Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP...

CPTPP Việt nAM
10:38 - 17/11/2021
Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ tạo ra khả năng cạnh tranh lớn đối với Việt Nam.
Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ tạo ra khả năng cạnh tranh lớn đối với Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi với Mekong Asean, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Trung Quốc tham gia CPTPP sẽ tạo ra những cạnh tranh bất lợi nhất định cho Việt Nam. 

CPTPP là hiệp định thương mại thế hệ mới được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018, bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Hiệp định đã có hiệu lực gần 3 năm với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn.

Việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được công bố vào tháng 3 năm 2018, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.

Trong bối cảnh đầy thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, CPTPP là sân chơi có thể giúp Việt Nam giảm chi phí với sản phẩm và hàng hóa linh kiện nhập khẩu, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiệp định này cũng giúp Việt Nam tăng khả năng tiếp cận đối với các dịch vụ hỗ trợ đầu tư và thương mại thiết yếu.

Gần đây, việc Anh và một vài nền kinh tế khác trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Philippines và đặc biệt là Trung Quốc đang có dấu hiệu muốn tham gia CPTPP có thể sẽ tạo ra những thách thức đối với Việt Nam. Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cung cấp một góc nhìn về vấn đề này trong cuộc trao đổi với MEKONG ASEAN:

Theo bà, vì sao Trung Quốc muốn tham gia CPTPP vào thời điểm này?

Trung Quốc đang rất mong muốn tiếp tục thúc đẩy mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hiệp định này nhất là khi Mỹ chưa thể quay trở lại CPTPP. Ai nắm được CPTPP, nhất là ở vai trò dẫn dắt, thì nước đó có cơ hội cực kì lớn để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Trước đây, Trung Quốc hiểu rằng Mỹ tham gia CPTPP để làm đối trọng với nước này. Do vậy, khi Mỹ rút ra thì Trung Quốc càng muốn có cơ hội thế chân Mỹ vào đó.

Về lợi ích kinh tế, nếu tham gia được vào cơ chế của CPTPP, Trung Quốc sẽ có cơ hội mở rộng quan hệ kinh tế với một loạt các nước và ngăn chặn bớt xu hướng các chuỗi cung ứng rút ra khỏi Trung Quốc kể từ khi có đại dịch COVID-19 xảy ra ở Vũ Hán đến nay.

Ảnh tác giả

Việc Trung Quốc tham gia vào CPTPP sẽ làm giảm đi xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng sang một số nước khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines….

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn mong muốn đạt được các lợi ích về mục đích xuất khẩu trong khu vực này. Từ trước đến nay, Trung Quốc vốn có quan hệ xuất khẩu với nhiều nước trong khu vực và các nước cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc để cân bằng cán cân thương mại hơn.

Như vậy, khi Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ tăng cường tính hấp dẫn của CPTPP cả về góc độ của một nhà xuất khẩu cũng như một nước nhập khẩu từ các nước trong khu vực.

Ngoài ra, một số người mong muốn cải cách tiếp ở Trung Quốc cũng kỳ vọng CPTPP sẽ nâng cao hơn nền kinh tế thị trường của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc gia nhập thành công CPTPP, bà có đánh giá gì về những thách thức mà Việt Nam sẽ gặp trong thời gian tới?

Thách thức lớn nhất của Việt Nam khi Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ là lợi ích kinh tế bởi nền kinh tế Trung Quốc là cạnh tranh với Việt Nam chứ không phải là nền kinh tế bổ sung như Nhật Bản, Australia hay Canada. Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ gia tăng sức ép cạnh tranh cho Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam lại lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc trong nhập khẩu, vật tư trung gian cho hàng xuất khẩu và hàng trong nước, các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Về xuất khẩu, có một số mặt hàng nhất là nông sản Việt Nam cũng bị lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi quốc gia này gia nhập CPTPP, tôi cho rằng sẽ càng khó khăn hơn cho Việt Nam trong quan hệ xuất nhập khẩu.

Ảnh tác giả

"Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc là nhập siêu thường xuyên, liên tục và càng ngày càng nhiều hơn. Trung Quốc tham gia CPTPP có thể sẽ khiến Việt Nam lệ thuộc nhiều hơn vào các nguồn nguyên liệu đầu vào từ thị trường Trung Quốc.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp

Bên cạnh đó, Việt Nam đang kỳ vọng đổi mới mô hình tăng trưởng của mình khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ít nhất là có những vị trí tốt hơn trong khu vực, đón dòng đầu tư từ các nước muốn xây dựng chuỗi cung ứng mới. Trong CPTPP, Nhật Bản, Australia, Nhật Bản đã tỏ rõ mong muốn xây dựng chuỗi cung ứng mới, tìm kiếm các đối tác khác tham gia vào chuỗi cung ứng thay một phần cho những việc họ đang làm ở Trung Quốc. Việt Nam là một lựa chọn tiềm năng trong tính toán chuyển dịch của các nước. Tuy nhiên, khi Trung Quốc gia nhập CPTPP thì cơ hội đó của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Vậy theo bà Việt Nam cần chuẩn bị những gì để giảm thiểu những thách thức, tận dụng cơ hội trong CPTPP?

Không dừng lại ở việc xây dựng pháp luật cho tương thích với CPTPP mà việc quan trọng là Việt Nam cần tập trung sửa đổi hệ thống kinh tế thị trường ở trong nước, tăng cường nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Ảnh tác giả

"Khó khăn trong môi trường kinh doanh hiện nay vẫn đang dồn sức ép lên các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, các hộ nông dân… Do đó, Việt Nam cần sửa đổi chính sách, pháp luật thực thi trong nước để nâng cao nội lực và mang lại lợi ích cao nhất cho chính Việt Nam".

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp

Giải pháp cần thiết nhất đối với Việt Nam lúc này là cần tập trung cao độ sức mạnh, trí tuệ sớm hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường. Đây là việc làm căn cơ để Việt Nam vượt qua các thách thức, tận dụng nội lực tạo điều kiện tốt không những cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại đây mà còn cho cả những doanh nghiệp trong nước.

Theo bà Trung Quốc có khả năng tham gia thành công CPTPP hay không?

Với sức mạnh kinh tế và tiềm năng thị trường rất lớn của Trung Quốc về các mặt thì quốc gia này là một bên tham gia có thể hấp dẫn các nước.

Tuy nhiên, có một số điều có thể khiến các nước ngần ngại. Trước hết là về chính sách, có nhiều mặt của hệ thống kinh tế Trung Quốc hiện nay không tương thích với CPTPP. Mặc dù những người cải cách ở Trung Quốc mong muốn tham gia CPTPP để nâng tầm thể chế của họ lên tương thích với hiệp định này nhưng điều đó không dễ.

Ảnh tác giả

Vấn đề đặt ra là Trung Quốc có chấp nhận được những yêu cầu cao của CPTPP hay không? Có chấp nhận được việc chính sách và nhiều bộ luật của Trung Quốc phải thay đổi để tương thích hay không? Nếu chấp nhận được những điều đó nhưng liệu cam kết có thực hiện được hay không?... Do đó, không dễ dàng để Trung Quốc có thể chấp nhận những tiêu chuẩn của CPTPP được

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp

Hơn nữa, từ khi thành lập, CPTPP đã có quy định các nước tham gia sau sẽ không bàn lại “luật chơi” cơ bản trong hiệp định nữa mà chỉ đàm phán về các hiệp định cụ thể: thuế, hàng rào kinh tế, điều kiện kinh doanh...

Mặc dù Trung Quốc đang tin rằng với vị thế của mình có thể đàm phán để yêu cầu thay đổi “luật chơi” nhưng điều này không phù hợp với cam kết ban đầu của CPTPP. Do vậy, giữa hai bên sẽ có nhiều điều kiện chưa chắc thỏa thuận được với nhau.

Trên thực tế, trước đây Trung Quốc đã từng có những hành động không tuân thủ WTO khiến cho nhiều nước rất khó chịu. Trong khi đó, CPTPP lại đòi hỏi sự tuân thủ cao hơn, các nước thành viên ít hơn nên sự giám sát sẽ nhiều hơn. Nếu Trung Quốc không tuân thủ sẽ là sự bất công với các nước còn lại.

Khi xảy ra tranh chấp cũng sẽ rất khó xử lý, bởi với thế lực kinh tế của Trung Quốc thì quốc gia này sẵn sàng dùng công cụ thương mại chèn ép các nước phản kháng. Có thể thấy ngay sự đối xử của Trung Quốc trong việc trừng phạt Australia thời gian vừa rồi khi nước này lên tiếng đòi hỏi kiểm tra về nguồn gốc của COVID-19 xảy ra ở Vũ Hán.

Anh và Đài Loan cũng nộp đơn gia nhập CPTPP cùng thời điểm với Trung Quốc nhưng hai nền kinh tế này có thể chế tiêu chuẩn cao và chấp nhận được luật chơi của CPTPP nên không có sự nghi ngờ hay ngần ngại nào.

Tại hội thảo “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP: Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” ngày 10/11, bà Phạm Chi Lan cũng cho biết rằng, Thái Lan, Indonesia, Philippines đang có dấu hiệu tham gia vào CPTPP, trong tương lai sẽ tạo ra sự cạnh tranh đối với Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.