Nhận định chứng khoán tuần tới: Đối mặt nhiều áp lực

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
23:04 - 27/08/2022
Thị trường chứng khoán tuần tới dự báo sẽ không dễ dàng. Ảnh minh hoạ
Thị trường chứng khoán tuần tới dự báo sẽ không dễ dàng. Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index dự báo một tuần khó khăn khi dòng tiền thường có xu hướng rút ra trước kỳ nghỉ lễ. Bên cạnh đó là tác động từ phát biểu của Chủ tịch FED về việc sẽ tiếp tục tăng lãi suất đồng thời cảnh báo việc này sẽ gây ra “một chút đau” cho nền kinh tế Mỹ.

VN-Index vừa trải qua tuần tăng điểm thứ 7 liên tiếp. Kết phiên thứ Sáu, chỉ số sàn HoSE tăng hơn 13 điểm so với phiên cuối tuần trước đó, dừng ở mốc 1.282,57 điểm. Giá trị giao dịch giảm 3,6% so với tuần trước xuống 75.507 tỷ đồng, khối lượng giảm 3,2% xuống 2.920 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 1,56 điểm lên 297,94 điểm. Giá trị giao dịch tăng 18,7% so với tuần trước lên 9.602 tỷ đồng, khối lượng tăng 8,5% lên 456 triệu cổ phiếu.

Với mức tăng điểm trên cả hai sàn, thì gần như toàn bộ các nhóm ngành đều tăng trưởng. Trong đó, tích cực nhất là nhóm dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 5,3% giá trị vốn hóa, chủ yếu do đà tăng mạnh của các cổ phiếu thuộc ngành con bán lẻ, có thể kể đến như MWG (+12,6%), FRT (+3,4%), PNJ (+3,3%), PET (+7,9%), DGW (+3%)...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với mức tăng 2,4% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ đà tăng của các cổ phiếu thuộc ngành con hóa chất, có thể kể đến như DGC (+3,3%), DPM (+9,8%), DCM (+10,8%), LAS (+7,6%)... Những ngành còn lại đều tăng nhẹ như dầu khí (+1,7%), ngân hàng (+1,2%), hàng tiêu dùng (+0,8%), công nghiệp (+0,6%), công nghệ thông tin (+0,3%)...

Cổ phiếu tăng đáng chú ý là API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (sàn HNX) với mức +47,21%. Cổ phiếu này phi mã sau thông tin sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 120% vào ngày 7/9/2022. Theo đó, API dự kiến phát hành 45,9 triệu cổ phiếu thưởng, vốn tăng từ 382 tỷ đồng lên 840.6 tỷ đồng.

Ngược lại, FLC là mã giảm giá mạnh nhất trên sàn HoSE với mức -15,21%. Thông tin ảnh hưởng vẫn là nguy cơ bị đình chỉ giao dịch vì tiếp tục vi phạm công bố thông tin sau khi cổ phiếu bị hạn chế giao dịch. Bên cạnh đó là việc ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch FLC bị khởi tố thêm tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hai mã khác “cùng họ” FLC là HAI và AMD cũng nằm trong top 10 mã giảm mạnh nhất tuần.

Về giao dịch khối ngoại, sau 5 tuần mua ròng liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã quay ra bán ròng 500 tỷ đồng trong tuần gần cuối tháng 8. Đáng chú ý là việc nhóm này bất ngờ gom mạnh cổ phiếu VNM của Vinamilk. Tổng cộng tuần qua, khối ngoại đã mua ròng 7,56 triệu cổ phiếu VNM, với tổng giá trị mua ròng đạt 580 tỷ đồng.

Trái lại, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Kinh Bắc bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng bán ròng đạt xấp xỉ 4 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 146,94 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ 2, cổ phiếu HPG bị bán ròng 3,53 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 82,84 tỷ đồng.

Khối tự doanh các công ty chứng khoán cũng bán ròng hơn 600 tỷ đồng sau hai tuần mua vào. Mã bị nhóm này “xả” mạnh nhất là MWG của Thế giới Di động với giá trị hơn 158 tỷ đồng. Trong tuần qua, thị giá của mã này đã tăng từ 64.100 đồng/cp lên 72.200 đồng/cp. Tiếp sau MWG, MSN, GAS, TCB cũng bị bán mạnh. Ngược lại, VPB được mua mạnh nhất với giá trị 78 tỷ đồng. Ngoài ra, NAB, NLG, TCD, IDC… cũng được khối tự doanh mua nhiều.

Thị trường đang dần đi vào vùng quá mua

Sau 3 tháng phục hồi liên tục, VN-Index đã tăng 140 điểm từ vùng đáy 1.140 điểm. Tiến sát mốc kháng cự mạnh 1.300 điểm, nhiều khả năng chỉ số sẽ xảy ra rung lắc. Thực tế trong phiên thứ 6, VN-Index đã đảo chiều đi xuống.

Tuần tới, thị trường còn đối mặt với rủi ro nhiều hơn khi phía trước là kỳ nghỉ lễ 2/9 và yếu tố bên ngoài. Thường thì trước kỳ nghỉ, dòng tiền có xu hướng rút ra. Còn bên ngoài là ảnh hưởng từ phát ngôn của Chủ tịch FED hôm 26/8. Theo đó, ông Jerome Powell đã đưa ra cam kết cứng rắn về việc chặn đà leo thang của lạm phát ở Mỹ, nói rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất đồng thời cảnh báo việc này sẽ gây ra “một chút đau” cho nền kinh tế Mỹ.

Ngay sau phát biểu của ông Jerome Powell, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh. Đóng cửa phiên 26/8, chỉ số Dow Jones mất 1.008,38 điểm, tương đương giảm 3,03%. Chỉ số S&P 500 sụt 3,37%, còn 4.057,66 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 3,94%, còn 12.141,71 điểm. Nỗi lo lãi suất tăng cũng là nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm tuần thứ hai liên tiếp trong tuần này. Cả tuần, Dow Jones sụt 4,2%; S&P 500 và Nasdaq trượt tương ứng 4% và 4,4%.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tâm lý của nhà đầu tư nhìn chung đang ở trạng thái khá hưng phấn, thể hiện qua khối lượng giao dịch khớp lệnh trong phiên được cải thiện rõ rệt so với giai đoạn trước. Tuy nhiên nhìn dài hơn thì thị trường vẫn đang trong một nhịp hồi phục sau khi đã ghi nhận xu hướng lao dốc mạnh trong giai đoạn quý 2 năm nay, nhất là trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ tại thời điểm hiện tại.

Trên khung đồ thị ngày, việc những chỉ báo kỹ thuật quan trọng như RSI, MACD… đang dần đi vào vùng quá mua có thể sẽ khiến cho áp lực chốt lời ngắn hạn trên thị trường gia tăng trong những phiên tới.

Trong giai đoạn trước mắt, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư theo trường phái “lướt sóng” ngắn hạn nên chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, đồng thời tiếp tục theo dõi những thông tin tiếp theo về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như quốc tế để lên kế hoạch tích lũy dần cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung - dài hạn.

MACD và RSI ở khung đồ thị ngày đều đã ở vùng cao và có xu hướng bẻ ngang, hướng xuống báo hiệu việc rung lắc. VCBS
MACD và RSI ở khung đồ thị ngày đều đã ở vùng cao và có xu hướng bẻ ngang, hướng xuống báo hiệu việc rung lắc. VCBS

Còn Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường duy trì được đà tăng điểm lên tuần thứ 7 liên tiếp và đã lấp được phần lớn gap down trong khoảng 1.260-1.285 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản trong tuần qua là tuần thứ ba liên tiếp suy giảm so với tuần trước đó, mặc dù vẫn cao hơn mức trung bình của 20 tuần gần nhất. Điều này phần nào cho thấy được sự thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường tiến đến gần ngưỡng kháng cự tâm lý quanh 1.300 điểm.

Do đó, trong kịch bản tích cực, SHS cho rằng VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm trong tuần giao dịch tiếp theo để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiên, nếu áp lực bán gia tăng thì chỉ số có thể sự rung lắc và giằng co ở vùng giá hiện tại do chỉ báo động lượng RSI (14 phiên) đang tiến gần đến vùng quá mua (>70).

Về xu hướng trung và dài hạn, SHS vẫn giữ quan điểm thị trường tạo xong đáy sóng c và tiếp theo sẽ là hồi phục (đang diễn ra), sau đó là giằng co với những nhịp tăng giảm đan xen kéo dài cho đến khi thiết lập xong một nền giá mới, chuẩn bị cho cú bật tăng sau đó. Biên độ của đợt giằng co này có thể trong khoảng 1.140-1.300 điểm và quá trình kéo dài cho đến hết năm nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.