Ngân hàng thương mại tăng giảm lãi suất phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

LÃI SUẤT NGÂN HÀNG
09:44 - 14/12/2022
Ngân hàng thương mại tăng giảm lãi suất phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của các giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần.

Ngân hàng Nhà nước cho biết mục đích là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ. Các ngân hàng phải thực hiện báo cáo lãi suất định kỳ hàng tuần và phải gửi trước 11h ngày thứ hai của tuần tiếp theo cho Vụ Chính sách tiền tệ, thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp ngân hàng có quyết định thay đổi về mức lãi suất trong kỳ báo cáo tuần thì phải gửi quyết định điều chỉnh lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước.

Để hỗ trợ nền kinh tế, tính đến ngày 14/12, đã có 12 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân với mức giảm từ 0,5 - 3%/năm.

Thực tế, xu hướng giảm lãi suất cho vay của một loạt ngân hàng diễn ra trong bối cảnh Chính phủ, NHNN liên tục phát đi thông điệp về việc yêu cầu các ngân hàng tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết hiệp hội đã tổ chức cuộc họp với tất cả thành viên và thống nhất không tăng lãi suất huy động lên quá cao vào dịp cuối năm. Qua đó, góp phần giảm lãi suất cho vay ra, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đẩy mạnh truyền thông để dư luận hiểu và chia sẻ hoạt động kinh doanh ngân hàng.

VNBA đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO), ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các ngân hàng qua kênh này. Giải pháp này kỳ vọng làm giảm áp lực dự phòng thanh khoản cao của ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng như giảm lãi suất huy động từ khách hàng.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.