Nhìn lại ‘cuộc chiến vương quyền’ ở Eximbank trước ngày đại hội cổ đông

NGÂN HÀNG Việt nAM
09:17 - 13/02/2022
5 đời Chủ tịch Eximbank từ 2019 đến nay: Ông Yasuhiro Saitoh (giữa), từ trái qua là các ông bà Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Lê Minh Quốc và Lương Thị Cẩm Tú.
5 đời Chủ tịch Eximbank từ 2019 đến nay: Ông Yasuhiro Saitoh (giữa), từ trái qua là các ông bà Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Lê Minh Quốc và Lương Thị Cẩm Tú.
0:00 / 0:00
0:00
Trong tuần tới, Eximbank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần thứ hai. Các cổ đông nhỏ lẻ đều kỳ vọng đại hội sẽ diễn ra thành công, đồng thời chấm dứt “cuộc chiến vương quyền” đã kéo dài ở ngân hàng này.

Tính từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán EIB) đã phải hoãn, dời hoặc tổ chức bất thành 11 đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), tính cả thường niên lẫn bất thường. Nguyên nhân chính là do tranh chấp lợi ích giữa các nhóm cổ đông. Việc không tìm được tiếng nói chung khiến họ không thống nhất được tỷ lệ, ý kiến để tổ chức đại hội trong suốt 3 năm qua.

Gần đây nhất, ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 1 của Eximbank (27/4/2021) không thể diễn ra do không đủ túc số tham dự. Đáng chú ý, cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản SMBC (Sumitomo Mitsui Banking Corporation, sở hữu 15% vốn) không cử người tham dự.

Theo tài liệu cuộc họp này, Eximbank dự kiến bầu mới 4 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 là các lãnh đạo của Thành Công Group, Chứng khoán Rồng Việt gồm bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, ông Nguyễn Hiếu và ông Yasuo Takeuchi. Trong khi đó, cả 9 thành viên HĐQT hiện nay đều không có tên trong danh sách đề cử.

Việc SMBC không tham gia đại hội khi đó khiến dấy lên tin đồn cổ đông Nhật Bản sẽ rút vốn khỏi Eximbank sau 14 năm gắn bó vì đã quá “chán ngán” cuộc đấu đá nội bộ mãi chưa đến hồi kết ở đây. Và cuối cùng, tin đồn đã được xác nhận khi Eximbank vừa tuyên bố đã chấm dứt thỏa thuận hợp tác với SMBC, ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai.

Thành viên HĐQT của Eximbank hiện tại.

Thành viên HĐQT của Eximbank hiện tại.

Năm 2007, khi rót 225 triệu USD vào Eximbank, Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản từng cho rằng đây là "một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam". Thực tế, Eximbank từng từng góp mặt trong “câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận” của hệ thống ngân hàng, năm 2011 lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.

Thế nhưng bắt đầu từ năm 2013, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng bắt đầu tụt dốc. Và đến năm 2015, khi cuộc chiến quyền lực nổ ra thì tình hình kinh doanh càng thêm bết bát. Cụ thể, “cuộc chiến” bắt đầu khi cựu Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui. Nhóm cổ đông nào cũng muốn có chân trong HĐQT và Ban kiểm soát nên nhà băng phải trì hoãn ĐHĐCĐ nhiều lần.

Sau 2 lần tổ chức không thành, phải đến giữa tháng 12/2015, Eximbank mới "chốt" được nhân sự tại đại hội cổ đông bất thường. Ông Lê Minh Quốc được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Đến đầu tháng 4/2016, một số lãnh đạo cấp cao tại Eximbank bất ngờ từ nhiệm khiến “cuộc chiến vương quyền” lại tiếp diễn. Vì các nhóm cổ đông chính không tìm được tiếng nói chung nên ĐHĐCĐ thường niên 2016 bị hủy nhiều lần; đồng thời là yêu cầu thay thế HĐQT đương nhiệm.

Được một giai đoạn ổn định (2017-2018), đến đầu năm 2019, mâu thuẫn nội bộ trong Eximbank lại bùng nổ. Khi ấy, bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO Nam A Bank) được bầu làm Chủ tịch HĐQT mới của ngân hàng, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nhưng ông Lê Minh Quốc khẳng định mình vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank. Ông này đã làm đơn kiện lên tòa án và đến ngày 27/3/2019, TAND TP HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải thu hồi quyết định bổ nhiệm Chủ tịch mới.

Đến tháng 5/2019, ông Lê Minh Quốc lại xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Sau đó, ông Cao Xuân Ninh lên thay. Và chỉ một năm sau, tháng 6/2020, Eximbank lại công bố vị tân Chủ tịch là ông Yasuhiro Saitoh, người trước đó giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng. Đây cũng là lần đầu tiên, Eximbank có một Chủ tịch HĐQT là người nước ngoài.

Như vậy, từ năm 2019 đến 2020, Eximbank đã có 5 lần đổi ghế Chủ tịch. Nhưng chưa dừng lại ở đó, ngày 13/4/2021, ngân hàng lại tiếp tục thay đổi vị trí này lần thứ 6,7,8. Cụ thể, theo Thông báo của EIB, HĐQT đã họp và ban hành 2 nghị quyết, trong đó, HĐQT đã bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời làm Chủ tịch để chủ tọa cuộc họp cho đến khi bầu chủ tịch mới. Cuộc họp diễn ra từ 10h15 đến 11h10.

Sau đó, Chủ tịch Nguyễn Quang Thông ký Nghị quyết 156 miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh. Vài chục phút sau, Nghị quyết 157 ra đời, do chính ông Yasuhiro Saitoh ký, với nội dung bầu chính ông Yasuhiro Saitoh giữ chức Chủ tịch HĐQT.

“Sự kiện” ngày 13/4 nhanh chóng làm “nóng” các mặt báo với tiêu đề chủ yếu là “Kỷ lục giữ chức Chủ tịch HĐQT chỉ 55 phút” của ông Nguyễn Quang Thông.

Theo quan sát của giới chuyên gia, việc Eximbank thay đổi lãnh đạo thường xuyên cho thấy sự không thống nhất trong nội bộ một thời gian dài, tạo gánh nặng kéo lùi sự phát triển của ngân hàng. Nếu muốn lấy lại ví trí top đầu như thời gian trước đây, Eximbank không còn cách nào khác là phải tiến hành đại cải tổ về quản trị. Mà muốn vậy thì các nhóm cổ đông phải đồng thuận về chính sách, định hướng cũng như quản lý ngân hàng.

Với việc đề nghị chấm dứt thỏa thuận liên minh sau 14 năm, dường như nhà đầu tư Nhật Bản SMBC đã tìm được đối tác để chuyển nhượng 15% vốn ở Eximbank. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang kỳ vọng sự xuất hiện của tên tuổi mới này sẽ giúp chấm dứt “cuộc chiến” quyền lực dai dẳng, giúp ngân hàng ổn định để lấy lại vị thế đã mất.

Thực tế kết thúc năm tài chính 2021, chất lượng tài sản của Eximbank thuộc hàng tốt nhất hệ thống, chỉ xếp sau Vietcombank, ACB. Ngân hàng cũng đã tất toán sạch nợ xấu ở VAMC (Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam). Nhưng bộ máy nhân sự rệu rã, các thế mạnh về kinh doanh ngoại hối, ngân quỹ, vàng bạc, thẻ tín dụng… suy giảm nên lợi nhuận vẫn đi lùi, không hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.