam ghi nhận có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên với tổng kim ngạch đạt 1,91 tỷ USD, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc.

Cụ thể, trị giá xuất khẩu phương tiện vận tải, phụ tùng đạt 456 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ với 325 triệu USD; hàng thủy sản với 293 triệu USD; giày dép các loại với 256 triệu USD; sắt thép các loại với 171 triệu USD; dây diện và dây cáp điện với 156 triệu USD; kim loại thường với 133 triệu USD; sản phẩm từ chất dẻo với 119 triệu USD.

Trong nhóm nông sản, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu sang Hàn Quốc với 5,14 triệu USD: sắn và các sản phẩm từ sắn với 24,32 triệu USD; cà phê với 43,13 triệu USD; rau quả với 86 triệu USD.

Về tăng trưởng, trong 40 mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc, 16 mặt hàng ghi nhận tăng trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, dầu thô ghi nhận tăng 100%, là mặt hàng có mức tăng cao nhất. Đứng thứ hai là mặt hàng xăng dầu và phương tiện vận tải phụ tùng với cùng +50%. Tiếp đến là mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với +46%; dây diện và dây cáp điện với +26%...

Ngược lại, 24 mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có giá trị giảm so với cùng kỳ năm 2022. Than là mặt hàng có kim ngạch giảm lớn nhất với -86%; đứng sau là hạt tiêu với -72%; phân bón với -62%; điện thoại và linh kiện với -46%; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh với -37%; sắt thép với -35%...

Một mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt kim ngạch 10 tỷ USD

5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 44 mặt hàng, trong đó trị giá nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,25 tỷ USD, là mặt hàng duy nhất có kim ngạch 10 tỷ USD trở lên và chiếm tới 50% trị giá nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này.

Trong nhóm hàng hóa nhập khẩu tỷ USD từ nước bạn còn ghi nhận thêm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với 2,32 tỷ USD và xăng dầu với 1,35 tỷ USD. Hàn Quốc hiện là một trong 7 thị trường cung cấp xăng dầu nhập khẩu cho Việt Nam với 1,67 triệu tấn, tương ứng chiếm 40% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023.

Việt Nam ghi nhận nhập khẩu 13 mặt hàng từ Hàn Quốc có kim ngạch 100 triệu USD trở lên với tổng trị giá 4,73 tỷ USD. Trong đó, 5 mặt hàng nhập khẩu lớn nhất trong nhóm này là chất dẻo nguyên liệu với 773 triệu USD; vải các loại với 638 triệu USD; sản phẩm từ chất dẻo với 542 triệu USD; kim loại thường với 523 triệu USD và sắt thép với 426 triệu USD.

Trong nhóm nông, thủy sản, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 38,8 triệu USD hàng thủy sản; 7,5 triệu USD hàng sữa và sản phẩm sữa; 26,6 triệu USD hàng rau quả; 2,1 triệu USD hàng dầu mỡ động thực vật.

Về tăng trưởng, 9 mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc có trị giá tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng cao nhất với +94%; tiếp đến là dây điện và dây cáp điện với +44%; chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh với +35%...

Ngược lại, 35 mặt hàng nhập khẩu có trị giá giảm so với cùng kỳ năm 2022. Điện thoại các loại và linh kiện có mức giảm lớn nhất với -95%; đứng sau là phương tiện vận tải phụ tùng với -63%; ô tô nguyên chiếc với -51%; cao su với -44%; dược phẩm -45%; sản phẩm hóa chất với -41,8%; chất dẻo nguyên liệu với -41,1%; sắt thép với -39%; linh kiện, phụ tùng ô tô với -36,8%; kim loại thường với -36,4%...

Tại cuộc gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chiều ngày 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Việt Nam – Hàn Quốc triển khai hiệu quả các hiệp định VKFTA và RCEP, từ đó tiến tới hoàn thành mục tiêu đưa thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD vào thời gian sớm và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030.

Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục mở cửa hơn nữa cho hàng hóa thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, trái cây theo mùa. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.