Nợ xấu tăng, các ngân hàng gia cố bộ đệm dự phòng ra sao?

NỢ XẤU NGÂN HÀNG
11:04 - 07/08/2023
0:00 / 0:00
0:00
Theo thống kê tại 27 ngân hàng TMCP trên toàn hệ thống, tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng dư nợ xấu là 187.793 tỷ đồng, tăng gần 50.000 tỷ so với đầu năm, tương đương tăng 36%.

Tỷ lệ nợ xấu bình quân trên tổng dư nợ cho vay khách hàng đến 30/6/2023 khoảng 2,07%, tăng từ mức bình quân 1,62% hồi đầu năm. Chỉ có 2/27 ngân hàng được thống kê ghi nhận dư nợ xấu giảm so với đầu năm. Còn lại, 25/27 ngân hàng ghi nhận dư nợ xấu tăng với mức chủ yếu là hai chữ số, cá biệt có ngân hàng tăng 3 chữ số.

Xét về tỷ lệ nợ xấu, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao nhất hệ thống tính đến quý 2/2023. Đứng sau NCB là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với tỷ lệ nợ xấu chiếm 4,55% tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng. Tại ABBank, nợ xấu tăng mạnh ở nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ), với mức tăng lần lượt là 156% và 211%.

Vị trí thứ 3 là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Theo báo cáo tài chính riêng quý 2/2023 của ngân hàng, nợ xấu của VPB tính đến ngày 30/6/2023 là 16.195 tỷ đồng, chiếm 3,88%.

Theo sát VPBank là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 3,86%, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2022.

Những vị trí tiếp theo trong Top 10 lần lượt thuộc về Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Ngân hàng TMCP Bản Việt (VBB); Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGB); Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); Ngân hàng TMCP Nam Á (NamAbank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giao động quanh mức 3%.

Nếu xét về tốc độ tăng tỷ lệ nợ xấu, TPBank (TPB) là ngân hàng có dư nợ xấu tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm, với mức tăng 188%, tương đương dư nợ xấu tăng vọt 2.556 tỷ đồng so với thời điểm 1/1/2023. Trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) ghi nhận tăng 458%, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 142% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 26%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng tính đến 30/6/2023 cũng tăng lên 2,21% từ mức chỉ 0,84% vào đầu năm.

Trong khi đó, Sacombank (STB) ghi nhận dư nợ xấu tại thời điểm hết quý 2/2023 đã tăng 3.927 tỷ đồng, tương đương tăng 91% lên 8.226 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng vọt hơn 4 lần, nợ nhóm 4 tăng 2,6 lần và nợ nhóm 5 tăng 31%. Tỷ lệ nợ xấu của STB theo đó cũng tăng lên 1,79% từ mức chỉ 0,98% hồi đầu năm.

Tại Nam A Bank (NAB), dư nợ xấu tăng 81%, tương đương tăng 1.570 tỷ đồng lên 3.515 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 10,5 lần, nợ nhóm 4 tăng 2,6 lần và nợ nhóm 5 tương đương đầu năm.

Nếu xét về giá trị, BIDV là ngân hàng có dư nợ xấu tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm với giá trị tăng 8.348 tỷ đồng, tương đương mức tăng 47%, qua đó đẩy tổng dư nợ xấu tính đến 30/6/2023 lên 25.971 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của BIDV tính đến cuối quý II đã tăng lên 1,59% từ mức 1,16% ở thời điểm đầu năm.

Ở vị trí thứ ba là VPBank với dư nợ xấu tăng 5.728 tỷ đồng, tăng 23%. Xếp ngay sau là Sacombank (STB) với dư nợ xấu tăng 3.927 tỷ đồng, tăng 91%.

Ngân hàng tăng cường bao nợ xấu

Trước áp lực tăng nợ xấu, nhiều ngân hàng cũng đồng thời nâng bộ đệm dự phòng rủi ro. Quán quân về khả năng dự phòng nợ xấu vẫn thuộc về Vietcombank, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu (tính bằng Số dư dự phòng nợ xấu/Tổng dư nợ xấu) lên tới 385,7% vào cuối quý 2/2023, tăng 68,9 điểm% so với cuối năm ngoái.

Vietcombank cũng là nhà băng ghi nhận tỷ lệ bao phủ tăng duy nhất trong Top 10 tỷ lệ bao nợ xấu.

Vị trí thứ hai quen thuộc thuộc về Vietinbank với 168,9%, mặc dù đứng Top nhưng vẫn giảm 19,5 điểm% so với thời điểm cuối năm ngoái.

Tỷ lệ bao nợ xấu quý 2/2023 của Bac A Bank giảm mạnh 46 điểm% so với cuối năm 2022, dù vậy ngân hàng này vẫn giữ Top 3 tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn hệ thống.

Những vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về MB, BIDV, Agribank, Techcombank, ACB, SeABank và LPBank.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải lúc nào số dư dự phòng nợ xấu cũng theo kịp tốc độ tăng của nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu, tại phần lớn ngân hàng lại sụt giảm trong nửa đầu năm.

Cụ thể, thống kê từ báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, chỉ có 5 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu đi lên so với cùng kỳ. Tỷ lệ dự phòng rủi ro trung bình của 27 ngân hàng đã giảm từ 104% xuống còn 84%.

Vào cuối năm ngoái, Top 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất đều vượt ngưỡng 100%. Tuy nhiên, sang đến cuối quý 2/2023, hai vị trí cuối cùng trong Top 10 là SeABank và LPBank đã không còn đạt được tỷ lệ bao phủ trên 100%.

Trong đó, MB là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm sâu nhất 81,9 điểm%, từ 238% xuống còn 156,1%.

Ngoài ra, một số nhà băng khác cũng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu đi xuống gồm TPBank từ 135,1% về 60,9%; BIDV từ 216,9% về 152,6% và LPBank từ 142,1% về 78,5%.

Trích lập dự phòng giúp ngân hàng phần nào đối phó với rủi ro, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vì vậy, mỗi ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình.

Ngoài ra, nợ xấu ngân hàng phình to là điều các chuyên gia đã dự báo từ trước do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, dẫn đến khả năng trả nợ của nhiều khách hàng bị suy giảm.

Đặc biệt, trước diễn biến kinh tế thế giới, tình hình phát triển kinh tế xã hội trong nước còn khó khăn, thách thức tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024, được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng cũng như người đi vay dễ thở hơn trong giai đoạn này, tuy nhiên việc nợ xấu tăng lên là điều khó tránh khỏi.

Trong báo cáo mới nhất về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định sự "đóng băng" của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang làm tăng rủi ro nợ xấu với hệ thống ngân hàng do 2 nguyên nhân chính: một là việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động dòng vốn mới để đảo nợ; hai là hoạt động xử lý nợ xấu khó khăn do bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Song theo các chuyên gia phân tích VCBS, nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro trong hệ thống dự báo sẽ tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

"Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ chính sách hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và tái cơ cấu các khoản vay", báo cáo VCBS nêu.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.