Nhóm Big 4 ngân hàng đang rao bán nhiều khoản nợ lớn

NGÂN HÀNG Việt nAM
16:57 - 15/08/2023
Nhóm Big 4 ngân hàng đang rao bán nhiều khoản nợ lớn
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 8/2023, nhóm Big 4 ngân hàng bao gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV đăng bán nhiều khoản nợ, tài sản thế chấp có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Nhiều khoản nợ liên quan đến bất động sản đang được rao bán

Tại Agribank, trong tháng 8 này, ngân hàng đăng thông báo liên quan đến việc xử lý nợ và tài sản đảm bảo có giá trị lớn.

Chỉ riêng Chi nhánh Agribank Trung Yên vừa qua thông báo bán đấu giá 4 khoản nợ lớn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Cụ thể, chi nhánh này đăng bán khoản nợ của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà ở Hoàng Hải Phú Quốc với giá khởi điểm là hơn 281,6 tỷ đồng. Ba khoản nợ còn lại là của Công ty TNHH đầu tư bất động sản Quang Trung (giá khởi điểm là 71,3 tỷ đồng), Công ty TNHH tư vấn xây dựng Anh Thắng (giá khởi điểm 70,9 tỷ đồng) và Công ty cổ phần thương mại xây dựng Nam Đô (giá khởi điểm 21,2 tỷ đồng).

Khoản nợ đáng chú ý nhất tại ngân hàng này có liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh với 7 khoản nợ có tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng. Các khoản nợ trên có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải nằm trong Tổ hợp quần thể du lịch, giải trí quy mô gần 34 ha và hơn 20 km đường biển tại Bãi Trường, thuộc xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Dự án do chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh khởi công từ cuối 2021 với tổng mức đầu tư 24.000 tỷ đồng - dự án tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí bao gồm tòa căn hộ khách sạn, hệ thống resort, hệ thống shophouse, biệt thự...

Phối cảnh tổng thể Tổ hợp quần thể du lịch Phú Quốc Tân Hoàng Minh. (Ảnh: Tân Hoàng Minh)

Phối cảnh tổng thể Tổ hợp quần thể du lịch Phú Quốc Tân Hoàng Minh. (Ảnh: Tân Hoàng Minh)

Một dự án khác vừa được ngân hàng này mở bán đấu giá quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà có diện tích gần 300m2 tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Lô đất này được rao bán với mức giá khởi điểm là hơn 44 tỷ đồng

Kể từ đầu tháng 8 tới nay, VietinBank cũng đăng tải gần 30 thông báo về xử lý nợ, tài sản thế chấp trên website chính thức. Trong đó, nhiều khoản nợ xấu có giá trị lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng được thế chấp bằng nhiều bất động sản.

Tại VietinBank chi nhánh TP HCM mới đây thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần NIVL với giá trị tạm tính đến ngày 8/8/2023 (theo tỷ giá quy đổi ngày 8/8/2023 là 23.802 VND/USD) là gần 312,6 tỷ đồng (gồm cả tiền VNĐ và USD). Trong đó, nợ gốc 137,4 tỷ đồng; nợ lãi trong hạn và quá hạn là hơn 175,1 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên bao gồm quyền sử dụng 1.800m2 đất ở cùng với 8.372,7m2 đất sản xuất kinh doanh và 4.471,9m2 đất trồng cây lâu năm tại Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Nga cùng chồng là ông Nguyễn Xuân Mẫn.

Ngoài ra còn bao gồm quyền sử dụng 4.500m2 đất sản xuất kinh doanh tại Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Chủ sở hữu là Công ty TNHH Việt Ấn.

Hồi đầu tháng 8, VietinBank cũng thông báo đấu giá lần 9 khoản nợ của CTCP Nosco Shipyard. Giá trị khoản nợ là hơn 4.800 tỷ đồng và 48 triệu USD (tương đương khoảng 1.130 tỷ đồng). Như vậy tổng giá trị khoản nợ lên đến gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 2.349 tỷ đồng và gần 23,3 triệu USD.

Ngân hàng đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 2.134 tỷ, giảm 760 tỷ đồng so với giá khởi điểm lần đầu và chỉ bằng khoảng 1/3 giá trị khoản nợ.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là quyền sử dụng đất và tài sản, toàn bộ máy móc thiết bị gắn liền với 1.024.902 m2 đất thuê tại Thôn 4, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thuộc dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco Vinalines.

Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco Vinalines

Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco Vinalines

Tại Vietcombank, ngân hàng này vừa thông báo phát mại nhà máy sản xuất container tại khu công nghiệp KCN Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương với giá khởi điểm hơn 268 tỷ đồng.

Ngày 11/8, ngân hàng này cũng đăng bán 1 nhà máy chế biến thủy sản khô tại TP Đà Nẵng với giá khởi điểm hơn 49 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng rao bán 30 Quyền sử dụng đất liền kề với nhau với tổng diện tích là 2,14 hecta, trong đó có 300 m2 đất ở; 21.105 m2 đất cây lâu năm tại Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Giá khởi điểm cho số tài sản này là 30 tỷ đồng.

Hay BIDV cũng thông báo bán đấu giá loạt bất động sản tại TP Hà Nội, trong đó có nhiều biệt thự giá trị hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, bất động sản có diện tích 93,99 m2 tại số 485 phố Đội Cấn, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội được rao bán với giá khởi điểm hơn 25 tỷ đồng.

Bất động sản diện tích 80 m2 tại Tổ 1, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội có giá từ 10,26 tỷ. Hay quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu chợ thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội có diện tích 127,2m2 với giá hơn 17,4 tỷ đồng.

Chất lượng tài sản tại nhóm Big 4 ngân hàng

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 tại các ngân hàng ghi nhận, BIDV là ngân hàng có dư nợ xấu tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm với giá trị tăng 8.348 tỷ đồng, tương đương mức tăng 47%, qua đó đẩy tổng dư nợ xấu tính đến 30/6/2023 lên 25.971 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của BIDV tính đến cuối quý 2/2023 đã tăng lên 1,59% từ mức 1,16% ở thời điểm đầu năm.

Số dư xấu tại Vietinbank cũng tăng từ 15.800 tỷ lên 17.307 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ từ 1,23% lên 1,27% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Vietcombank cũng không ngoại lệ khi tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ lên 0,83%, so với 0,68% vào cuối năm ngoái.

Trong khi đó nợ xấu của Agribank ghi nhận mức tăng trưởng 17,1%, đạt hơn 30.500 tỷ đồng, cao nhất trong 4 ông lớn và chỉ xếp sau VPBank với 1,97%.

Trước áp lực tăng nợ xấu, các ngân hàng cũng đồng thời nâng bộ đệm dự phòng rủi ro. Xét trong nhóm big 4 ngân hàng, quán quân về khả năng dự phòng nợ xấu vẫn thuộc về Vietcombank, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu (tính bằng Số dư dự phòng nợ xấu/Tổng dư nợ xấu) lên tới 385,7% vào cuối quý 2/2023, tăng 68,9 điểm% so với cuối năm ngoái.

Vị trí thứ hai thuộc về Vietinbank với 168,9%, giảm 19,5% so với thời điểm cuối năm 2022.

Sau nửa đầu năm, BIDV ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu đi xuống từ 216,9% về 152,6% và Agribank với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 122,7%, tuy nhiên đã cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong báo cáo mới nhất về ngành ngân hàng, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, sự "đóng băng" của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang làm tăng rủi ro nợ xấu với hệ thống ngân hàng do 2 nguyên nhân chính: một là việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động dòng vốn mới để đảo nợ; hai là hoạt động xử lý nợ xấu khó khăn do bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Song theo các chuyên gia phân tích VCBS, nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro trong hệ thống dự báo sẽ tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

"Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ chính sách hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và tái cơ cấu các khoản vay", báo cáo VCBS nêu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.