Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống 11%

LÃI SUẤT NGA
12:43 - 27/05/2022
Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: TASS
Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Trong thông cáo báo chí hôm 26/5 của Ngân hàng Trung ương Nga, áp lực lạm phát giảm bớt đã khiến cơ quan này quyết định giảm lãi suất chủ chốt xuống 11% hàng năm và không loại trừ khả năng tiếp tục cắt giảm trong cuộc họp tới.

Hãng thông tấn TASS trích dẫn thông báo của Ngân hàng Trung ương Nga cho biết: "Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 300 điểm xuống 11% mỗi năm từ 27/5/2022”.

Tại một hội nghị ngân hàng ở Moscow, Thống đốc Elvira Nabiullina cũng khẳng định Ngân hàng Trung ương đã ngăn chặn vòng xoáy lạm phát và sẽ hạ dự báo lạm phát năm 2022. Vì vậy, triển vọng tiếp tục giảm lãi suất chính trong cuộc họp sắp tới hôm 10/6 không phải là không thể.

Sau động thái này, đồng Ruble đã giảm 10% so với đồng USD ở mức 65,70 và giảm 14% so với đồng Euro ở mức 69,50 hôm 26/5. Lợi tức trái phiếu kho bạc OFZ kỳ hạn 10 năm của chính phủ cũng đã giảm xuống mức 9,41% - mức thấp nhất kể từ 10/2 - trước khi cố định ở ngưỡng 9,57%.

Nguyên nhân là do dữ liệu hàng tuần mới nhất cho thấy tốc độ lạm phát giá cả hiện tại đã giảm đáng kể. Áp lực lạm phát giảm bớt trong bối cảnh tỷ giá đồng Ruble tăng cao cũng như sự sụt giảm đáng kể kỳ vọng lạm phát các hộ gia đình và doanh nghiệp đã khiến cơ quan tiền tệ quốc gia đi tới quyết định này. Với rủi ro tài chính đã được ổn định phần nào, ngân hàng trung ương cũng có cơ sở để nới lỏng một số biện pháp kiểm soát vốn.

Trong tháng 4 trước đó, tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Nga đạt tới 17,8%. Tuy nhiên theo ước tính hôm 20/5, nó đã giảm xuống 17,5%, nhanh hơn dự báo tháng 4 của cơ quan quản lý. Nếu giữ nguyên tốc độ này, Ngân hàng Trung ương Nga kỳ vọng dự báo lạm phát hàng năm sẽ giảm xuống mức 5% tới 7% vào năm 2023 và quay trở lại mức 4% vào năm 2024.

Thêm vào đó, tỷ giá cao của đồng Ruble đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tác động tiêu cực đến thu ngân sách của Nga từ xuất khẩu. Hôm đầu tuần, Nga đã cắt giảm tỷ trọng thu ngoại tệ mà các nhà xuất khẩu phải chuyển đổi thành ruble từ 80% xuống 50%.

TASS dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Maxim Reshetnikov cho biết, Nga đang dần dỡ bỏ các hạn chế vì đồng Ruble mạnh khiến hàng hóa tốt của Nga không có khả năng cạnh tranh ở nước ngoài. Ông cũng cho biết bộ dự kiến sẽ giảm hơn nữa doanh số bán ngoại hối bắt buộc của các công ty tập trung vào xuất khẩu.

Được hỗ trợ bởi các biện pháp kiểm soát vốn từ chính phủ, đồng Ruble đã vươn lên trở thành đồng tiền phục hồi tốt nhất thế giới trong năm 2022. Ngoài ra, việc nước này yêu cầu chuyển đổi thanh toán theo cơ chế mới cũng đã giúp ích phần nào.

Tuy nhiên theo bài phỏng vấn của Reuters với các nhà phân tích tại Veles Capital, tỷ giá chủ chốt bị cắt giảm cùng với một đợt nới lỏng chính sách dự kiến khác ngày 10/6 tới sẽ gây nhiều áp lực hơn đối với tỷ giá đồng Ruble.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 25/5 đã ra lệnh tăng 10% lương hưu và mức lương tối thiểu để giúp người Nga thoát khỏi lạm phát, nhưng bác bỏ các vấn đề kinh tế của đất nước đều liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tin liên quan

Đọc tiếp