Ông Lê Viết Hải: Tôi đã chủ quan khi không quan tâm thành viên HĐQT đứng về phe nào

HBC Hoà BÌnh
21:30 - 27/06/2023
Ông Lê Viết Hải phát biểu tại ĐHĐCĐ. Ảnh: HBC
Ông Lê Viết Hải phát biểu tại ĐHĐCĐ. Ảnh: HBC
0:00 / 0:00
0:00
“HBC có đến 4 thành viên HĐQT độc lập trong tổng số 8 thành viên, tương ứng 50%, cao hơn nhiều so với các công ty niêm yết khác. Tuy nhiên, chính vì việc này, khi có xung đột lợi ích, kéo bè kéo cánh, tôi không thể kiểm soát được”.

Chia sẻ của ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) tại ĐHĐCĐ chiều 27/6, khi nói về “cuộc chiến” thượng tầng xảy ra tại Hoà Bình hồi đầu năm 2023.

Ông Hải thừa nhận, mâu thuẫn nội bộ xảy ra là do xuất phát từ cách quản lý của ông, đó là sẵn sàng đưa mọi cá nhân tỏ ra có năng lực, trình độ, cùng tầm nhìn, cùng hoài bão vào tập đoàn để thực hiện mục tiêu chiến lược của HBC.

“Mục tiêu những năm vừa qua là đưa HBC ra thị trường quốc tế. Dù những bước đi ban đầu chưa thành công nhưng chúng tôi đã có được một số đối tác tiềm năng ra nước ngoài. Tôi tin là trong thời gian tới khi giải quyết được các vấn đề, mục tiêu này có thể thực hiện được”, ông Hải nói.

Từ bài học rút ra về việc có quá đông thành viên HĐQT độc lập, để kiểm soát thượng tầng tốt hơn, ông Hải cho rằng cần gắn vốn đầu tư từ thành viên HĐQT vào lợi ích của công ty.

Ban lãnh đạo HBC chia sẻ thông tin với cổ đông. Ảnh: HBC

Ban lãnh đạo HBC chia sẻ thông tin với cổ đông. Ảnh: HBC

Đặt mục tiêu tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu giảm về 1

Chia sẻ về định hướng hoạt động năm 2023, ông Lê Viết Hiếu - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc cho biết, công ty sẽ tăng nguồn thu từ hạ tầng - tăng vốn đầu tư cho CTCP 479 Hòa Bình để thúc đẩy phát triển thị công các dự án hạ tầng; đồng thời thay đổi mô hình hoạt động và cấu trúc chi phí.

Đối với các dự án đang dừng triển khai do pháp lý, HBC sẽ hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ bằng cách tổ chức các buổi hội nghị để gửi kiến nghị đến cơ quan Nhà nước. HBC sẽ đẩy mạnh tổ chức hội thảo để tháo gỡ cho ngành bất động sản.

Về mục tiêu doanh thu 12.500 tỷ đồng, ông Hiếu cho biết dự kiến sẽ có 7.500 tỷ đồng ghi nhận từ backlog (đơn hàng tồn); 2.000 tỷ đồng từ hợp đồng mới; 1.300 tỷ đồng từ xuất khẩu vật liệu xây dựng; 500 tỷ đồng từ công ty con và 1.150 tỷ đồng còn lại đến từ nguồn thu khác.

Dài hơi hơn, ông Hiếu cho biết giai đoạn 2024 - 2026, HBC đặt mục tiêu tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu giảm về 1, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dương từ năm 2024 và đạt 600 tỷ đồng vào năm 2026. Trong năm 2024, lãi gộp tăng 6% và lãi ròng tăng 2%. Năm 2026, lãi gộp tăng 9% và lãi ròng tăng 4%.

6 thành viên trong HĐQT mới của HBC, gồm 3 thành viên mới được bầu vào. Ảnh: HBC

6 thành viên trong HĐQT mới của HBC, gồm 3 thành viên mới được bầu vào. Ảnh: HBC

Đối tác nước ngoài sẵn sàng chi 60-100 triệu USD mua cổ phiếu HBC

ĐHĐCĐ HBC đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhằm huy động nguồn vốn để bổ sung vốn lưu động cũng như xử lý các khoản nợ (hoán đổi nợ với đối tác, thanh toán nợ vay từ phát triển dự án).

Giá phát hành sẽ do HĐQT quyết định nhưng sẽ không thấp hơn 12.000 đồng/cp. Nếu đợt chào bán diễn ra thành công, HBC có thể thu về ít nhất 3.288 tỷ đồng.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội, ông Lê Văn Nam - Tổng Giám đốc HBC cho biết, hiện có 4 đối tác quan tâm đến đợt phát hành của HBC và đã tiến hành ký MoU (biên bản ghi nhớ).

Trong đó, một đối tác đến từ Australia sẵn sàng chi 60-100 triệu USD để mua cổ phiếu HBC.

Ông Lê Văn Nam cho biết thêm, bên cạnh huy động vốn để giải quyết vấn đề với nhà cung cấp, nhà thầu phụ, công ty sẽ tập trung công tác thu hồi công nợ, tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng và có kế hoạch thoái vốn ở những công ty hoạt động không hiệu quả.

Vào giữa tháng 6, HĐQT HBC đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng 100% vốn tại công ty con là Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho Ashita Group. Dự kiến tổng giá trị chuyển nhượng và một phần thiết bị đã khấu hao hơn 1.100 tỷ đồng và sẽ được bổ sung vào vốn lưu động cho HBC.

Tin liên quan

Đọc tiếp