Mỹ cắt viện trợ Ukraine khỏi dự luật cấp ngân sách tạm thời

HỖ TRỢ MỸ
16:46 - 01/10/2023
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: AP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: AP
Nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ vẫn giữ vững lập trường ủng hộ Ukraine sau khi dự luật cấp ngân sách tạm thời nhằm giữ cho chính phủ Mỹ không đóng cửa đã loại trừ yêu cầu của Tổng thống Joe Biden cấp thêm hỗ trợ an ninh cho Kiev.

Trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine kéo dài, sự phản đối của Đảng Cộng hòa đối với ngân sách viện trợ cho Ukraine đang nhận được những sự ủng hộ nhất định.

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện tuần trước đã chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn khi gần một nửa số thành viên Đảng Cộng hòa tại đây bỏ phiếu loại 300 triệu USD khỏi dự luật chi tiêu quốc phòng dùng cho việc huấn luyện binh sĩ Ukraine và mua vũ khí.

Tuy khoản viện trợ này được phê duyệt riêng sau đó, sự gia tăng những tiếng nói phản đối là điều đang diễn ra.

Trước cuộc bỏ phiếu hôm 30/9, các quan chức Lầu Năm Góc cũng từng bày tỏ lo ngại về khả năng không có nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine. Trong một lá thư gửi các nhà lãnh đạo quốc hội ngày 29/9, ông Michael McCord, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cơ quan này đã cạn kiệt gần như tất cả các hỗ trợ an ninh hiện có.

AP dẫn lời ông cho biết: “Nếu không có nguồn tài trợ bổ sung bây giờ, chúng tôi sẽ phải trì hoãn hoặc cắt giảm hỗ trợ đối với các yêu cầu khẩn cấp của Ukraine, bao gồm cả phòng không và đạn dược vốn rất quan trọng và cấp bách khi Nga chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công mùa đông”.

Tới 30/9, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tiếp tục loại bỏ viện trợ bổ sung cho Ukraine khỏi dự luật chi tiêu nhằm duy trì tình trạng hoạt động của chính phủ cho đến ngày 17/11. Điều này sẽ khiến gói viện trợ 6 tỷ USD của Thượng viện cho Ukraine không được thông qua.

Việc loại trừ nguồn tài trợ cho Ukraine khỏi dự luật chi tiêu tạm thời diễn ra chưa đầy một tuần sau khi các nhà lập pháp Mỹ gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Điện Capitol ngày 21/9. Sau chuyến thăm, Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Chuck Schumer nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc tiếp tục viện trợ Ukraine khi cho biết: “'Nếu không nhận được viện trợ, chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến”.

Ngoài ông Schumer, Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell cũng giữ thái độ tương tự khi đưa ra cam kết cố gắng thông qua đầy đủ yêu cầu viện trợ Ukraine của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố cách tiếp cận của Thượng viện đã “đặt Ukraine trước nước Mỹ”.

Không chỉ Hạ viện, nhiều thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng đang đặt câu hỏi về khoản viện trợ hoặc yêu cầu viện trợ phải gắn liền với chính sách nhập cư nhằm giúp đảm bảo an ninh biên giới phía nam – những yêu cầu mà Hạ viện đưa ra trước đó.

Theo AP dẫn lời Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott, một đảng viên Đảng Cộng hòa và là người đã bỏ phiếu thông qua dự luật chi tiêu sau khi viện trợ cho Ukraine bị cắt bỏ, Quốc hội cần có “một cuộc trò chuyện với công chúng Mỹ”.

Ông cho biết: “Ở bang của tôi, mọi người muốn giúp đỡ cho Ukraine nhưng họ cũng muốn giúp ích cho người Mỹ. Do đó, họ muốn hiểu rõ số tiền này đã được sử dụng như thế nào”.

Phản ứng lại các tuyên bố này, ông Schumer ngày 30/9 phát biểu ngay sau khi dự luật chi tiêu được thông qua: “Chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh để có thêm hỗ trợ kinh tế và an ninh cho Ukraine”.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ đã phê duyệt tổng cộng 4 đợt viện trợ cho Kiev với tổng giá trị khoảng 113 tỷ USD. Tới tháng 8/2023, Tổng thống Joe Biden kêu gọi Quốc hội tiếp tục cung cấp thêm 24 tỷ USD.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.