Những thách thức nào đang đặt ra trong thu hút FDI từ EU vào Việt Nam

FDI eu
09:28 - 26/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
Thu hút FDI EU vào Việt Nam được kỳ vọng tạo ra xung lực hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhưng dòng vốn này đang đối mặt với 2 thách thức mới là xu hướng đầu tư và tác động của biến động tỷ giá.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư quay về nước sở tại

Tọa đàm “FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và Viện Konrad-Adenauer-Stiftung phối hợp tổ chức ngày 25/10, đã đưa ra góc nhìn về các thách thức thu hút FDI từ EU vào Việt Nam trong bối cảnh mới.

Nhận định chung về FDI EU thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhìn nhận, bức tranh đầu tư FDI vào Việt Nam gần như không thay đổi trong 10 năm nay. Việt Nam mong muốn nhiều về công nghệ, tri thức từ dòng vốn FDI châu Âu nhưng chưa được như kỳ vọng, dòng vốn có xu hướng tập trung vào gia công chế biến chế tạo và bất động sản.

Trong bối cảnh covid-19, biến đổi khí hậu thách thức thì Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút đầu tư do có đầy đủ hai luồng động lực phía đẩy và phía hút. Việt Nam cũng gần thị trường nguyên liệu và cơ sở hạ tầng được cải thiện tốt hơn, nền tảng vĩ mô ổn định nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, trong đó có EU.

Các địa phương cũng đang tích cực tạo điều kiện cho đầu tư, đặc biệt sau khi chỉ số PCI được công bố trở thành một cuộc đua quan trọng về cải cách thế chế của các tỉnh/thành phố trong cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng, FDI EU vào Việt Nam đang khiêm tốn hơn so với các nước ASEAN, quy mô dự án còn nhỏ. Những lĩnh vực EU có thế mạnh như dịch vụ thông tin, công nghệ chưa vào Việt Nam nhiều.

"Hạn chế này càng trở nên khó khắc phục sau đại dịch Covid-19, một số nước châu Âu, tiêu biểu là Đức đang có xu hướng đưa các dòng đầu tư quay trở lại Đức hoặc gần nước Đức. Đây sẽ là thách thức thu hút FDI EU vào Việt Nam trong thời tới”.

PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu

Cùng quan điểm với ông Thắng, TS. Cao Thị Hồng Vinh, Đại học Ngoại Thương cũng cho rằng xu hướng quay trở về đầu tư trong nước của các nước châu Âu thực tế đang diễn ra. Các nhà đầu tư được chính phủ các nước yêu cầu đầu tư tại chính nước sở tại hoặc các quốc gia lân cận.

Theo bà Vinh, đây là một thách thức cần được nhận định sớm để có giải pháp ứng phó thách thức mới. “Cần xem xét động cơ họ quan tâm gì ở Việt Nam và công tác xúc tiến đầu tư minh bạch, mở cửa và thuận lợi hơn”, bà Vinh nói.

Tác động của biến động tỷ giá

Bên cạnh xu hướng chuyển dịch FDI EU theo chính sách của chính phủ các nước, một thách thức khác cũng đang nổi lên, tác động đến không chỉ với việc thu hút đầu tư và với cả vấn đề thị trường là biến động tỷ giá VND và EURO.

PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng nhận định, câu chuyện tỷ giá VND đang tăng lên được kỳ vọng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ cải thiện hơn. Nhưng ngược lại giá trị đồng tiền từ EU sang Việt Nam đang giảm đi, nếu xu hướng này kéo dài có thể sẽ có ảnh hưởng nhất định đến thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, cần phải đặt bài toán tỷ giá này trong bối cảnh, khung thời gian có kéo dài hay không đủ để tạo ra một tác động mới hay chỉ là biến động nhất thời.

Bình luận về tác động của biến động tỷ giá, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc Gia cho rằng, khi mặt bằng lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay tăng theo sẽ tác động đến doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp vốn đang gặp nhiều khó khăn.

"Bên cạnh những biến động thị trường về đầu ra của xuất khẩu, những thay đổi lãi suất của châu Âu còn ảnh hưởng đến thu nhập, tiêu dùng của người dân, giảm sức mua và tác động đến cả chính doanh nghiệp các nước EU cũng gặp khó khăn. Nếu điều này kéo dài hơn trong quý tới hoặc quý I/2023 thì ảnh hưởng sẽ tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp Việt Nam".

TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc Gia

Với những biến động tỷ giá VND – EURO trong thời gian vừa rồi, ông Thắng cho rằng, Chính phủ đã làm đúng khi cân nhắc giữa chi phí và lợi ích phải điều chỉnh nhẹ để giảm áp lực cho lãi suất. Cũng như hiện nay, điều chỉnh một chút lãi suất để giảm áp lực lãi suất tỷ giá. Với cách điều hành hiện nay đang thể hiện hướng điều chỉnh tương đối nhẹ không tạo ra cú sốc và cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá ở mức độ hợp lý để kiểm soát tình hình trước biến động thị trường thế giới.

“Doanh nghiệp nên dự phòng rủi ro tỷ giá tăng lên. Việc cần làm là giữ bình tĩnh trong các quyết định về xuất khẩu và đầu tư là quan trọng nhất. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào những biến động nhanh và bất ngờ gần đây liên quan đến tỷ giá, trái phiếu, chứng khoán thì chính biến động tâm lý sẽ làm trầm trọng hơn những biến động thực của thị trường”, ông Thắng khuyến nghị.

Phản ánh thực tế từ Eurocham

Bà Hoàng Hồng Vân, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, Chính sách Nhà nước rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EU đầu tư tại Việt Nam, nhưng về mặt thực thi tại các địa phương lại có độ mở chính sách khác nhau, cùng với đó là thủ tục vẫn rườm rà.

Một khó khăn khác là chi phí logistics ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao so với các nước trong khu. “Các doanh nghiệp EU phản ánh lại là chi phí logistics từ TP HCM ra Hà Nội bằng chi phí từ Việt Nam sang Singapore, đây là lý do vì sao các nhà đầu tư lại đầu tư vào Việt Nam hạn chế hơn so với các nước trong khu vực ASEAN”, bà Vân chỉ ra.

Về nguồn nhân lực, theo bà Vân, các doanh nghiệp EU không quan tâm lao động rẻ bằng yêu cầu lao động nhân lực được đào tạo chất lượng cao. Nhưng yếu tố này vẫn còn thiếu hụt rất lớn trong khả năng cung cấp nhân lực của Việt Nam với các DN EU.

Đây cũng là lý giải nguyên nhân vì sao Hà Lan đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn các nước Đức, Bỉ, Italia… Vì lĩnh vực đầu tư của họ khác nhau về yêu cầu nhân lực. “Ví dụ Tập đoàn Deheus của Hà Lan đầu tư vào nông nghiệp thì họ cần nhân lực làm việc trong lĩnh vực này đông về số lượng nhưng không yêu cầu cao về trình độ”, bà Hoàng Hồng Vân lấy ví dụ.

Tin liên quan

Đọc tiếp