Ông Trịnh Văn Quyết: Từ luật sư đến chủ tịch tập đoàn đa ngành và vướng vòng lao lý

Doanh Nhân Việt nAM
10:13 - 30/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trịnh Văn Quyết từng là gương mặt doanh nhân nổi bật với quá trình khởi nghiệp đáng chú ý và nhiều thương vụ đầu tư lớn. Tuy nhiên Chủ tịch FLC đã tự đưa chân vào vòng lao lý khi liên tục sai phạm trên thị trường chứng khoán.

Bộ Công an chiều 29/3 chính thức phát đi thông báo khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Trước đó, ông Quyết đã bị xử phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 5 tháng.

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại Vĩnh Phúc, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội. Theo lời kể của Chủ tịch FLC, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã tham gia kinh doanh với việc buôn bán điện thoại di động cũ, đồ gỗ và tivi. Sau khi ra trường, ông mở văn phòng Luật sư SMic chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ doanh nghiệp.

Năm 2008, ông Quyết cùng hai người nữa thành lập công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune với số vốn 18 tỷ đồng và 2 năm sau đó chuyển đổi thành Công ty cổ phần FLC. Ông bắt đầu có tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản từ năm 2009, với việc khởi công FLC Landmark Tower tại Hà Nội.

FLC chính thức tham gia thị trường chứng khoán khi niêm yết trên sàn HNX vào tháng 10/2011. Một năm sau, công ty tiến hành sáp nhập FLC Land, tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ lên 772 tỷ đồng. Kể từ đó, FLC mở rộng đầu tư bất động sản bằng việc thâu tóm và phát triển một loạt dự án tại Hà Nội cũng như xây dựng những khu nghỉ dưỡng có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại các địa phương khác. Tên tuổi của ông Trịnh Văn Quyết cũng dần nổi tiếng.

FLC ghi dấu ấn ở những dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh: FLC Hạ Long

FLC ghi dấu ấn ở những dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh: FLC Hạ Long

Không chỉ dừng lại ở bất động sản, FLC dưới sự điều hành của ông Quyết còn lấn sân sang lĩnh vực hàng không với hãng Bamboo Airways. Dù mới bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2019 nhưng Bamboo Airways đã công bố đạt kết quả tốt khi 2 năm đầu (2019-2020) đều báo lãi, hiện giành thị phần thứ ba tại Việt Nam với 20%, đứng sau Vietnam Airlines và Vietjet.

Mặc dù vậy, Tập đoàn FLC trong quá trình hoạt động hơn 10 năm qua cũng mang không ít tai tiếng. Nhiều dự án của công ty này đã không hoàn thành tiến độ như dự kiến bị khách hàng, nhà thầu kiện tụng; nhiều dự án dở dang, lãng phí nguồn lực, khiến những người liên quan đến dự án bị thiệt hại.

Hai lần "bán chui" cổ phiếu

Trên thị trường chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết từng có thời điểm là người giàu nhất sàn. Đó là năm 2017, với khối tài sản lên tới 58.852 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Thời điểm đó, ông Quyết sở hữu 318,5 triệu cổ phiếu ROS, 135,3 triệu cổ phiếu FLC và 2,6 triệu cổ phiếu ART. Đây chính là lúc thị giá ROS, ART ở thời kỳ hoàng kim với mức đỉnh lần lượt vượt 166.000 đồng/cp và 22.000 đồng/cp.

2017 cũng là năm ghi nhận lần đầu tiên ông Quyết bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xử phạt vi phạm hành chính 65 triệu đồng về hành vi "bán chui" cổ phiếu. Cụ thể, ông Quyết bán 57 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20/10 đến ngày 24/10/2017 nhưng không báo cáo với SSC và HoSE về việc dự kiến giao dịch. Ngay trước đó, ngày 23/10, Chủ tịch Tập đoàn FLC có văn bản gửi SSC, HoSE và Công ty cổ phần Tập đoàn FLC công bố việc mua 37 triệu cổ phiếu FLC để nâng tỷ lệ sở hữu FLC từ 24,32% lên 30,12% trên tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Nội dung mua này cũng được in thành văn kiện đưa ra biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC diễn ra vào ngày 23/10/2017, nhằm mục đích mua 37 triệu cổ phiếu để không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai. Thông báo mua của ông Trịnh Văn Quyết nêu rõ thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 20/11/2017 đến ngày 19/12/2017. Tuy nhiên, xác nhận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Quyết đã bất ngờ bán chui 57 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn điều lệ của FLC, giao dịch này chỉ diễn ra trong 3 ngày từ 20/10/2017 đến 24/10/2017.

Theo giới phân tích, khi ông Quyết công bố mua 37 triệu cổ phiếu, đây là lượng mua cổ phiếu rất lớn tương dương 6% vốn điều lệ FLC thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tin rằng doanh nghiệp có nhiều tin tốt, sẽ có lực cầu lớn để đẩy giá cổ phiếu lên. Nhưng thực tế, con số cổ phiếu bán chui của ông Quyết vượt 20 triệu cổ phiếu so với con số công bố mua. Vì vậy, nhiều ý kiến nhận định thời điểm đó Chủ tịch FLC không đơn giản chỉ là bán chui cổ phiếu mà phải là hành vi lừa đảo nhà đầu tư. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam khi đó còn cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ xử phạt ông Quyết 65 triệu đồng là quá nhẹ.

Cổ phiếu FLC lao dốc từ sau phiên 10/1, sau sự kiện ông Quyết "bán chui" cổ phiếu.

Cổ phiếu FLC lao dốc từ sau phiên 10/1, sau sự kiện ông Quyết "bán chui" cổ phiếu.

Tới đầu năm 2022, ông Quyết lại có hành vi tương tự, nhưng lần này gây chấn động và hậu quả nặng nề hơn. Phiên ngày 10/1, mã cổ phiếu FLC đạt thanh khoản kỷ lục trên thị trường - xấp xỉ 135 triệu cổ phiếu. Điều đáng nói là trong phiên, cổ phiếu FLC buổi sáng có lúc tăng hết biên độ lên 24.100 đồng, nhưng áp lực bán tháo xuất hiện sau giờ nghỉ trưa khiến đà tăng bị thu hẹp nhanh chóng. Khoảng 13h30, mã bắt đầu đảo chiều xuống dưới tham chiếu và sau đó khoảng 5 phút thì chạm sàn 21.000 đồng.

Ngay tối hôm đó, thông tin ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 74,8 triệu cổ phiếu mà không công bố khiến giới chứng khoán sôi sục. Vụ việc nghiêm trọng khiến Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) phải điều tra làm rõ. Sau đó, giao dịch của ông Quyết bị huỷ; SSC cũng ra quyết định xử phạt.

Theo Bộ Công an, ngay sau vụ việc ngày 10/1/2022, Cơ quan điều tra đã vào cuộc điều tra, xác minh. Kết quả cho thấy, từ ngày 1/12/2021 đến 10/1, ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân điều hành Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán để giao dịch mua, bán cổ phiếu FLC, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo. Từ đó khiến cổ phiếu FLC tăng giá từ 14.650 đồng/cổ phiếu lên giá cao nhất là 24.000 đồng, tăng hơn 64%.

Khi cổ phiếu đạt đỉnh, ông Quyết chỉ đạo người thân đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng.

Hành vi trên của ông Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội "thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại điều 211 Bộ luật hình sự. Vì vậy, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố bị an, bắt tạm giam Chủ tịch FLC.

Không chỉ ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn FLC mới đây cũng bị phạt 495 triệu đồng về nhiều vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán như không công bố đúng thời hạn, công bố thông tin sai lệch, công bố thông tin không đầy đủ nội dung… Hồi tháng 1 vừa qua, một công ty liên quan đến FLC là FLC Homes (mã chứng khoán FHH) cũng bị phạt 145 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch lẫn không đúng thời hạn.

Trước đó, Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) – một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái FLC đã từng bị phạt tổng cộng 170 triệu đồng vào tháng 1/2021 vì công bố thông tin sai lệch, không đúng thời hạn và không đầy đủ nội dung. Năm 2017, công ty này cũng từng bị phạt 130 triệu đồng vì bán ra 13,6 triệu cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group nhưng không báo cáo thông tin.

Tin liên quan

Đọc tiếp